Sự bất hủ của "Nhật ký trong tù"

70 năm "Nhật ký trong tù", đọc lại thơ Bác, quả được thấy “xích xiềng không khóa nổi lời ca”, thơ Bác trùm lên tâm hồn ta một bóng cây đại thụ và hiển hiện đường bay của một cánh chim bằng tự do.

Kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Nhật ký trong tù

Bác bị bắt và viết Nhật ký trong tù như thế nào?

Tác phẩm "Nhật ký trong tù" (Ngục trung nhật ký)

Tác phẩm "Nhật ký trong tù" (Ngục trung nhật ký)

Ngày 28-1-1941, vào đúng mồng 2 Tết Tân Tỵ, Nguyễn Ái Quốc về nước. Tháng 5- 1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, xác định mục tiêu của Cách mạng: "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được ". Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh hội (Việt Minh), chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Để bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng, ngoài việc xây dựng, củng cố các lực lượng trong nước; cần có sự giúp đỡ quốc tế. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thực hiện sứ mệnh này.

Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên, một bút danh của Bác Hồ, viết về sự kiện này như sau:

“Lúc bấy giờ các nước Đồng minh đang gặp khó khăn. Đức và Nhật làm mưa làm gió. Nhưng ông Nguyễn đoán trước một cách chắc chắn:

Đồng minh sẽ thắng. Nhật và Pháp ở Đông Dương chóng chầy sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập.

Chiến tranh du kích do Việt Minh lãnh đạo dần dần phát triển với những vũ khí thô sơ, gươm, giáo mác, và một số ít khẩu súng cướp được của giặc. Đến lúc cần tranh thủ thêm sự giúp đỡ của Đồng minh.

Đồng minh gần nhất và có quan hệ nhất đến việc chống Nhật ở Việt Minh là Trung Quốc. Vì vậy, phải tìm đến Trung Quốc.

Trong những người cách mạng ở Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết về Trung Quốc và người Trung Quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc. Đi bộ đến Trùng Khánh không phải là một việc dễ dàng. Nhưng ông Nguyễn nhận lời ra đi.

Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh. Và từ đó, người ta gọi ông Nguyễn là Cụ Hồ.

Đi liền mười đêm và năm ngày, Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt”.

Đó là ngày 29-8-1942. Địa điểm bị bắt là phố Túc Vinh, thị trấn Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây (Túc Vinh mà để ta mang nhục - NKTT).. Bài Thế lộ nan trong NKTT nói về nguyên nhân Bác bị bắt là do bị tình nghi là “Hán gian”, trong khi đường đường là : Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân/ Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân (Ta là đại biểu của nhân dân Việt Nam, Đến Trung Hoa gặp các nhân vật quan trọng (của phe Đồng minh) để hội đàm chống phát –xít và ủng hộ cách mạng Việt Nam). Nguyên do cụ thể việc Bác bị bắt, theo Trần Dân Tiên, chính là do Trương Công Bội (người Việt, quan năm trong quân đội Tưởng), Nguyễn Hải Thần (sau khi xa rời Phan Bội Châu thường xem tử vi kiếm sống) trong tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt cách), một tổ chức núp bóng Tưởng Giới Thạch vu cho Bác sang để phá tổ chức của họ.

Và Bác bị giam trong các nhà tù Tưởng Giới Thạch đến ngày 10-9-1943 mới được thả.

Nhật ký trong tù được sáng tác trong giai đoạn này.

Các bài thơ "Lời hỏi", "Đêm thu trong tù" và "Tiết thanh minh" (từ trái sáng phải) được trình bày theo bút pháp độc đáo với hình ảnh chấn song sắt nhà tù tại Triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc sáng 15/5 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Người
Các bài thơ "Lời hỏi", "Đêm thu trong tù" và "Tiết thanh minh" (từ trái sáng phải) được trình bày theo bút pháp độc đáo với hình ảnh chấn song sắt nhà tù tại Triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc sáng 15/5 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Người

Về bản gốc của NKTT, nhà báo Hồng Khanh ghi lại lời kể của Tạ Quang Chiến cho biết: “Một hôm, vào khoảng giữa năm 1955…, tại Văn phòng giúp việc cho Bác, đồng chí Tạ Quang Chiến đang ngồi nhận số công văn các nơi gửi đến thì thấy trong số đó có một phong bì dày cộm hơn các phong bì công văn khác. Ngoài phong bì cồm cộm này không đề tên ai gửi mà chỉ biết từ Cao Bằng gửi đến ghi là: “Gửi Văn phòng Chủ tịch phủ để trình lên Bác Hồ”. Khi bóc phong bì ra thấy một cuốn sổ nhỏ viết bằng chữ Hán… Cầm cuốn sổ nhỏ này xem qua một lượt, niềm vui của Bác hiện ra rõ trên nét mặt. Bỗng Bác nắm chặt tay đồng chí Tạ Quang Chiến nói: “Bác cảm ơn chú”. Lặng giây lát, Bác nói tiếp rất cảm động với đại ý: Qua kháng chiến chín năm, Bác tưởng nó thất lạc đâu rồi. Bác chỉ nhớ mang máng khi ở Cao Bằng, công việc cách mạng cuốn hút khẩn trương, Bác gửi lại giắt nó trên mái tranh của một nhà đồng bào. Rồi Bác nói là Văn phòng nên có thư cảm ơn và thưởng cho người giữ nó và chuyển đến đây tài liệu này” (Niềm vui của Bác Hồ khi nhận lại bản thảo Nhật ký trong tù- Báo Nhân Dân, số ra ngày 17-5-2003).

Sau khi nhận được cuốn sổ, Bác đã đưa cho Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Viện Bảo tàng đem ra trưng bày lần đầu tại triển lãm cải cách ruộng đất. Nhà báo Phan Quang đã ghi lại sự kiện này trên Báo Nhân Dân số ra ngày 13-9-1955 như sau: “Chúng tôi có được xem cuốn sổ tay Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch ghi từ ngày 29-8-1942 đến 10-9-1943, trong khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở ra nước ngoài hoạt động và bị đế quốc giam giữ hơn một năm”.

Nhật ký trong tù được dịch và xuất bản lần đầu vào năm 1960 do Viện Văn học thực hiện, Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản. Trong lần xuất bản này, vì những lý do khác nhau, người ta đã gác lại 19 bài như Hầu Chủ nhiệm tặng nhất bộ thư (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách), Vấn thoại (Lời hỏi), Nhai thượng (Trên đường phố), Dạ bán văn khốc phu (Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng), Ký Ni Lỗ (Gửi Nêru), Chính trị bộ cấm bế thất (Nhà giam của Cục chính trị), Dương Đào bệnh trọng (Dương Đào ốm nặng), Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên (Khoa trưởng họ Ngũ, Khoa viên họ Hoàng), Độc Tưởng công huấn từ (Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng, Kết luận… Qua nhiều lần bổ sung, đến năm 1990, Nhật ký trong tù mới được công bố trọn vẹn nguyên tác gồm 133 bài, cộng với 4 câu mở đầu Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại và bài Tân xuất ngục học đăng sơn là 135 bài.

Những người dịch, cho xuất bản Nhật ký trong tù lần đầu nay đều đã mất nên khó biết đích xác vì sao phải gác lại một số bài. Chúng tôi đồng tình với phỏng đoán của GS Phong Lê trong bài “Sự trở lại của một kích thước lớn” trên Website Văn Việt Nam.net của Hội Nhà văn Việt Nam: Một là, có một số bài chỉ ghi lại chuyện sinh hoạt thường ngày không ngụ ý gì sâu sắc ví như “Nhân lúc đói bụng” (Nhân đổ ngã) Ngày ngày từ trước cơm đưa sớm/ Bữa bữa giờ đây cứ chậm hoài/ Huống nữa thời gian không nhất định/ Mười giờ, mười một hoặc mười hai. Hai là, việc trực tiếp ca ngợi một số nhân vật trong chính quyền Tưởng Giới Thạch, mà từ khi Tưởng Giới Thạch sang Đài Loan, chúng ta coi kẻ thù, là phe đối lập.

Việc bỏ lại một số bài năm 1960 có lý của những người biên soạn. Việc lần lượt đưa đầy đủ các bài theo nguyên tác của Bác, càng cho thấy sự chân thành và ân tình của Người trong cuộc sống, mối quan hệ rộng rãi và những suy nghĩ mang tính triết học sâu sắc, vượt lên hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Dương Đào là một nông dân Quảng Tây, do việc dẫn đường cho Hồ Chí Minh nên đã cùng bị bắt, sau đó không lâu bị bệnh lao. Bài Dương Đào ốm nặng là một bài thơ cảm động: Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao/ Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào/ Cháy thành lây vạ buồn khôn xiết/ Nay lại thương anh mắc chứng lao. Năm 1963, Bác Hồ đã mời Dương Thắng Cường, em ruột Dương Đào (lúc này Dương Đào đã mất) cùng 6 người khác ở hai huyện Tĩnh Tây và Na Pha có công giúp cách mạng Việt Nam sang thăm nước ta để tri ân.

Một trường hợp khác là ông họ Hầu, Chủ nhiệm Cục Chính trị Chiến khu IV (Quảng Tây) của Tưởng Giới Thạch. Sau khi hiểu rõ ngọn nguồn và cảm phục, trân trọng một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho tự do của dân tộc mình, ông ta đã ân cần chăm sóc Bác trong tù, tặng nhiều sách vở cho Người đọc và cuối cùng theo lệnh Tưởng Giới Thạch đã trả lại tự do cho Bác. Bác có hai bài thơ cảm tạ người này, trong đó có bài Kết luận, bài thơ cuối cùng của NKTT: Sáng suốt, nhờ ơn Hầu Chủ nhiệm/ Tự do trở lại với mình rồi/ Ngục trung nhật ký từ đây dứt/ Tái tạo ơn sâu, cảm tạ người.

Những giá trị lớn lao của Nhật ký trong tù

Một tác phẩm văn học lớn, trước hết là tác phẩm phản ánh được những nét bản chất nhất của hiện thực xã hội, thể hiện được khát vọng của cả một dân tộc, một thời đại; một hình mẫu nhân vật tiêu biểu cho tương lai. Hiện thực lớn nhất của nước ta lúc đó là tinh thần cách mạng sục sôi; khát vọng thiết tha nhất của dân tộc ta lúc đó Độc lập. NKTT đặc biệt đã thể hiện được hình ảnh một người chiến sĩ tự do mang trái tim yêu nước bỏng cháy, tinh thần dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của chính tác giả, lãnh tụ của công cuộc giải phóng đó. “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”, bản thân Bác chịu biết bao đau khổ cay cực, nhiều lúc Bác tự khóc thương mình và khiến người đọc cũng rơi lệ; nhưng đau xót nhất của Bác vẫn là cảnh lầm than của dân tộc: Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh/ Nội thương đất Việt cảnh lầm than (Ốm nặng). Ưu tâm nhiều nhất vẫn là công việc cách mạng: Một canh, hai canh lại ba canh/ Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

Lồng lộng trong Nhật ký trong tù là hình ảnh của một con người tự do, một khát vọng tự do. Tự do, đó là một giá trị đầu tiên và căn bản nhất của đời sống con người. Phải nói rằng, không ai hiểu và phát biểu về tự do một cách nhất quán và sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước ngày 17-7-1966, Người trịnh trọng tuyên bố:“ …Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”! Lời nói đã thành chân lý, thành ý chí và sức mạnh của cả dân tộc trong những ngày đánh Mỹ và cho đến muôn sau. Do hoạt động cách mạng, Người đã hai lần bị cầm tù, hơn một lần bị truy bức, Người hiểu sâu sắc rằng Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi); Một hữu tự do chân thống khổ (Mất tự do, thật là một điều thống khổ - Hạn chế). Có thể giam cầm được thân thể nhưng không giam được tư tưởng, Hồ Chí Minh vẫn luôn thấy mình là người tự do: Tự do tiên khách trên trời, Biết đâu trong ngục có người khách tiên (Quá trưa). Bị giải đi sớm, trong cảnh bình minh, Bác nghĩ đến ngày thắng lợi cách mạng đang đến gần: Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn quét sạch không/ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bỗng thêm nồng. Chính tinh thần lạc quan, ung dung tự tại thể hiện qua những bài thơ này, đã tạo cảm hứng cho Tố Hữu viết: Lại thương nỗi đọa đày thân Bác/ Mười bốn trăng tê tái gông cùm/ Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc/ Mà thơ bay cánh hạc ung dung. Nhắc đến Hồ Chí Minh là nhắc đến tự do, vì thế, Tạp chí Time của Mỹ, số tháng 10-2010 đã xếp Người là một trong mười chiến sĩ đấu tranh cho tự do nổi tiếng nhất trong mọi thời đại. Và như vậy, Người cũng là biểu tượng cho tình yêu tự do và công lý của dân tộc Việt Nam!

Một tác phẩm văn học lớn còn là một tác phẩm thể hiện tình yêu thương con người. Nếu “chất thép” – Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao là một giá trị cho sự tu dưỡng ý chí, thì tình yêu thương con người mênh mông của Bác đối với mọi số phận từ đôi vợ chồng người trong song sắt, người ngoài song sắt nhà tù đến em bé nửa tuổi trong lao; từ cảnh nghèo đói của nhân dân vùng Long An - Đồng Chính đến một người tù cờ bạc bị chết có giá trị cho con người ứng xử với con người thật sự người hơn…Nếu sự tố cáo chế độ hà khắc trong tù và sự bất công trong cuộc sống là một giá trị khiến người ta bất bình, vùng lên để đấu tranh; thì sự ghi nhận những vẻ đẹp tình cảm, vẻ đẹp của những giá trị cuộc sống khiến người ta tin tưởng, hy vọng là một giá trị khác không kém phần quan trọng. Nhiều mảng hiện thực trong NKTT là những bức tranh tuyệt sắc được vẽ nên không chỉ bằng sự tài hoa mà còn bằng cả một tâm hồn yêu sống mãnh liệt: Tới đây khi lúa còn con gái/ Gặt hái hôm nay quá nửa rồi/ Khắp chốn nông dân cười hớn hở/ Đồng quê vang dậy tiếng ca vui (Cảnh đồng nội).Nhật ký trong tù không hề là tiếng nói một chiều. Giá trị nhân bản đó làm nên tính vĩnh hằng cho tác phẩm.

Nghệ thuật thơ trong NKTT là một nghệ thuật trác việt. Trong các nhà thơ Việt Nam của thế kỷ XX, không ai làm thơ chữ Hán hay và điêu luyện như Hồ Chí Minh. Chỉ những bậc túc nho mới có thể làm thơ tập cổ, tức là dựa vào một bài thơ cổ điển để phát triển những ý mới. Bài Thanh minh trong NKTT dựa theo bài Thanh minh của Đỗ Mục, một nhà tứ tuyệt nổi tiếng thời Vãn Đường. Nhưng nếu như Đỗ Mục nói chuyện rượu, thì Bác nói chuyện tự do. Câu kết thật là sáng tạo Tá vấn tự do hà xứ hữu/ Vệ binh dao chỉ biện công môn (Tự do thử hỏi đâu là, Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường). Câu thơ đa nghĩa, sâu cay và trào lộng biết bao! Chỉ có bọn ngồi trong công đường mới có tự do! Chính vì bọn ngồi trong công đường mà không ai có tự do!

Ngoài một số bài thơ mang tầm chiến lược của một cuộc cách mạng hay một chiến dịch quân sự thiết thực cho công việc giải phóng dân tộc lúc bấy giờ như Học đánh cờ - và chính bài thơ này cũng mang chân lý phổ quát - thì trong NKTT còn có vô số những câu thơ là sự tổng kết những quy luật của cuộc sống. Từ những tổng kết đó, có thể đem lại tinh thần lạc quan, sự rèn luyện, tu dưỡng tính cách như trong bài Tự khuyên mình:Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân, Nghĩ mình trong bước gian truân, Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng; hay bài Giã gạo: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công.

Sự vĩ đại của NKTT còn là một cái nhìn phát hiện ra sự vĩ đại trong những cái tầm thường nhất, từ cây gậy, cột cây số đến tiếng gà gáy…Viết về một cây gậy, cũng mênh mông tình Bác: Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường/ Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương/ Giận kẻ gian kia gây cách biệt/ Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương. Tình cảm lớn ấy làm nên tầm vóc, làm nên sự khác biệt Hồ Chí Minh.

NKTT chỉ có 133 bài thơ ngắn mà chứa đựng rất nhiều nội dung, nhiều đề tài; trong đó có đề tài phụ nữ và trẻ em rất đáng chú ý; có rất nhiều phong cách: phong cách trữ tình hòa lệ thành thơ khiến người đọc có thể cảm thương nhỏ lệ hoặc hưng phấn trước những vẻ đẹp bao la, nồng ấm, có phong cách trào lộng, nhiều bài có thể xếp vào hạng nhất của dòng văn học này: Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội/ Trong tù đánh bạc được công khai/ Bị tù con bạc ăn năn mãi/ Sao trước không vô quách chốn này. Bài Cấm hút thuốc cũng vậy Nó thì kéo tẩu tha hồ hút/ Anh hút, còng đây, ghé tay vào! Thì ra mọi thứ đều là tương đối, có thể đánh tráo được; mà tương đối nhất, dễ đánh tráo nhất lại là luật pháp!

Điều cuối cùng tôi muốn nói là khi đọc, khi học NKTT càng bám sát được nguyên tác thì càng thấy được cái hay, cái tinh túy, cái nghệ thuật thơ già dặn của Bác. Chỉ duy nhất có một bài thơ do chính Bác dịch, đó là bài Mới ra tù tập leo núi. Nguyên tác và bản dịch đều hay.Bác kể lại trong “Vừa đi đường vừa kể chuyện” như sau: “Khi được thả ra, mắt Bác nhìn kém, chân bước không được. Bác quyết tâm tập đi, mỗi ngày 10 bước. Dù đau mà phải bò, phải lết, cũng phải được 10 bước mới thôi. Cuối cùng Bác chẳng những đi vững mà còn trèo được núi. Lần đầu tiên lên đến đỉnh núi, Bác cao hứng làm một bài thơ chữ Hán như sau: “Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân Giang tâm như cánh tĩnh vô trần Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh Nam vọng trùng dương ức cố nhân.” Bác chỉ nhớ được bài thơ đó. Chúng tôi hết sức chỉ tạm dịch được thế này: “Mây ôm núi, núi ôm mây Lòng sông sạch, chẳng mảy may bụi hồng Bùi ngùi dạo bước Tây phong Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai.”

Đã 70 năm, qua nhiều lần sửa chữa, hiệu đính nhưng có nhiều bài vẫn cần thiết được dịch lại. Đây là điều mà cố GS Lê Trí Viễn đã từng đề xuất. Chẳng hạn, câu Ngục trung hốt thính tư hương khúc (Trong tù chợt nghe tiếng sáo thổi điệu Nhớ quê) trong bài Nạn hữu xuy địch mà dịch là Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu như của Nam Trân thì chữ “vi vu” vui quá, vô duyên quá, không nhập vào chữ “thê lương”, chữ “sầu” ở câu ngay sau đó. Ở bản dịch của Nguyễn Huệ Chi, nếu tạm chấp nhận được câu đầu thì câu thứ tư Lên lầu ai đó, chốn phòng khuê thiếu chất thơ quá, không sánh được nửa phần cái hay của nghệ thuật, cái nặng của tình trong nguyên tác: Thiên lý quan hà vô hạn cảm/ Khuê nhân cánh thướng nhất tằng lâu. Ở bài Lộ thượng (Trên đường) Nam Trân dịch khá hay nhưng Tự do lãm thưởng mà dịch “vui say” thì vẫn có người có ý kiến không đồng tình. Tuy nhiên, theo ý riêng tôi, chữ “vui say”, ẩn đi chữ ngắm cảnh, nói được lòng yêu thiên nhiên của Bác, cũng khá đắc địa; các bản dịch mới không bằng được! Chữ “hoan hỉ” trong bài “Cảnh báo” mà cả Nam Trân và Huệ Chi đều dịch là “khoái” thì chưa ổn. Cả “hoan hỉ” và “khoái” đều là từ Hán Việt, có nghĩa khác nhau rõ ràng. Đến bài “Chiết tự” thì cả bản dịch nghĩa lẫn bản dịch thơ thì mười phân may chỉ được vài phân!

Quách Mạt Nhược (1892-1978), Viện trưởng Viện KHXH đầu tiên của CHND Trung Hoa, một học giả nổi tiếng thế giới, đánh giá về NKTT không đơn thuần là một tập thơ mà là một bộ sử thi.

Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) khi đọc NKTT cho rằng: “Không những chúng ta được thấy lại bộ mặt tàn khốc đen tối của nhà tù Trung Quốc mà chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng (Tạp chí Văn nghệ, số 5-1960).

Trong Lời tựa cho bản in NKTT bằng tiếng Nga, Pa-ven An-tô-côn-xki viết: “Dấu hiệu của sự khỏe khoắn về mặt tinh thần và của sức mạnh về mặt đạo đức của tác giả là chất hài hước”.

Các nhà phê bình văn học đều nhận thấy thơ Bác trong như ánh sáng và cũng như ánh sáng, không chỉ có một màu trắng; như cây đàn bầu chỉ một dây đồng mà rung lên cả thế giới âm thanh.

70 năm NKTT, đọc lại thơ Bác, quả được thấy “xích xiềng không khóa nổi lời ca”. Thơ Bác trùm lên tâm hồn ta một bóng cây đại thụ và hiển hiện đường bay của một cánh chim bằng tự do như nửa thế kỷ trước nhà thơ Hoàng Trung Thông từng cảm nhận. Mặc dù chỉ là thể nhật ký, không ít bài còn sơ sài như một kiểu ghi nhớ, chép việc; tác giả không có thời gian và chủ ý dụng công tu chỉnh, nhưng với một tài thơ lớn, một tầm vóc vượt qua mọi khuôn thước, Hồ Chí Minh đã làm cho NKTT có được sự bất hủ của một tác phẩm văn chương lớn. Người xứng đáng là một nhà thơ lớn của thế kỷ XX.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast