Thầy giáo 22 lần hiến máu cứu người

(Baohatinh.vn) - “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” là phương châm sống của thầy Nguyễn Đình Trân (SN 1989) - giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Long (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trong suốt hơn 10 năm qua.

Kể cho tôi nghe về lần đầu tiên đi hiến máu, thầy Nguyễn Đình Trân cho biết: “Năm 2013, tôi tham gia chương “Chủ nhật đỏ” do Ban vận động Hiến máu tình nguyện huyện Kỳ Anh (nay là TX Kỳ Anh) tổ chức. Lần đầu hiến máu, tôi không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hồi hộp, nhưng được sự hướng dẫn của bác sĩ, hiến xong, sức khỏe ổn định bình thường nên sau lần đó, tôi đã hiến thường xuyên. Tính đến nay, tôi đã 22 lần hiến máu”.

2-896.jpg
Thầy Nguyễn Đình Trân đã có 22 lần hiến máu tình nguyện.

Trong hành trình hơn 10 năm hiến máu cứu người, thầy Trân từng chứng kiến nhiều trường hợp người quen, bạn bè cần tiếp máu khẩn cấp. Khi nhận được tin báo hoặc những dòng đăng tải kêu gọi hiến máu trên mạng xã hội, thầy không quản ngại đường sá xa xôi, khẩn trương lên đường đến bệnh viện ở TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh để hiến máu cứu người.

Cũng từ suy nghĩ, cho đi giọt máu của mình mà có thể mang lại hy vọng, cứu sống được người khác trong cơn nguy cấp nên thầy Trân luôn sẵn sàng. Và với thầy, việc hiến máu không chỉ là hành động từ thiện nhân đạo mà còn là trách nhiệm của một công dân đối với cộng đồng xã hội.

1-3397.jpg
Là giáo viên dạy giáo dục thể chất nên thầy Trân có chế độ sinh hoạt và rèn luyện sức khỏe điều độ.

Để đảm bảo sức khỏe và chất lượng máu cho những lần hiến kế tiếp, thầy Trân rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, rèn luyện của bản thân. Là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất nên ngoài giờ lên lớp, mỗi ngày, thầy đều dành thời gian tập luyện thể thao, ăn uống, sinh hoạt điều độ, hạn chế sử dụng các chất kích thích có hại cho cơ thể…

“Theo các nghiên cứu khoa học và hướng dẫn của bác sỹ, hiến máu đúng quy trình sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, nhờ có chế độ sinh hoạt điều độ nên tôi có nền tảng sức khỏe khá tốt, mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy tinh thần rất thoải mái, vui vẻ. Khi sức khỏe còn cho phép, tôi vẫn sẽ tiếp tục hiến máu, bởi bản thân thấy vui vì biết rằng giọt máu của mình có thể giúp đỡ, góp phần cứu chữa những bệnh nhân cần máu”, thầy Trân cho biết.

2-4478.jpg
Trong công tác giảng dạy, thầy Trân là một giáo viên tận tâm, đạt nhiều thành tích cao.

Không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, thầy Trân còn tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè cùng hiến máu, góp phần lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện trong các công đoàn cơ sở trường học ở TX Kỳ Anh.

Với nghĩa cử nhân văn, cao đẹp, thầy Trân nhiều lần được LĐLĐ thị xã Kỳ Anh biểu dương, khen thưởng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng giấy khen. Tại chương trình “Hành trình đỏ” do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 6/2024 vừa qua, thầy Trân là một trong những cá nhân được tặng bằng khen và tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn tỉnh.

1-4696.jpg
Thầy Trân là một trong những cá nhân được tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn tỉnh tại chương trình "Hành trình đỏ" năm 2024.

Trong công tác chuyên môn, thầy Trân cũng khẳng định được năng lực của mình khi thường xuyên dẫn dắt, huấn luyện các thế hệ học sinh tham gia và giành giải cao tại các hội thao, các giải đấu trên địa bàn. Nhiều năm thầy đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua cơ sở; được UBND tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh tặng giấy khen...

Thầy Trân là một giáo viên có chuyên môn tốt, tích cực với hoạt động phong trào, đặc biệt là chương trình hiến máu tình nguyện. Tinh thần và nghĩa cử cao đẹp của thầy đã góp phần khích lệ, động viên cán bộ, giáo viên nhà trường hưởng ứng các đợt vận động hiến máu, là tấm gương giúp lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn.

Cô Võ Thị Thanh Ngọc

Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Kỳ Long

Chủ đề Hiến máu cứu người ở Hà Tĩnh

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.