Lạm dụng thuốc kháng sinh - nhiều bệnh sẽ "vô phương cứu chữa"!

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã trở nên phổ biến, dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gia tăng gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật và khiến nhiều căn bệnh đang đứng trước nguy cơ không có thuốc chữa.

Thuốc kháng sinh bán tràn lan

Theo quy định của Bộ Y tế, đối với thuốc kháng sinh, phải có đơn của bác sỹ, nhà thuốc mới được bán. Tuy nhiên, trên thực tế, đến bất kỳ hiệu thuốc nào, chúng ta cũng mua được các loại kháng sinh dễ như mua... rau! Thậm chí, nhiều người bán còn tự “kê đơn” cho khách.

Tại một quầy thuốc ở đường Nguyễn Công Trứ, chị N.T.H., ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) đề nghị: “Cho chị một ít kháng sinh, loại dùng cho trẻ bị viêm họng ấy”. Người bán thuốc: “Lấy loại đắt hay rẻ tiền?”. “Loại đắt tiền dùng cho tốt” - người mua trả lời.

Lạm dụng thuốc kháng sinh - nhiều bệnh sẽ "vô phương cứu chữa"! ảnh 1

Không chỉ mua rất dễ, nhiều người bán thuốc còn "chỉ định" luôn loại kháng sinh cho người mua.

Tôi thắc mắc về sự dễ dãi này, người bán thuốc chỉ cười không nói gì, còn người mua thì giải thích: “Bọn chị thường thế. Con ốm là ra đấy lấy thuốc. Nói thật, đến bệnh viện thì bác sỹ cũng cho dùng kháng sinh thôi, mà thuốc BHYT thì toàn loại rẻ tiền, không tốt. Ra đây lấy, đỡ phải vào viện phiền hà. Nếu uống mà không thuyên giảm thì mới tính chuyện đi đến bác sỹ”…

Hiện nay, tình trạng thiếu hiểu biết dẫn đến sự dễ dãi trong sử dụng kháng sinh như chị H. đang trở nên phổ biến. Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 80% kháng sinh bán không theo đơn. Tại Hà Tĩnh, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng con số này không nằm ngoài thống kê của Bộ Y tế. Nguyên nhân chính là do người dân chưa nhận thức đầy đủ về những mặt trái của việc sử dụng kháng sinh, trong khi việc mua nó quá dễ dàng, thậm chí, người bán thuốc còn là người hướng dẫn sử dụng.

Về phía nhà thuốc, mặc dù đã có quy định, yêu cầu của Bộ Y tế nhưng do việc kiểm soát lỏng lẻo và mức xử phạt thấp, lại ít khi thực thi nên họ cứ phớt lờ để… chạy theo lợi nhuận kinh doanh.

Gia tăng gánh nặng y tế

Việc lạm dụng kháng sinh đã khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, ở Việt Nam đã xuất hiện nhóm vi khuẩn kháng thuốc. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%, nhất là các vi khuẩn gram âm; đã ghi nhận không chỉ một mà một số loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại kháng sinh. Phổ biến nhất là loại vi khuẩn gram âm đường ruột. Thậm chí, có loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi đã kháng cả các kháng sinh thế hệ 3, là thế hệ mới nhất.

Đứng đầu nguy cơ kháng thuốc là lĩnh vực phòng, chống và điều trị lao. Bác sỹ Trương Hồng Lĩnh - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: “Tỷ lệ lao kháng thuốc ngày càng gia tăng trong khi công tác điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Nếu như người bị lao bình thường điều trị chỉ trong thời gian 6 tháng thì lao kháng thuốc phải gấp ít nhất là 3 lần. Riêng chi phí điều trị thì tốn gấp rất nhiều lần vì phải dùng nhiều loại thuốc. Một mối lo khác nữa, lao kháng thuốc đang là nguồn lây nguy hại cho cộng đồng”.

Nguyên nhân dẫn đến lạm dụng kháng sinh xuất phát từ nhiều phía, từ người dân, thầy thuốc, nhân viên y tế và người bán thuốc. Thầy thuốc nhân dân Trần Xuân Dâng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để phòng, chống kháng thuốc, ngành Y tế đã tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức ký cam kết thực hiện trong ngành. Theo đó, thầy thuốc và cán bộ y tế phải chỉ định, kê đơn dùng thuốc kháng sinh hợp lý, chỉ kê đơn khi cần thiết. Đối với người dân, không nên tự ý mua thuốc mà phải dùng thuốc kê toa, dùng kháng sinh hợp lý, đúng chỉ định của bác sỹ”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast