7 lý do khiến smartphone của bạn vào mạng chậm

Smartphone ngày nay đã trở thành phương tiện chính mà mỗi người chúng ta sử dụng để truy cập Internet. Xu thế này là không thể đảo ngược, và điều đó có nghĩa là việc làm sao để luôn có được tốc độ truy cập Internet nhanh nhất có thể trên các thiết bị di động đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đôi lúc, có những vấn đề xảy ra khiến trải nghiệm lướt web trên di động bỗng trở nên vô cùng chậm chạp. Đó có thể là do cách sắp đặt router trong nhà chưa hợp lý, do mạng Wi-Fi quá đông người truy cập, hay thậm chí là vấn đề xuất phát từ chính nhà cung cấp mạng. Dưới đây là những lý do chính khiến smartphone của bạn vào mạng chậm theo tổng hợp của trang MakeUseOf.

Một trong những lý do phổ biến khiến tốc độ mạng trở nên chậm chạp là router đã bị đặt sai vị trí. Tín hiệu Wi-Fi có khoảng cách tối đa 70 mét, và càng cách xa vị trí phát thì tốc độ càng chậm. Ngoài ra, tín hiệu này còn có thể bị chặn bởi các vật thể kích thước lớn như tường, trần nhà hay cửa.

Do đó, nếu bạn đang đứng cách xa router, và có chướng ngại vật ngăn cách ở giữa, tốc độ mạng chắc chắn sẽ chậm đi rất nhiều. Có một cách để kiểm tra điều này: biểu tượng Wi-Fi trên thanh trạng thái cho chúng ta thấy độ mạnh của tín hiệu Wi-Fi:

- Khi biểu tượng này ở trạng thấy đầy đủ nhất: sóng Wi-Fi mạnh. Do đó nếu tốc độ truy cập mạng Internet bị chậm thì có lẽ là do nguyên nhân khác.

- Khi biểu tượng này ở trạng thái rỗng: sóng Wi-Fi yếu, các thiết bị đang dùng Wi-Fi khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Hãy di chuyển lại gần router một chút. Nếu lúc này tốc độ mạng đã cải thiện thì mấu chốt của vấn đề chính là vị trí đặt router chưa hợp lý. Nếu ngược lại, mời các bạn xem tiếp lý do thứ 2.

Router phát tín hiệu trên một kênh nhất định. Tuy nhiên, nếu hàng xóm của bạn cũng đặt router của họ hoạt động trên cùng một kênh như vậy, hiện tượng nghẽn sẽ có thể xảy ra và tốc độ Wi-Fi của tất cả mọi người sẽ bị chậm. Đây là vấn đề thường xảy ra ở các căn hộ chung cư, nơi một số lượng lớn router tập trung trong một không gian khá nhỏ.

Để giải quyết vấn đề này, bạn cần sử dụng một phần mềm quét mọi mạng Wi-Fi và tìm hiểu xem chúng đang sử dụng kênh nào, từ đó thay đổi cài đặt router sang kênh ít bị nghẽn nhất.

Nếu bạn dùng điện thoại Android, hãy sử dụng ứng dụng Wi-Fi Analyzer. Nếu bạn dùng iPhone thì sẽ cần một chiếc laptop, Mac hoặc Windows đều được. Có khá nhiều ứng dụng dành cho máy tính, bạn có thể tham khảo tại đây (cho Mac) và đây (cho Windows).

Sóng Wi-Fi còn rất dễ bị nhiễu bởi các thiết bị gia dụng khác. Những thiết bị như lò vi sóng, chuông cửa không dây, và cả điện thoại không dây đều có thể làm can nhiễu tín hiệu từ router đang chạy trên băng tần 2.4GHz.

Đây là điều bạn cần kiểm tra nếu cả hai cách trên đều chưa giải quyết được vấn đề. Hầu hết các router hiện đại ngày nay có thể hoạt động trên hai băng tần là 2.4GHz và 5GHz, trong đó băng tần 5GHz ít có khả năng bị can nhiễu hơn. Nếu bạn sở hữu những router như thế này, hãy vào phần cài đặt router và thử chỉnh lại xem sao.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện thay đổi này, hãy đảm bảo rằng mọi thiết bị đang sử dụng Wi-Fi của bạn hỗ trợ băng tần 5GHz, bởi nếu không, chúng sẽ không thể kết nối nữa. Trừ khi bạn có một router 2 băng tần hoặc 3 băng tần, bạn sẽ không thể chuyển giữa các băng tần khác nhau được. Bạn sẽ phải chọn 1 trong 2.

Nếu bạn sử dụng băng tần 2.4GHz, hãy đảm bảo rằng bạn không đặt bất kỳ thiết bị điện tử nào gần router, hoặc không sử dụng smartphone khi đứng cạnh lò vi sóng.

Một trong những lý do hiển nhiên lý giải cho tốc độ Internet chậm như rùa mà bạn đang phải chịu đựng là bởi... bạn đang kết nối đến một mạng chậm.

Ở nhà, lý do khiến mạng chậm hơn bình thường có thể là do một số ứng dụng hay thiết bị đang chiếm dụng băng thông. Việc xem phim trực tuyến, tải game, hay cài đặt các bản cập nhật hệ điều hành đều khiến tốc độ mạng bị chậm đi. Trong một số trường hợp, những thứ này còn chạy ngầm dưới nền mà bạn không hề biết.

Ở mạng Wi-Fi công cộng, tốc độ mạng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều lý do khác nhau, và bạn cũng không nên hi vọng có được tốc độ siêu nhanh từ một dịch vụ mà bạn đang sử dụng miễn phí. Có rất nhiều điểm truy cập Wi-Fi công cộng, và smartphone của bạn đôi lúc sẽ đăng nhập vào một trong số chúng một cách ngẫu nhiên. Nó thậm chí sẽ tiếp tục kết nối vào một mạng ban đầu cho dù bạn đã di chuyển vào phạm vi của một mạng khác mạnh hơn. Điều này có nghĩa là cho dù quán cafe bạn đang ngồi có mạng Wi-Fi rất mạnh nhưng cũng không đảm bảo rằng bạn đang thực sự kết nối với mạng đó.

Để giải quyết vấn đề này, bạn nên thiết lập mạng Wi-Fi được ưu tiên trên Android hoặc iPhone để buộc thiết bị luôn kết nối đến mạng bạn đã chọn mỗi khi nằm trong vùng phủ sóng, và chỉ nên dùng điểm truy cập miễn phí khi không còn giải pháp nào khác.

Trong trường hợp này, bạn nên biết rằng kết nối 4G thường sẽ nhanh và ổn định hơn so với Wi-Fi công cộng. Nếu mạng Wi-Fi này quá chậm chạp, tốt nhất nên tắt Wi-Fi và chuyển sang sử dụng 3G/4G, và chú ý kiểm tra lưu lượng sử dụng để không mất tiền oan ức nhé.

Nếu bạn thường xuyên sử dụng mạng Wi-Fi công cộng, bạn nên dùng kèm theo một VPN (mạng riêng ảo). VPN sẽ giúp mã hoá kết nối giữa điện thoại và điểm truy cập, ngăn mọi người trong cùng một mạng xem lén dữ liệu của bạn.

Tuy nhiên VPN cũng tác động đáng kể lên tốc độ Internet. Các ứng dụng VPN miễn phí thường có hiệu năng cực kỳ tệ hại, cùng nhiều vấn đề đáng quan ngại khác. Nếu đang dùng VPN và thấy mạng chậm đi, tốt nhất hãy tạm thời tắt nó đi để xem có cải thiện được gì không.

Hầu hết các nhà cung cấp VPN cao cấp đều có ứng dụng cho iPhone và Android. Sau khi đăng ký, bạn có thể sử dụng chúng cả trên điện thoại lẫn máy tính. Các dịch vụ cao cấp luôn có tốt độ tốt hơn hàng miễn phí nhiều, cùng những lợi ích khác về bảo mật và quyền riêng tư.

Vậy còn tốc độ mạng chậm khi sử dụng 4G thì sao? Hầu hết chúng ta đều chuyển sang Wi-Fi ngay khi có thể vì chi phí rẻ hơn và tiết kiệm pin hơn. Khi chuyển sang 4G, bạn hi vọng sẽ có tốc độ ngang ngửa, hoặc có thể hơn cả Wi-Fi. Nhưng trong một số trường hợp điều này lại không đúng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tín hiệu 4G. Bạn sẽ thấy điều này ở những nơi đông người như các trận thể thao hay nhà hát, rạp phim... nơi hàng trăm, hàng ngàn người cùng kết nối tới cùng một trạm tín hiệu một lúc. Hay khoảng cách từ vị trí bạn đứng đến cột tín hiệu gần nhất, bạn đứng trong nhà hay ngoài trời, thời tiết như thế nào...? Những yếu tố như vậy đôi khi sẽ khiến bạn chỉ có thể truy cập Internet ở tốc độ 3G thay vì 4G, và đôi khi còn mất hoàn toàn kết nối.

Bên cạnh đó, một số nhà mạng nhỏ như Vietnamobile, GTel... có lượng băng thông rất giới hạn, và tất nhiên bạn không thể trông chờ tốc độ 3G/4G nhanh khi dùng các mạng này rồi.

Cuối cùng, mạng chậm có lẽ là dấu hiệu của việc điện thoại bạn đã dần hết thời. Có thể Wi-Fi rất mạnh, tầm phủ sóng 3G/4G rất rộng, mạng thì rất nhanh, nhưng chiếc điện thoại của bạn lại quá yếu không thể bắt kịp với chúng.

Tài nguyên cần thiết cho các ứng dụng và website ngày càng tăng lên. Do đó ngay cả khi tốc độ Internet rất tốt, máy bạn cũng chưa kịp xử lý được ngay lập tức. Phần cứng điện thoại sẽ cần thời gian để render một trang web, hay xử lý đồ hoạ trong một game trực tuyến.

Các điện thoại cũ, hay cấu hình thấp bị ảnh hưởng bởi vấn đề này đã đành. Những thiết bị cao cấp đôi khi cũng gặp khó khăn. Quá nhiều ứng dụng đang download và đồng bộ dưới nền có thể chiếm quá nhiều tài nguyên và lượng băng thông bạn đang sử dụng.

Những ứng dụng lâu ngày chưa được cập nhật, hay được lập trình một cách cẩu thả cũng khiến điện thoại chậm đi. Do đó bạn nên chú ý cập nhật ứng dụng thường xuyên, gỡ bớt những ứng dụng không dùng và kiểm tra xem nên cho phép ứng dụng nào chạy ngầm.

https://www.makeuseof.com/tag/reasons-slow-internet-speed-smartphone/

Theo ICTnews/VnReview

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói