Những “lò thiêu” rập rình khai hỏa...

(Baohatinh.vn) - Dịch vụ karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, trong đó, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một trong những yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên công tác PCCC ở các cơ sở này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Và vì thế, các cơ sở hát karaoke đang được ví như những “lò thiêu” rập rình khai hỏa.

PCCC cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke (Bài 1):

nhung lo thieu rap rinh khai hoa

Rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Tĩnh lắp biển quảng cáo quá quy định, không đảm bảo an toàn PCCC, nhất là chưa lắp đặt đầy đủ hệ thống báo cháy, phương tiện chữa cháy tự động...

Đêm đầu tháng, sau chầu nhậu nhẹ để tăng phần hứng khởi và “mượt giọng”, chúng tôi lên taxi đi “tăng 2”. Điểm “tập kết” là quán karaoke nằm trên địa bàn phường Nam Hà. Cuối tuần, quán khá đông khách, mọi cánh cửa đều đóng kín mít. Sau mấy bước thang bộ lên tầng 2, chúng tôi cùng vào thang máy lên tầng 4.

Đèn nhá nhem, hành lang, lối đi chi chít, sẵn hơi men nên mọi thứ càng trở nên mờ ảo, như bước vào ma trận. Chợt nhớ đến vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke ở Hà Nội làm 13 người thiệt mạng, tôi thon thót giật mình. Cố tìm hệ thống chữa cháy, mấy cái bình cứu hỏa nằm góc khuất mà trong điều kiện ánh sáng như thế này, dùng tay sờ mới khẳng định được. Hình như có 1 cầu thang bộ dẫn đi đâu đó (phải dùng từ “hình như” vì không có biển báo) mà tôi chắc rằng, khi xảy ra hỏa hoạn, không phải ai cũng kịp thấy đường thoát hiểm này.

Thấy tôi ngó nghiêng, tìm kiếm, nghĩ là tôi say, không biết phòng hát nên cậu nhân viên khá trẻ tiến đến. Bất ngờ khi biết tôi tìm hiểu “cơ chế trốn cháy”, lúng túng khi được hỏi về phương án PCCC, cậu nhân viên chống chế: “Từ trước đến nay, khi đi hát có ai để ý đến hệ thống thoát hiểm, PCCC như anh đâu. Yên tâm đi, cháy làm sao được. Mấy năm rồi đã có chuyện gì đâu”. Miễn cưỡng vào phòng hát, hình như vụ hỏa hoạn kinh hoàng kia vẫn ám ảnh mọi người. Chúng tôi thống nhất trả phòng, về sớm.

Anh bạn tôi đưa ra “sáng kiến”: Từ nay muốn đi hát karaoke, phải cử người “điều nghiên” trước đường đi nước bước, cách thức bố trí và các công cụ thoát thân cho chắc chắn đã. Mà có lẽ, cũng nên bắt buộc các cơ sở karaoke có bảng điện tử hướng dẫn phương án PCCC, cứu hộ, cứu nạn để khách hàng yên tâm. Vừa hát, vừa run thế này, về nhà hát chay cho sướng. Cuộc vui đêm nay không trọn vẹn nhưng đành lòng vì không ai dám đánh cá sinh mạng mình cho những rủi ro.

nhung lo thieu rap rinh khai hoa

Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke không được quy hoạch, nhiều cơ sở dạng nhà ống nhiều tầng nên khi xảy ra hỏa hoạn, việc ứng cứu là rất khó khăn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 200 cơ sở karaoke lớn nhỏ. Trong đó, riêng TP Hà Tĩnh có 34 cơ sở, chủ yếu là các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke “hạng sang”, thậm chí có nơi nâng lên thành trung tâm giải trí với tòa nhà 15 tầng đồ sộ. Tuy nhiên, “mẫu số chung” cho những quán karaoke này vẫn là những thiếu sót, bất cập trong công tác PCCC, luôn tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra cháy, nổ. Và, nếu xảy ra hỏa hoạn ở bất kỳ điểm kinh doanh karaoke nào trên địa bàn thì hậu quả thật khôn lường.

Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke không được quy hoạch, nhiều cơ sở dạng nhà ống nhiều tầng nên khi xảy ra hỏa hoạn, việc ứng cứu là rất khó khăn. Bên cạnh đó, các phòng hát đều được thiết kế cách âm, cách nhiệt, che chắn kín bằng vật liệu dễ cháy. Chưa kể có nơi còn gắn biển hiệu, biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây cản trở khả năng tiếp cận chữa cháy; thiếu các cầu thang phục vụ thoát nạn, hành lang thoát hiểm và các dụng cụ sơ, tiếp cứu. Thậm chí, có quán karaoke khá lớn, diện tích sàn gần 2.000 m2 với 25 phòng hát nhưng chỉ có 1 cầu thang bộ mà lối thoát lên mái luôn bị khóa, còn 2 lối thoát tầng hầm thì… vận hành bằng điện. Nghĩa là nếu hỏa hoạn xảy ra, khách hát sẽ “lơ lửng” trong “lò thiêu”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc – Đội trưởng Đội Hướng dẫn – Kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC cho biết: Không chỉ hạ tầng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đáp ứng yêu cầu mà kỹ năng, trình độ nhận thức và ý thức chấp hành của chủ cơ sở và nhân viên cũng nhiều bất cập. Việc tập huấn cho nhân viên về nghiệp vụ PCCC chưa thường xuyên, chưa đầy đủ; các trang thiết bị chữa cháy, bình cứu hỏa, bảng chỉ dẫn nhiều nơi chưa được quan tâm đầu tư đủ. Thậm chí, có một số cơ sở chỉ làm theo kiểu đối phó.

“Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là ý thức trách nhiệm của chủ kinh doanh. Phòng Cảnh sát PCCC, công an địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhưng nhiều cơ sở vẫn chưa triệt để chấp hành. Sau đợt tổng kiểm tra lần này, chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để vãn hồi trật tự, cơ sở nào không đáp ứng các yêu cầu về PCCC là kiên quyết dẹp bỏ, không thể vì mục đích kinh tế mà bất chấp hậu quả” – Thiếu tá Lộc bày tỏ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast