Quản lý sản xuất rượu “cuốc lủi”: Vẫn còn... xa lắm!

(Baohatinh.vn) - Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về SXKD rượu thủ công, khi bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất; trên sản phẩm phải có nhãn mác, phải đăng ký với chính quyền địa phương... Vậy nhưng, đã hơn 4 năm nghị định này có hiệu lực, việc dán tem cho rượu “cuốc lủi” vẫn còn... xa lắm!

Bất cập trong thực hiện nghị định 94/2012/NĐ-CP (bài 1):

quan ly san xuat ruou cuoc lui van con xa lam

Phóng viên dễ dàng mua rượu không thương hiệu, nhãn mác tại các cơ sở sản xuất thủ công (ảnh chụp tại huyện Can Lộc).

Nhằm siết chặt việc quản lý SXKD rượu, hạn chế tình trạng rượu nhái, rượu giả ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP (sau đây gọi là NĐ 94) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất.

Mặt khác, khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra… Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về SXKD rượu tùy mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật…

Quy định là vậy, nhưng theo khảo sát của chúng tôi trong thời gian gần đây, nếu xử lý thì phải có đến 100% cơ sở nấu rượu thủ công trên địa bàn vi phạm. Nức tiếng với hương vị rượu nồng đặc trưng, rượu thủ công Khánh Lộc (Can Lộc) luôn được những “đệ tử lưu linh” ưa chuộng. Tuy vậy, ngoài thương hiệu rượu Khánh Lộc của HTX Sản xuất, kinh doanh rượu nếp Khánh Lộc, tất cả các cơ sở nấu rượu thủ công nhỏ lẻ ở đây, đều không có đăng ký sản xuất cũng như không có tem nhãn khi tiêu thụ trên thị trường.

Có dịp đến làng rượu Khánh Lộc với nhã ý mua ít rượu về dùng, chúng tôi được giới thiệu rất tận tình “Các chú đến nhà nào cũng có, ở đây, cả làng đều nấu rượu”. Vậy là, không cần phải đến quán tạp hóa hay quán nhậu trong vùng mà chúng tôi gõ cửa tận “lò rượu” để mua.

Tìm đến hộ chị Th., qua trao đổi, chúng tôi được biết, hộ này cũng như nhiều gia đình trong xã có nấu rượu nhưng không thường xuyên. Bà con ở đây chủ yếu tận dụng các sản phẩm nông nghiệp để nấu rượu phục vụ nhu cầu trong gia đình cũng như bán cho anh em, bà con hoặc những người có nhu cầu. Khi chúng tôi hỏi về việc thực hiện đăng ký SXKD rượu theo NĐ 94 thì chị lắc đầu và cho rằng: “Gia đình tôi sản xuất rượu thủ công quy mô nhỏ cần gì phải giấy phép sản xuất hay nhãn mác. Ở làng tôi, ai cũng có thể nấu và bán rượu mà không cần giấy phép gì cả. Mà đã làm thì tất nhiên phải nộp thuế trong khi chúng tôi chỉ thỉnh thoảng mới nấu lại không có đầu ra ổn định…”.

Cũng gần như không biết đến việc đăng ký sản xuất, dán nhãn mác cho rượu thủ công, chị L. (Thạch Ngọc – Thạch Hà) cho biết: “Phụ nữ nông thôn chúng tôi ngoài việc đồng áng thì chỉ quanh quẩn với con lợn, con gà. Người nào siêng năng hơn một tí thì nấu thêm nồi rượu để tăng thu nhập. Rượu nấu cũng chỉ bán cho người thân quen hoặc bạn bè làm ăn xa thỉnh thoảng về quê mua làm quà. Việc phải dán tem nhãn và đăng ký sản xuất với địa phương thì tôi giờ mới được nghe và thấy rất khó thực hiện. Nếu buộc phải đăng ký theo quy định thì chúng tôi chắc sẽ không nấu nữa vì nấu ít nên lời lãi không đáng là bao, lại còn các thủ tục lằng nhằng…”.

Không riêng gì các làng nấu rượu, rượu không nhãn mác còn rất dễ tìm thấy ở nhiều nơi khác. Đến bất kỳ quán cơm bình dân nào cũng có thể thấy rượu không nguồn gốc được bày bán tràn lan từ rượu trắng, rượu thuốc được bán theo lít đến các loại rượu đóng chai nhựa không nhãn mác... Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà chủ quán mang rượu ra, loại rẻ thì 10 nghìn đồng/lít, loại đắt được bán 30-40 nghìn đồng/lít.

Theo một chủ quán nhậu bình dân ở TP Hà Tĩnh, trung bình quán tiêu thụ gần 100 lít/tuần. Ngoài số ít rượu trắng của Hà Tĩnh có nhãn hiệu như Tuyết Mai, Hương Bộc… thì quán tiêu thụ phần lớn là rượu thủ công đựng trong can nhựa. Không chỉ quán cơm, các quán bán hàng tạp hóa cũng công khai bày bán. Tùy từng loại rượu quê tự nấu hay nhập từ nơi khác về mà giá khác nhau nhưng điểm chung là tất cả đều không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ.

Người sản xuất rượu thủ công không “ngó ngàng” tới NĐ 94 đã đành, người sử dụng lại càng thờ ơ hơn khi chẳng mảy may quan tâm. Anh Nguyễn Tiến Hải (TP Hà Tĩnh) tếu táo: “Đến quán nhậu bây giờ chỉ cần hô một tiếng là có rượu “nút lá chuối”, được giới thiệu là rượu nhà nấu nhưng có phải hàng chuẩn hay không thì chỉ có… người bán mới biết. Mẹ vợ mình thỉnh thoảng có gửi vài chục lít rượu quê đóng can ra cho con rể uống. Thật ra, mình chỉ quan tâm uống rượu xong có đau đầu hay không thôi, còn việc có nhãn hay không thì không quan trọng lắm”.

Ngoài ra, để được cấp phép sản xuất rượu thủ công theo NĐ 94 thì cơ sở phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa... Nhưng theo quan sát tại các hộ nấu rượu trên địa bàn thì hầu hết nơi nấu rượu đều chật chội, bụi bẩn, gần nơi nuôi lợn, các loại can, chai đựng rượu đều được tận dụng của các sản phẩm khác.

Từ thực tế đó, có thể khẳng định, đã hơn 4 năm có hiệu lực nhưng Nghị định 94 chưa được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Rượu quê, rượu “nút lá chuối” không rõ nguồn gốc vẫn ở… ngoài vòng kiểm soát.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.