Hiện nay quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam đang khai thác và cấp phép trong gần 30 lĩnh vực, gồm: trực tuyến, ngoại tuyến, phát sóng, sao chép… Trong đó, nền tảng âm nhạc trực tuyến chiếm gần 90% nguồn thu của tất cả các lĩnh vực. Âm nhạc cũng là lĩnh vực được bảo vệ quyền tác giả tốt nhất trong các lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam. Chỉ tính riêng tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, tiền bản quyền năm 2023 là 344 tỷ đồng cho hơn 6400 nhạc sỹ, đứng thứ 1 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số.
Bảo vệ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Tại Việt Nam, hiện nay đã hình thành 6 tổ chức đại diện tập thể để bảo vệ bản quyền trong các lĩnh vực ghi âm, âm nhạc, văn học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, bên cạnh đó một số công ty cũng bắt đầu kinh doanh dịch vụ bản quyền. Đó là những tín hiệu đáng mừng. Mặc dù từ nhận thức đến thực thi bản quyền trong văn hóa, nghệ thuật còn nhiều hạn chế, song thực tế là rất nhiều nghệ sỹ đã có thể sống được với nghề nhờ tiền bản quyền, tiêu biểu là trong lĩnh vực âm nhạc.
"Việc ứng dụng công nghệ giúp tăng khả năng theo dõi, giám sát, kiểm soát tất cả các vi phạm về bản quyền. Qua đó, quản lý hiệu quả việc khai thác quyền tác giả và mở rộng phạm vi thu tiền bản quyền, tạo điều kiện để các tác phẩm âm nhạc Việt Nam được kết nối, bảo vệ trên toàn cầu và quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết.
Một bài hát có thể được đồng thời vang lên ở nhiều nơi, được nhiều đơn vị, cá nhân khai thác nên gần như tác giả không thể đủ sức lực, thời gian và phương tiện để giám sát vấn đề bản quyền. Vì thế, cách làm phổ biến là nhạc sĩ ủy thác lại công việc đó cho 1 đơn vị khác có đủ nguồn lực và điều kiện hơn. Nhưng trên thực tế nhiều nhạc sĩ không hiểu đầy đủ về quyền tác giả của mình nên rất dễ qua loa, đại khái, thiếu chuyên nghiệp trong ký kết hợp đồng ủy thác cho doanh nghiệp, tổ chức khác, dẫn đến những thiệt hại khôn lường, thậm chí mất hoàn toàn quyền tác giả chính đáng của mình.
Thận trọng, tỉnh táo, lựa chọn đúng nơi để gửi gắm ủy thác quyền là yêu cầu hết sức quan trọng, để nhạc sĩ có thể yên tâm sáng tạo, thỏa sức bay bổng với những nốt nhạc cống hiến cho cuộc đời. Nhìn ra thế giới, tại các quốc gia có nền bản quyền đi trước chúng ta hàng trăm năm, có thể thấy tài năng, chất xám của nhạc sỹ được trân trọng như thế nào, thông qua nguồn thu nhập khổng lồ từ bản quyền ngay cả khi họ đã mất đi.
Taylor Swift đang được xem là ca sĩ có doanh thu hàng đầu thế giới. Chuyến lưu diễn The Eras Tour mà cô đang thực hiện tại 5 châu lục đã phá vỡ kỷ lục thế giới khi trở thành chuyến lưu diễn đầu tiên có doanh thu vượt quá 1 tỉ USD. Trong đó ước tính doanh thu từ bản quyền âm nhạc có thể đạt từ 100 đến 150 triệu USD. Ngoài ra, công chúa nhạc đồng quê cũng thu về mỗi năm hàng chục triệu USD tiền bản quyền từ những bài hát của cô xuất hiện trong các bộ phim hay vô số quảng cáo và các chiến dịch khác.
Ông hoàng nhạc pop Michael Jackson mặc dù đã qua đời được 15 năm, nhưng ông vẫn là một trong những nghệ sĩ có thu nhập từ bản quyền âm nhạc cao nhất thế giới. Di sản âm nhạc của ông vẫn tiếp tục mang lại nguồn thu nhập khổng lồ nhờ vào bản quyền. Tính đến năm 2009, thời điểm ông qua đời, tài sản của ông trị giá 500 triệu USD thì nay con số đó đã vượt quá 2 tỷ USD. Một phần của số tiền tiền tăng lên này là nhờ vào bản quyền âm nhạc bao gồm các ca khúc, album và hình ảnh liên quan đến ông được phát hành lại, sử dụng trong phim ảnh, quảng cáo, và các sự kiện. Việc quản lý hiệu quả bản quyền âm nhạc đã giúp gia đình Michael Jackson duy trì một khối tài sản đáng kể, đồng thời đảm bảo rằng di sản âm nhạc của ông luôn được bảo vệ và phát triển.
Rõ ràng, doanh thu từ bản quyền âm nhạc không chỉ là một nguồn thu nhập quan trọng mà còn là một công cụ để các ca sĩ bảo vệ quyền lợi, phát triển sự nghiệp và xây dựng di sản âm nhạc của mình.