“Ẩn họa” từ xe siêu trường, siêu trọng

Các tuyến QL 8A, 1A qua địa bàn Hà Tĩnh hiện đang phải oằn mình trước tình trạng xe quá khổ, quá tải cày xới. Do bất cập trong công tác nhập khẩu phương tiện và thiếu hụt trang thiết bị đã khiến công tác kiểm soát của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Nỗi lo về mất an toàn công trình, ATGT cứ thế lớn dần..

Xe quá khổ, quá tải "tung hoành"

Tuyến QL 1A, đoạn qua các xã: Kỳ Văn, Kỳ Thọ và thị trấn Kỳ Anh dài hơn chục km đều xuất hiện nhiều rãnh lún, bê tông nhựa bị bong trật lồi lõm và chi chít những ổ trâu, ổ voi. Đây chính là “sản phẩm” do xe quá khổ, quá tải cày xới, tạo những “hố đựng nước” mỗi khi mưa xuống.

Tương tự, đoạn từ cầu Bến Thủy 2 đến TP Hà Tĩnh, đường vừa mới làm xong cũng bị lún nghiêm trọng theo vệt bánh xe. Kỹ sư Hoàng Văn Sơn - Trưởng BQL dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn từ Nam cầu Bến Thủy 2 - Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh, lo lắng nói: “Nhiều đoạn đã được thảm bê tông nhựa lớp 1 (thảm thô) nhưng đã xuất hiện tình trạng lún theo vệt bánh xe. Cấp đường này bị lún thì tải trọng xe phải 50 tấn trở lên. Trong khi đó, thiết kế đường chỉ chịu tải trọng tối đa đến dưới 50 tấn”.

Xe siêu trường, siêu trọng ngày đêm “băm nát” các công trình giao thông.
Xe siêu trường, siêu trọng ngày đêm “băm nát” các công trình giao thông.

Đặc biệt, đoạn tránh TP Hà Tĩnh mới được đưa vào sử dụng, nhưng nhiều đoạn bị nứt nẻ và sụt lún khá sâu, toàn bộ kết cấu mặt đường bị phá vỡ hoàn toàn. Theo lý giải của ngành chức năng là do “sức ép” tiến độ khi nền đường chưa ổn định, nhà thầu đã vội vàng rải thảm. Ngoài ra còn có một nguyên nhân nữa, đó là do xe có tải trọng lớn chạy với tốc độ cao gây nên.

Quốc lộ 8A đoạn từ km 0+00 đến km 37+00 hiện đã thi công xong phần móng, nền và rải cấp phối đá dăm loại 1 mặt đường, nhưng nhà thầu vẫn không “dám” rải thảm, do sợ các phương tiện quá tải “băm” nát. Bởi vậy, không chỉ người dân sống 2 bên đường mà người tham gia giao thông cũng điêu đứng vì khói bụi.

“Hàng ngày, trên tuyến đường này có hàng trăm xe đầu kéo chở gỗ, thạch cao rầm rập nối đuôi nhau từ nước bạn Lào về và xe tải chở đất đá của Tập đoàn Xuân Thành thi công đê La Giang mà chẳng thấy xe nào bị xử lý” - anh Trần Viết Thắng (xóm 10, thị trấn Đức Thọ) ấm ức nói.

Những “rào cản” trong xử lý xe vi phạm

Tình trạng ô tô chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép đang có chiều hướng gia tăng. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây hư hỏng các công trình giao thông đường bộ. Thời gian gần đây, trong tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân được xác định là do xe quá khổ, quá tải gây nên.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ GTVT trang bị cho lực lượng chức năng từ 2-3 chiếc cân tải trọng cơ động để kiểm tra xe quá tải trên địa bàn Hà Tĩnh, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Không có phương tiện hiện đại, việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.

“Hầu hết các xe tải lưu thông trên đường đều quá tải. Nhưng để khẳng định lỗi và xử lý phải có trạm cân để kiểm tra, nếu không biết lấy gì làm căn cứ để bắt chủ phương tiện hạ tải! Biết họ vi phạm nhưng không thể xử lý được” - Thượng tá Lưu Văn Tiến - Phó phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh băn khoăn.

Cũng theo ông Tiến, hàng ngày có hàng nghìn lượt xe quá tải lưu thông qua địa bàn. Riêng Hà Tĩnh đã có 4 doanh nghiệp vận tải lớn chuyên phân phối xi măng, sắt thép, phân bón đều là đầu kéo sơ mi rơ-móc chở từ 80-100 tấn, quá tải từ 2-3 lần.

Trung tá Nguyễn Quốc Bình - Đội trưởng Đội CSGT 1-8 (Phòng CSGT Công an tỉnh) cho biết: Hiện trên QL 8A cũng đã xuất hiện xe quá tải với mật độ tương đối dày, nhất là về ban đêm. Tuy nhiên, đây là tuyến đường thông thương quốc tế nên vấn đề dừng xe để kiểm tra, xử lý sẽ rất khó và nhạy cảm.

Theo số liệu thống kê của lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, từ đầu năm đến nay, số lượng xe quá tải trên địa bàn toàn tỉnh rất nhiều nhưng số bị xử phạt mới chỉ đếm đầu ngón tay. Một bất cập khác là cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về kích thước thùng xe, giới hạn thùng chở hàng của các loại xe tải ben, sơ mi rơ moóc, xe container…, do vậy để xử lý xe quá khổ, quá tải là rất khó.

Đâu là giải pháp?

Ngăn chặn xe quá tải không chỉ là việc làm của từng địa phương mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp bộ ngành trên toàn quốc. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần trang bị phương tiện, xây dựng bến bãi để hạ tải và kho tàng để cất giữ hàng hóa cho các phương tiện vi phạm. Khi ấy, nỗi lo của người tham gia giao thông mới được giải tỏa.

Theo ông Bùi Đức Đại - Phó Giám đốc Sở GTVT, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với xe quá tải. Thực tế hiện nay, hầu hết các loại xe vận tải sau khi được mua về, các chủ xe đều cơi nới, be cao thùng xe để chở được nhiều hàng hóa. Vì thế, phải quản lý thật chặt ngay từ khâu đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Nếu phát hiện thùng xe bị cơi nới, be cao so với thiết kế thì nhất quyết không cho đăng ký, đăng kiểm.

Ngoài ra cũng cần áp dụng biện pháp xử lý “mạnh tay” đối với các trường hợp vi phạm, nếu là lỗi của lái xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép thì tước GPLX vĩnh viễn, nếu là lỗi của chủ hàng thì giam giữ phương tiện có thời hạn và phạt thật nặng. Hiện nay, chúng ta chỉ mới áp dụng xử phạt hành chính đối với các trường hợp quá tải (mức phạt chỉ dao động từ 1,5-2,5 triệu đồng), do đó lái xe và chủ hàng đều “nhờn thuốc”!

Để sớm xử lý vấn đề xe quá tải, trước mắt chưa xây dựng được các trạm cân dọc đường thì cần phải nhanh chóng trang bị cân tải trọng cơ động cho lực lượng CSGT, thanh tra giao thông. Việc xây dựng các bến bãi, kho tàng để tạm giữ hàng hóa cần phải có một chiến lược dài hơi, trước mắt cần vận dụng và phối hợp với các bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm CSGT, thanh tra giao thông dọc đường để làm nơi hạ tải và cất giữ hàng hóa vi phạm…

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công văn số 1429/TCĐBVN-TTr ngày 12/4/2013 về việc “đồng loạt triển khai việc kiểm tra tải trọng xe lưu động trên đường bộ cả nước”. Theo đó, Tổng cục đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép trên các quốc lộ và đường địa phương. Khi kiểm tra, phát hiện xe ô tô vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, phải kiên quyết xử lý, buộc hạ tải và chỉ cho lưu hành tiếp khi đúng tải trọng và khổ giới hạn theo quy định.

Đọc thêm

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...