Theo Fox News, dù đã tiêm phòng cúm và rửa tay thường xuyên, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ không bị cảm cúm trong thời tiết thất thường này. Nếu mắc bệnh này, bạn nên tránh các thực phẩm dưới đây:
1. Nước soda, nước ép và các đồ ngọt khác
Các loại nước soda có vị gừng giúp làm dịu bớt cơn buồn nôn và nước cam đem lại nhiều vitamin C, nhưng cả 2 đều chứa rất nhiều đường. Theo Alissa Rumsey, chuyên gia dinh dưỡng và phát ngôn viên của Viên Dinh dưỡng và chế độ ăn Mỹ cho biết điều đó có thể gây viêm và làm suy yếu các tế bào máu trắng chống nhiễm khuẩn của cơ thể.
Điều này cũng xảy ra cho các thực phẩm nhiều đường khác như bánh quy, kẹo, ngũ cốc dành cho trẻ em, và tất cả các loại đồ ngọt miệng khác mà bạn nghĩ là có thể ăn được khi bị đau ốm. Thay vào đó, bạn nên uống trà gừng tốt cho dạ dày và giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách uống nước lã hoặc nước dừa không đường. Nếu bạn muốn ăn vặt, hãy ăn trái cây hoặc bỏng ngô.
2. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa, sữa chua và những thực phẩm từ sữa thực sự không làm cho cơ thể sản xuất dịch nhầy nhiều hơn. Nhưng đối với một số người, các đồ bơ sữa có thể làm cho dich nhầy sẵn có trong cuống họng dày đặc hơn, gây thêm khó chịu. Trong trường hợp này, bạn cần phải cắt giảm bớt hoặc từ bỏ hẳn các thực phẩm này.
Tuy nhiên, chuyên gia Alissa cho biết nếu bạn không thấy có vấn đề gì khi tiêu thụ sữa, đây chính là nguồn protein và vitamin D rất tốt giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn. Ngoài ra, sữa chua chứa probiotic, chất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột.
Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể làm dày các chất nhầy có trong cổ họng, gây khó chịu cho người bệnh. Ảnh: Eatclean. |
3. Rượu
Nếu bạn cho rằng có thể uống rượu khi bị cảm cúm, hãy bỏ ngay ý nghĩ đó. Cũng giống như đường, rượu gây ra viêm nhiễm làm suy yếu các tế bào máu trắng, vì vậy, cơ thể sẽ khó phục hồi hơn. Hơn nữa, uống một hay hai ly rượu sẽ làm cho cơ thể mất nước nhiều hơn, điều này khiến hàm lượng rượu trong máu tăng, bạn dễ bị say nhanh hơn. Vì vậy, khi bạn cảm thấy không khỏe, hãy tránh xa rượu nếu không muốn sáng hôm sau khi thức dậy bị nhức đầu, sốt, khó chịu.
4. Carbohydrate tinh chế
Khi bị ốm, các loại bánh mì nướng, bánh quy giòn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Carbohydrate tinh chế trong các thực phẩm này sẽ chuyển hóa thành đường, làm tăng lượng đường huyết, do đó chúng cũng cản trở việc chống lại nhiễm khuẩn.
Nếu bạn vẩn muốn ăn bánh mì nướng phết bơ, hãy chọn loại bánh mì với 100% thành phần là lúa mì nguyên hạt.