Hơi ấm của Người còn đọng mãi hôm nay

Tôi là một chiến sỹ quân đội, là thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vinh dự nhất của đời tôi là được trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của một vị tướng nhân hậu, toàn tài và hạnh phúc lớn lao của tôi là đã một lần được bác Võ Nguyên Giáp ôm hôn.

Năm 1989, tỉnh Nghệ - Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học, “Bác Hồ với quê hương” để kỷ niệm 100 ngày sinh của Người. Tôi được tham gia viết đề tài "Bác Hồ với Xô viết Nghệ Tĩnh". Trong vòng 1 tháng, vừa tìm tư liệu, vừa nghiên cứu, vừa viết, cộng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành bản tham luận.

Ngày 12/9 năm đó, cuộc hội thảo được tổ chức tại hội trường Tỉnh ủy với hàng trăm người tham gia, trong đó có các học giả, các nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí trong và ngoài nước; đặc biệt, bác Võ Nguyên Giáp trực tiếp điều hành và đọc tham luận khoa học.

“Bác Giáp đang căn dăn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh quan tâm bồi dưỡng các cán bộ trẻ ” (Ảnh chụp ngày 12-9-1989, tại hội trường Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, trong hội thảo kỷ niệm 100 năm, năm sinh Bác Hồ). Ảnh: Sinh Hương
“Bác Giáp đang căn dăn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh quan tâm bồi dưỡng các cán bộ trẻ ” (Ảnh chụp ngày 12-9-1989, tại hội trường Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, trong hội thảo kỷ niệm 100 năm, năm sinh Bác Hồ). Ảnh: Sinh Hương

Hôm đó, tôi ăn mặc chỉnh tề, mang tay giả, nhìn qua, ít người biết tôi là thương binh. Sau lời khai mạc, dẫn chương trình, phát biểu của các nhà lãnh đạo, giữa giờ buổi sáng, tôi được mời lên đọc tham luận. Khi đọc xong, những tràng vỗ tay động viên vừa ngớt cũng là lúc giờ giải lao giữa buổi, tôi từ trên bục diễn đàn đi xuống, cùng lúc bác Giáp rời bàn chủ tịch điều hành đi ra, mọi người trong hội trường đứng lại nhường đường và bắt tay bác.

Thấy tôi đi sát phía sau, bác quay lại khen và bắt tay chúc mừng. Tôi cúi xuống và giơ bàn tay trái còn lại của mình ra đáp từ. Mọi người nhìn tôi có có vẻ không hài lòng, vì tôi chỉ dùng một tay, lại bắt bằng tay trái với vị Tổng Tư lệnh thiên tài, đáng kính. Rất may, anh Trần Ngọc Giảng - Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy lúc đó đã đỡ lời: "Đây là đồng chí thương binh, chỉ còn một tay, là cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh”. Nghe vậy, bác Giáp dừng lại và quay về phía sau ôm lấy tôi, tôi quàng tay lên cổ bác. Bác gọi tôi bằng “cậu” (từ gọi thân thương của người chiến sỹ trong quân ngũ): "Cậu bị thương ở đâu? Đánh trận nào? Đã có gia đình chưa?". Bác sờ lên cánh tay bị thương của tôi và hỏi: “Thường ngày, vết thương có đau lắm không?”.

Tôi cảm động trả lời từng câu hỏi của bác. Bác động viên tôi: "Cậu là thương binh, nghiên cứu về Đảng, về Bác Hồ là rất tốt, Bác Hồ là người đã từng chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Nhiều tài liệu của Quốc tế Cộng sản hiện nay đang nằm trong kho lưu trữ nước ngoài, ta chưa khai thác hết. Vì vậy, cậu phải cố gắng học thêm ngoại ngữ để nghiên cứu, khai thác những nguồn tư liệu mới". Bác quay lại bên các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh, chỉ vào tôi và nói: "Đây là một cán bộ trẻ, các đồng chí nên bồi dưỡng, đào tạo để đồng chí này tiến bộ". Sau đó, bác đi ra tiền sảnh của hội trường nói chuyện và bắt tay từng người.

Năm 1971, tôi là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, được gặp bác lúc đó là Đại tướng - Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam vào tận đại bản doanh của Bộ Tư lệnh 559 ở Bố Trạch (Quảng Bình) để phát lệnh chiến dịch: "Tất cả cho chiến trường miền Nam đại thắng". Lần ấy, tôi chỉ được đứng từ xa nhìn bác, nhưng lần được bác Giáp trực tiếp ôm hôn, dặn dò, hơi ấm của Người còn đọng mãi trong tôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast