Tổ quốc - tình yêu trong máu thịt

(Baohatinh.vn) - Tổ quốc Việt Nam, dải đất hẹp nằm bên bờ biển Đông, ôm trọn quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tạo thành bức tranh hữu tình, tráng lệ. Để giữ gìn giang san, bao thế hệ người Việt đã gươm súng lên đường và hòa máu xương của mình vào đất đai, sông núi. Tùy vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tình cảm với Tổ quốc có khi nhân lên thành sức mạnh đánh đuổi kẻ thù, có khi sâu lắng, bền bỉ trong nghị lực, quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh.

Nhớ khi xưa vó ngựa Nguyên – Mông giày xéo nước ta, tướng Trần Bình Trọng (26 tuổi) bị bắt nhưng vẫn ngẩng cao đầu dõng dạc: Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc. Đấy là niềm kiêu hãnh, lòng tự tôn của tình yêu Tổ quốc. Thái độ bất khuất của Trần Bình Trọng không đơn thuần là giá trị bản thân vị danh tướng mà cao hơn là tiếng nói của giá trị dân tộc, giá trị con người Việt Nam. Yêu Tổ quốc từ lâu đã gắn với tinh thần xả thân, dẫu “da ngựa bọc thây”, “xương tan thịt nát” vẫn cam lòng. Hai cuộc trường chinh của dân tộc đã nói lên những phẩm chất cốt lõi của người Việt Nam, đúng như Raxun Gamzatop đã nói: Người Việt Nam đã cho thế giới thấy rõ một cách cụ thể, thế nào là Tổ quốc. Vào thời kỳ ấy, nhiều người con đã hy sinh anh dũng, mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Tất cả là bởi tinh thần xả thân như Hoàng Trần Cương đã viết: Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn/ Thoáng bóng giặc núi bửa thành báng súng/ Những đứa con văng mình như mảnh đạn/ Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi.

Tổ quốc - tình yêu trong máu thịt ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Trong những tình thế éo le, không thể cầm súng dẫu Tổ quốc gian nguy, người Việt Nam đã biểu thị lòng yêu nước theo cách hòa bình, nhưng vẫn tạo nên những làn sóng phản đối mạnh mẽ. Trước 1945, đồng thời với các chính sách đô hộ, thực dân Pháp cưỡng bách hơn 20.000 người Việt Nam (phần lớn ở Bắc và Bắc Trung bộ) phải rời quê cha đất tổ, đến “mẫu quốc” làm công nhân. Ở xứ người, họ tích cực ủng hộ công cuộc đấu tranh giành độc lập ở quê nhà. Họ liên tục mít tinh, biểu tình, rầm rộ xuống đường giương cao các biểu ngữ: Việt Nam độc lập muôn năm, Phản đối chiến tranh xâm lược, Hồ Chí Minh muôn năm… Cùng với cách thể hiện tình yêu Tổ quốc ấy, những con người Việt đã vận dụng kiến thức ông cha, tạo nên lịch sử nghề trồng lúa vinh quang tại Camargue - miền Nam nước Pháp.

Còn nhớ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta hồi đầu tháng 5/2014, hàng triệu trái tim người Việt Nam đã dõi về biển Đông. Trong nước, chủ đề biển Đông xuất hiện khắp mọi nơi. Đáng nói hơn, trong số đó có hàng triệu bạn trẻ đã đồng lòng hướng về Tổ quốc, tạo nên những làn sóng có sức mạnh thực sự. Họ đổi ảnh đại diện trên facebook, họ mặc áo mang màu cờ Tổ quốc, giương cao biểu ngữ, băng rôn yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của đất nước ta. Có không ít bạn trẻ với “cái đầu nóng” đã thốt lên mong muốn được làm người lính nếu Tổ quốc cần, sẵn sàng xả thân như lớp lớp cha ông.

Tổ quốc là hội tụ của vật chất và tinh thần, bên cạnh núi sông, cương vực, còn phải tính đến các giá trị cốt lõi của nền văn hóa. Tình yêu Tổ quốc, vì thế còn được thể hiện trong các nỗ lực giữ gìn, chấn hưng văn hóa, khôi phục nhân tâm. Trong những năm gần đây, cùng với những nỗ lực đổi mới và hội nhập, nhiều nhân sĩ, trí thức đã kiến nghị Chính phủ cần có những thay đổi căn bản để đất nước hưng thịnh. Trước những hạn chế của nền hành chính, đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp đổi mới thể chế, mở rộng dân chủ. Đấy là một thông điệp phát đi đúng thời điểm và vốn đã được tích lũy trong một thời gian dài qua nhiều tấm lòng, khối óc tỉnh táo, nhiệt huyết vì giang sơn.

Mong muốn cho Tổ quốc hưng vinh, người Việt Nam luôn hướng tới, ngưỡng vọng những con người biết hy sinh cho dân, cho nước. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới người hiền, đấy là lúc tình yêu Tổ quốc của hàng triệu con người Việt Nam hòa quyện trong tình yêu một con người cụ thể. Trong bối cảnh đất nước nhiều khó khăn, việc thể hiện tình yêu, lòng tôn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hành động ghi nhớ công ơn, nhưng cũng là lòng mong muốn luôn có những người con như thế. Bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên, không ai bảo ai, người dân nơi nơi đã lập bàn thờ Đại tướng cùng với thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cách biểu thị tình yêu Tổ quốc đã có từ truyền thống, cụ thể là việc thờ nhân thần, những người có công với nước.

Tổ quốc - hình hài lớn lao, ôm trọn cả “xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển” nhưng Tổ quốc có khi cũng được thâu gọn trong hai tiếng “quê hương”. Đó là nỗi đau đáu nhớ nhà, nhớ quê của nhiều người lữ thứ, như cách GS. Hoàng Xuân Hãn viết cho tiếng lòng mình khi ở Pháp: Đã hay bốn biển là nhà/ Lam Hồng ta mới thật là quê hương/ Trải bao cuộc biến cuộc thường/ Mà lòng tưởng nhớ quê hương vẹn tròn. Tổ quốc là thực thể lớn lao nhưng cũng hiện hình qua những gì thân thuộc, gắn bó với đời sống hàng ngày. Có khi qua nết đất, nết người, qua chỏm cau bà tỉa, qua tóc mẹ bối trên đầu… Tất cả gợi nỗi nhớ về đời sống dân dã, thô mộc của cư dân lập quốc từ nông nghiệp, dẫu gian lao nhưng luôn chắt lót nghĩa tình. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên, nhiều nhà văn, nhà thơ đã ví von Tổ quốc như người mẹ. Mẹ chịu thương chịu khó, mẹ cất giữ trong lòng nhiều nỗi niềm riêng. Điều này hẳn nhiên chẳng xa lạ gì khi ngày trước, tổ tiên ta luôn cầu vọng “Mẹ đất, Cha trời” với tín ngưỡng dân gian còn lưu lại ở nhiều nơi.

Chẳng biết tự khi nào, tình yêu Tổ quốc đã thường hằng trong mỗi con người Việt Nam. Đó chính là sức mạnh Việt kết tinh, hội tụ qua nhiều thế hệ. Mỗi thời khắc, tình yêu Tổ quốc lại được thể hiện qua các cách thức khác nhau. Đất trời vào xuân, lộc non hứa hẹn sẽ đơm cành. Sau những ngày đào, mai khoe sắc, người Việt lại kết nối vòng tay thi đua lao động, học tập, sáng tạo, cùng xây đắp những mùa hoa, đưa đất nước vững chắc trên con đường phát triển. Đấy chính là sự cụ thể hóa tình yêu Tổ quốc, tô thắm thêm non sông hơn 4.000 năm tuổi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast