Xét nghiệm sán lợn - hiểu thế nào cho đúng?

Sự việc nhiều trẻ ở Bắc Ninh được phát hiện dương tính với sán lợn khiến nhiều phụ huynh lo lắng, tuy nhiên, PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai) cho rằng, việc điều trị căn bệnh này không quá khó khăn, do đó cha mẹ cần bình tĩnh. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất hiện nay là ăn thức ăn chín và uống sôi, thì cả trứng lẫn ấu trùng sán sẽ bị tiêu diệt và không bị bệnh.

Xét nghiệm sán lợn - hiểu thế nào cho đúng?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường.

Vệ sinh kém, dễ mắc sán

Sán trưởng thành nằm trong ruột người, rồi đẻ ra trứng và xuất hiện trong phân người, nếu điều kiện vệ sinh kém, trứng sẽ nhiễm vào nguồn nước/rau, nếu rửa không sạch. Trứng từ đó vào cơ thể người nếu ăn rau sống, thức ăn nấu chưa chín, hoặc uống nước chưa đun sôi và tạo ra các ấu trùng.

Ở lợn, ấu trùng có trong thịt (lợn gạo), còn ở người, ấu trùng tạo ra các nang có thể chạy vào não, cơ, mắt... Bệnh này phải sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau mới phát.

Việc xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh. Nếu xét nghiệm máu dương tính cũng chỉ khẳng định là có phơi nhiễm ấu trùng, mà nhiễm ấu trùng là do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, chứ không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng.

Để khẳng định do ăn thịt lợn gạo mà bị bệnh sán (trưởng thành) thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm xem có thấy đốt sán trưởng thành hay không, lúc đó mới khẳng định các cháu bị bệnh sán trưởng thành, chứ không phải bị bệnh do nhiễm ấu trùng.

Từ trước đến nay xét nghiệm chẩn đoán sán lợn thường chỉ làm cho người có nguy cơ hoặc triệu chứng, như bệnh nhân bị động kinh không rõ nguyên nhân, hay bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, khi bị các nốt dưới da... thì phải làm xét nhiều xét nghiệm khác như siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết,... để khẳng định, và xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Còn xét nghiệm hàng loạt thì chỉ áp dụng trong điều tra dịch tễ học, vì nếu phát hiện ca bệnh dương tính vẫn phải làm thêm các xét nghiệm khác để khẳng định có bị bệnh hay không để điều trị.

Vì thế, 209 cháu bị dương tính không có nghĩa 209 cháu đang mắc bệnh. Cần phải xem lại ở quần thể khác, như người lớn ở đó, hoặc các cháu học sinh ở tỉnh khác, rồi so sánh xem con số đó thực sự cao hay không rồi có các chuyên gia dịch tễ học phân tích tìm mối nguy cơ. Trường hợp các cháu ở Bắc Ninh nếu không có triệu chứng, tức là chỉ phơi nhiễm với bệnh, thì không cần phải điều trị.

Bệnh có thể điều trị, người dân không nên hoang mang

Điều trị bệnh sán không khó khăn vì có sẵn thuốc cũng như phác đồ của Bộ Y tế, nhưng cần phân biệt bệnh ấu trùng sán lợn hay bệnh sán lợn trưởng thành, để điều trị. Nếu bị bệnh sán trưởng thành (tìm thấy đốt sán trong phân) thì sẽ dùng thuốc tẩy sán praziquantel 15-20mg/kg cân nặng, uống liều duy nhất. Điều trị bệnh ấu trùng sán lợn (bị ở não, dưới da) tức là phải có triệu chứng, thì sẽ kéo dài hơn: Praziquantel 30mg/kg/ngày x 15 ngày x 2-3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày).

Việc một số người cho rằng các cháu dương tính với sán có liên quan đến ăn thịt lợn gạo, vô hình dung là “đánh” vào những nhà cung cấp thực phẩm và ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi, tạo tâm lý hoang mang không cần thiết.

Xét nghiệm sán lợn - hiểu thế nào cho đúng?

Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất hiện nay là ăn thức ăn chín và uống sôi, thì cả trứng lẫn ấu trùng sán sẽ bị tiêu diệt và không bị bệnh.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Xét nghiệm sán lợn - hiểu thế nào cho đúng?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - GĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai)

Theo SK&ĐS

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast