Phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế: Sâu rộng, hiệu quả!

(Baohatinh.vn) - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, 5 năm qua (2010-2015), các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh luôn trăn trở, tìm hướng đi nhằm khơi dậy sôi nổi phong trào phụ nữ thi đua xây dựng, phát triển kinh tế. Phong trào ngày càng trở nên sâu rộng, làm thay đổi đời sống chị em hội viên, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế: Sâu rộng, hiệu quả! ảnh 1

Nhiều mô hình rau - củ- quả công nghệ cao góp phần cải thiện đời sống gia đình hội viên phụ nữ

Bà Dương Thị Hằng – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Bám sát định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và các khâu đột phá của Đại hội Hội LHPN toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Hội LHPN Hà Tĩnh khóa XIV, 5 năm qua, các cấp hội trong toàn tỉnh đã phát động các đợt thi đua đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện các phong trào gắn với đợt thi đua lớn nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của hội. Đồng thời, để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, các cấp hội đã giúp chị em khai thác, tiếp cận các nguồn vốn, tổ chức tập huấn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ngày càng được các cấp hội phụ nữ chú trọng, thực hiện một cách hiệu quả. Thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”, phụ nữ các vùng nông thôn đã có nhiều cơ hội hơn trong phát triển kinh tế. Chị Đặng Thị Sâm - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Sơn cho biết: “Chúng tôi xác định rõ các sản phẩm chủ lực cần ưu tiên phát triển đối với từng vùng. Từ đó, các hội viên đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung chăn nuôi, sản xuất các loại cây, con theo hướng liên doanh, liên kết”.

Nhờ xác định được hướng đi đúng, quyết liệt trong việc thực hiện, nên ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ… cho thu nhập hàng chục tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 15% doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ (589 doanh nghiệp nữ). Tiêu biểu như các chị: Nguyễn Thị Ánh Ngà - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Đức; Phạm Thị Oanh - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức; Nguyễn Thị Tuấn - Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Thuận Lộc; Lê Thị Như Thủy - Giám đốc doanh nghiệp mô tô Bình Thủy; Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc doanh nghiệp khai thác đá Ngọc Ni, xã Sơn Diệm (Hương Sơn)...

Phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế: Sâu rộng, hiệu quả! ảnh 2

Mô hình nuôi hươu của chị Trần Thị Hợi ở xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn).

Chị Lê Thị Loan - Giám đốc HTX Thu mua, chế biến xuất nhập khẩu thủy, hải sản Loan Hoan (Thạch Châu – Lộc Hà) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, may mắn được tham gia chương trình tiết kiệm vi mô của hội và được tập huấn kiến thức, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, nay HTX của tôi cho lợi nhuận 2,5-3 tỷ đồng/năm”.

Phát triển kinh tế tập thể cũng là một xu hướng được Hội LHPN tỉnh hết sức chú trọng. 5 năm qua, các cấp hội xây dựng được 30 HTX, 187 tổ hợp tác với trên 3.000 thành viên tham gia. Các HTX, tổ hợp tác đã từng bước khẳng định vai trò trong việc liên kết sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả và năng suất lao động. Điển hình như chị Trần Thị Khang – Giám đốc HTX An Khang (Phúc Trạch - Hương Khê). Là một cán bộ hội, sau nhiều năm trăn trở, lăn lộn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chị đã xây dựng HTX chăn nuôi liên kết chuỗi với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động trong vùng.

Hay HTX Dịch vụ tổng hợp Khánh Lộc (Can Lộc) do chị Trần Thị Phi Yến làm giám đốc có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, thu hút 35 lao động, trong đó có 10 lao động thuộc hộ nghèo; và các điển hình khác như: chị Nguyễn Thị Dung - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi liên kết xã Hương Điền (Vũ Quang); Phan Thị Bảy - Giám đốc HTX Trồng rau, củ, quả công nghệ cao xã Thạch Văn (Thạch Hà)...

Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, chị em đã năng động, sáng tạo tiếp thu và ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mạnh dạn đi đầu trong các lĩnh vực mới và khó, tận dụng, cải tạo những vùng đất hoang hóa bạc màu trở thành vùng sản xuất chuyên canh cho năng suất, thu nhập cao. Trong 5 năm, phụ nữ toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng 1.392 mô hình phát triển kinh tế với các loại hình chăn nuôi, trồng rau, củ, quả, trang trại tổng hợp có thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/mô hình/năm. Các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả như: nuôi hươu quy mô 58 con của chị Trần Thị Hợi (Sơn Lĩnh - Huơng Sơn), doanh thu trên 600 triệu đồng/năm; nuôi 3 ha cá nước ngọt, 1.500 con vịt đẻ, 14 con bò nái, 50 con lợn thịt/lứa, doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm của chị Trần Thị Hương (Thạch Xuân - Thạch Hà); mô hình kinh tế trang trại của chị Nguyễn Thị Thanh (Thượng Lộc - Can Lộc), cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, 5 năm qua, đã có hàng ngàn phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thực sự là động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh thi đua sản xuất, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast