“Có sao đâu mẹ, ở trường các anh chị thường nói với nhau như thế. Nói chuyện với người lớn thì không nhưng nói chuyện với nhau thì chúng con vẫn nói như thế”. Đó là câu trả lời hồn nhiên của nhiều đứa trẻ khi được phụ huynh chất vấn về việc nói tục.
Chị bạn tôi kể, một buổi tối, khi chị đang ngồi quán nước ven đường thì thấy con gái mình và nhóm bạn cũng rẽ vào ngồi. Chị giả vờ không thấy và quay mặt đi để “khám phá” thế giới của chúng. Điều mà chị không bao giờ ngờ được là từ miệng đứa con gái luôn lễ phép, ngoan hiền của mình lại có thể tuôn ra những từ ngữ tục tĩu dễ dàng như vậy. Chúng nói bất kỳ từ nào chúng muốn, nói mà không quan tâm đến sự khó chịu của những người xung quanh.
Nhiều nghiên cứu xã hội học thấy, trẻ chửi bậy nhằm thể hiện cảm xúc tiêu cực của bản thân như đau đớn, bực bội… Nhiều đứa trẻ khác thì dùng cách nói tục để dễ dàng hòa nhập với một nhóm bạn nào đó. Lại có những đứa trẻ khác xem nói tục như cách để thể hiện sự trưởng thành, thể hiện cái tôi của mình. Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm thói chửi bậy từ chính ông bà, bố mẹ hoặc những thần tượng của chúng.
Vừa qua, nam nghệ sỹ Negav (Đặng Thanh An) đã bị cộng đồng mạng tẩy chay vì một loạt scandal liên quan đến phát ngôn, trong đó có việc đăng những bài viết tục tĩu. Nam rapper này cũng bị VTV lên án trong chương trình về những nghệ sĩ có lối sống không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến giới trẻ.
Nói tục, chửi bậy là một thói quen xấu, nếu con bạn nói tục có nghĩa là con đang bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và thiếu sự quan tâm, chỉ bảo của người lớn.
Trong một lần con hỏi tôi về ý nghĩa của một từ tục tĩu, hỏi ra mới biết con nghe từ một bạn trên lớp. Khi hỏi con: Sao con không thử hỏi bạn thì con nói bạn cũng không biết, chỉ nói theo anh. Tôi hiểu rằng, trong trường hợp này, nói tục với trẻ chỉ đơn giản là hành động bắt chước và chúng chưa đủ hiểu biết để ý thức được hậu quả. Tuy nhiên, nếu người lớn không đủ sự quan tâm để giải thích, chỉ bảo thì nguy cơ cao là hành vi nói tục sẽ trở thành thói quen khi trẻ cứ hồn nhiên văng tục. Vì thế, người lớn, khi nghe trẻ văng tục, cần bình tĩnh xác định nguyên nhân, bản chất sự việc để có cách giáo dục phù hợp.
Sau khi nghe câu chuyện, tôi đã trò chuyện với con rất nhiều về hành vi văng tục, về những tác động của hành vi này với môi trường sống của mình. Tôi cũng đề ra cho con những “vùng cấm” không được vi phạm. Hướng con đến những hình ảnh tốt đẹp trong cuộc sống, nhất là hướng dẫn con không “thần tượng” những nghệ sĩ có lối sống tiêu cực.
Tôi cho rằng, cách để dạy con cái tốt nhất nữa là làm gương cho con. Nếu trong cuộc sống, bạn cứ văng tục những khi bực dọc, tức tối thì đó chính là bạn đang vẽ ra một con đường cho con bạn đi. Nếu trong gia đình, có người nói tục như một thói quen để tấu hài, bạn cũng cần chia sẻ rõ quan điểm để loại bỏ hành vi này khỏi môi trường sống của con bạn. Hành động của bạn cũng sẽ tạo cho trẻ thói quen phản ứng với những người nói bậy, nói tục khác. Thay vì học theo, trẻ sẽ tỏ ra khó chịu, phản ứng với những người nói bậy. Đó chính là những yếu tố góp phần giúp trẻ nâng cao nhận thức để không “hồn nhiên văng tục”, không coi việc văng tục là một phương tiện để tiêu hao cảm xúc tiêu cực; không coi việc văng tục là phương tiện giao tiếp để khẳng định bản thân.