Cô giáo vùng biên được vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc

(Baohatinh.vn) - 16 năm bám trường bám lớp, niềm vui của cô Trần Thị Bích Ngọc - Trường Mầm non Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) là được thấy nụ cười của các em nhỏ trong mỗi buổi đến trường.

Ngày hiến chương nhà giáo năm nay đã trở thành một kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp đối với cô giáo Trần Thị Bích Ngọc (SN 1988).

Trở thành một trong những giáo viên tiêu biểu của cả nước được vinh danh, được Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt trong dịp lễ trọng đại này là niềm vinh dự, tự hào lớn. Đây cũng là động lực để cô giáo mầm non vùng biên nỗ lực hơn nữa trong việc phát huy tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp trồng người.

bqbht_br_a1.jpg
Cô giáo Trần Thị Bích Ngọc là một trong 2 giáo viên Hà Tĩnh được vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Cô Ngọc cho biết: “Những ngày còn đi học, tôi thường bắt gặp những đứa trẻ đến tuổi nhưng vẫn chưa được tới lớp do hoàn cảnh khó khăn. Rồi hình ảnh mẹ tôi - một giáo viên mầm non của xã luôn tận tụy đến từng hội quán thôn, thậm chí có lúc đưa trẻ về dạy học tại nhà. Từ đó, ước mơ trở thành cô giáo để được góp sức chăm lo cho trẻ mầm non trên địa bàn cũng được hình thành trong tôi. Và sau những tháng ngày học tập ở Khoa Sư phạm mầm non của Trường Đại học Hà Tĩnh (trước đây là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh Tĩnh), năm 2008 tôi đã tốt nghiệp và được phân công về giảng dạy tại ngôi trường trên chính quê hương mình - Trường Mầm non Hương Vĩnh”.

Những ngày ấy, bậc học mầm non ở xã biên giới này còn rất nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ cho việc dạy học thiếu thốn. Đời sống của người dân còn thấp, trẻ nhỏ quanh năm quẩn quanh với núi đồi, khe suối nên con đường đến lớp của các cháu cũng muôn nỗi gian nan, gập ghềnh. Để vận động học sinh đến trường, cô Ngọc đã cùng với các đồng nghiệp đến từng nhà để tuyên truyền vận động. Có những lần phụ huynh đóng cửa không tiếp, thậm chí còn nặng lời, nhưng mong muốn huy động trẻ đến trường, mang đến cho các em niềm vui được đi học lại thôi thúc cô giáo trẻ không ngừng cố gắng.

bqbht_br_22.jpg
Niềm vui của trẻ trong mỗi ngày đến trường là hạnh phúc của cô giáo vùng biên.

Việc vận động học sinh đến trường đã khó, nhưng để duy trì sự chuyên cần của các em còn khó khăn hơn. Nơi cuộc sống của người dân còn nghèo, nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa thì công tác bán trú là điều không dễ. Không nản lòng trước khó khăn, mỗi ngày, cô Ngọc vẫn luôn kiên trì tiếp cận với phụ huynh học sinh để phân tích lợi ích của công tác bán trú. Tấm lòng, tình yêu thương con trẻ cùng với những món quà nhỏ được trích từ quỹ lương của cô để động viên các em đã như mưa dầm thấm sâu, làm mềm lòng những phụ huynh khó tính. Để rồi, nỗ lực của cô giáo trẻ cùng với tập thể sư phạm nhà trường đã được đền đáp bằng việc tổ chức thành công hoạt động bán trú cho học sinh. Công tác giáo dục, chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở trường vùng biên cũng bước sang trang mới.

Sau 10 năm công tác ở Trường Mầm non Hương Vĩnh, năm 2018, cô Ngọc được chuyển công tác về Trường Mầm non Phú Gia. Đây cũng là ngôi trường ở vùng biên giới khó khăn với 2 điểm trường. Trong đó, điểm xa nhất ở bản Phú Lâm, cách điểm trường trung tâm trên 10km, cách trung tâm huyện trên 20km. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tập thể sư phạm nhà trường, cô đã nhanh chóng bắt nhịp với môi trường mới để tiếp tục phát huy năng lực của mình trong công tác dạy học.

bqbht_br_21.jpg
Cô Ngọc thường xuyên tổ chức sinh hoạt trao đổi chuyên môn với các giáo viên trong và ngoài trường học.

Tâm huyết, lòng yêu nghề, yêu trẻ của cô được thể hiện qua những nỗ lực trong việc học hỏi nâng cao năng lực, trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy để có thêm những giờ học lý thú, hấp dẫn.

Cô Nguyễn Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Gia cho biết: “Là giáo viên cốt cán của huyện, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, cô giáo Trần Thị Bích Ngọc luôn phát huy vai trò đi đầu trong đổi mới. Cô thường xuyên cùng với các đồng nghiệp trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giáo dục. Cô cũng là nhân tố tích cực tham gia các đợt tập huấn chuyên môn của ngành để từ đó kịp thời triển khai, tư vấn chuyên môn cho giáo viên trong trường và các trường bạn”.

Cùng với việc đổi mới phương pháp, ứng dụng các sáng kiến vào thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, cô Ngọc còn là giáo viên đi đầu trong phong trào nghiên cứu viết sáng kiến kinh nghiệm dạy học. Từ năm học 2015-2016 đến nay, cô đã có 8 sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Khoa học cấp huyện thẩm định, công nhận và được ứng dụng rộng rãi trong toàn ngành.

Những nỗ lực của cô trong hành trình 16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên vùng khó khăn đã được đền đáp. Năm học 2020-2021, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; năm học 2021 - 2022, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Sự ghi nhận của các cấp ngành, sự tin yêu của phụ huynh, đồng nghiệp cùng niềm vui của trẻ trong mỗi ngày đến trường đã là những phần thưởng cao quý tiếp thêm nhiệt huyết, lòng yêu nghề cho cô giáo vùng biên.

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.