Ban Chỉ đạo 138 Hà Tĩnh: Tăng cường phòng ngừa tội phạm giết người

(Baohatinh.vn) - Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm về TTXH trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được kiềm chế, giảm so với những năm trước, ANTT được giữ vững, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 4 vụ án giết người, làm 4 người chết (tăng 1 vụ, 1 người chết, giảm 1 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021).

Ban Chỉ đạo 138 Hà Tĩnh: Tăng cường phòng ngừa tội phạm giết người

Đối tượng Nguyễn Văn Phong (SN 2005, trú tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân) bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh khởi tố về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý thời gian qua đã xảy ra một số vụ án giết người do đối tượng tâm thần gây ra (chiếm 50% vụ án mạng xảy ra).

Số vụ án giết người tuy chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu phạm pháp hình sự (chiếm 2,6 %) nhưng gây hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong Nhân dân, phức tạp về ANTT.

Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị các đơn vị thành viên và BCĐ 138 các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm...

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ANTT; công tác quản lý VK-VLN-CCHT; công tác đăng ký, quản lý tạm trú, tạm vắng; quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; phòng, chống cháy, nổ, giữ gìn trật tự công cộng.... Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng đối với người phạm tội, vi phạm pháp luật và đối tượng có nguy cơ phạm tội.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên... Đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, người có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư,... để phối hợp tuyên truyền phòng ngừa tội phạm giết người, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa bàn, từng lĩnh vực.

Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Chú trọng duy trì, phát huy xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động thiết thực, hiệu quả; phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhất là ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội.

Tập trung giải quyết tốt những vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với các nhóm đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; các vấn đề xã hội trong và sau dịch bệnh là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo không để phức tạp kéo dài phát sinh hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; phát huy vai trò các tổ hòa giải, các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Tiếp tục triển khai, thực hiện có có hiệu quả những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 7/1/2021 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người; Công văn số 1361/UBND-NC ngày 24/3/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý người bệnh tâm thần, người có biểu hiện “ngáo đá”.

Tổ chức quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao gây ra các vụ án giết người, gây thương tích tại địa bàn cơ sở (đối tượng sử dụng, đối tượng nghiện ma túy, đối tượng có tiền sử bệnh lý tâm thần, biểu hiện về bệnh tâm thần, có bệnh án tâm thần...). Phát huy sức mạnh của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần, đối tượng ngáo đá, phòng ngừa đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm trật tự xã hội.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên và quần chúng Nhân dân về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc quản lý, giám sát, trợ giúp xã hội cho người bệnh tâm thần; tuyên truyền nguyên nhân, hậu quả; hướng dẫn cách thức phát hiện, nhận biết, phòng tránh, xử lý tình huống, phòng ngừa người bệnh tâm thần, đối tượng “ngáo đá” thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Công an các đơn vị, địa phương tập trung tham mưu, triển khai quyết liệt các giải pháp, phương án góp phần kéo giảm tội phạm; các chương trình, kế hoạch, biện pháp để huy động sức mạnh của cả thệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác phòng ngừa tội phạm giết người góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, nhất là các ổ nhóm nguy hiểm, có biểu hiện hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “đâm thuê, chém mướn”, “bảo kê”, đòi nợ thuê, liên quan đến “tín dụng đen”...

Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời các hành vi bạo lực, côn đồ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây án. Khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo dõi.

Tin liên quan:

Chủ đề Giết người

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast