1. Công trình sai phép, không phép phải dừng thi công để xin cấp giấy phép xây dựng
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, đối với công trình thi công sai phép hoặc không có giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, người vi phạm phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt.
Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/6/2018.
Theo quy định tại Thông tư 07/2018/TT-BYT, các cơ sở kinh doanh dược phải thông báo đến Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở.
Thời hạn thông báo là 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động hoặc từ ngày có sự thay đổi về người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề.
Xem thêm các quy định khác tại Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định chi tiết một số điều về kinh doanh dược của Luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/6/2018.
3. Hỗ trợ tối đa đến 90% chi phí khi mua bảo hiểm nông nghiệp
Đây là mức hỗ trợ được áp dụng đối với các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được quy định tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với các đối tượng sản xuất nông nghiệp còn lại không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh sẽ được bảo hiểm hỗ trợ như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, ngập lụt, sạt lở, hạn hán, rét hại, mưa đá,…và các bệnh truyền nhiễm của động vật theo Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/6/2018.
4. Tên thuốc không được mang tính chất quảng cáo
Theo quy định của Thông tư 01/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/6/2018, tên thương mại của thuốc ghi trên nhãn thuốc phải đảm bảo:
Không có tính chất quảng cáo;
Không gây hiểu lầm về thành phần, xuất xứ thuốc;
Không gây hiểu lầm hoặc mang tính chất mô tả quá mức về tác dụng, hiệu quả, chỉ định của thuốc và một số lưu ý khác.
5. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó, đối tượng áp dụng của văn bản này bao gồm sỹ quan quân đội, sỹ quan công an đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; và cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan sau đây:
- Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tương đương, cục, vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính và tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính;
- Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính.
Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/6/2018.