Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

(Baohatinh.vn) - Quốc lộ 8 (QL8) – tuyến đường độc đạo dẫn lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thời gian qua xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông dẫn tới việc ùn tắc, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

Hiện trường vụ xe đầu kéo rơi xuống vực trên QL8 ngày 17/2 vừa qua.

Vào lúc 20h 20 phút ngày 17/2, xe đầu kéo chở quặng mang BKS 38H-000.07 do tài xế Nguyễn Tiến Sơn (SN 1972, trú xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân) điều khiển di chuyển trên QL8 theo hướng từ Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo về thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn), khi tới Km61+930 đoạn qua thôn Hà Trai (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) thì bất ngờ rơi xuống vực sâu 70m. Vụ tai nạn khiến phương tiện bị hư hỏng gần như hoàn toàn, tài xế bị thương nặng.

Đoạn đường nơi xe đầu kéo rơi xuống vực khá dốc và có khúc cua gấp. Thời điểm xảy ra vụ việc, xe đang đi lùi để tránh phương tiện đi ngược chiều. Do trời tối, tầm nhìn hạn chế nên không may gặp nạn.

Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

Các vụ TNGT trên QL8 thường khiến cho giao thông bị ách tắc kéo dài.

Ngoài vụ việc nêu trên, trước đó (ngày 7 - 10/12/2021), trên QL8 từ Km69+700 - Km84+660 liên tiếp xảy ra 4 vụ TNGT. Các vụ việc dù không gây thiệt hại về người nhưng gây ách tắc giao thông trên tuyến trong nhiều giờ.

QL8 là tuyến đường độc đạo lên xuống Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thế nên, mỗi ngày đêm có hàng trăm lượt xe qua lại. Tình trạng ách tắc giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp.

Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

Việc thi công nâng cấp, mở rộng dự án QL8 đoạn từ Km37 - Km85+300 chậm tiến độ đã gây khó cho các phương tiện khi di chuyển trên tuyến đường này.

Theo tìm hiểu, QL8 từ ngã ba TX Hồng Lĩnh đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo dài 85,3km. Đoạn tuyến từ Km0 – Km37 đã được đầu tư nâng cấp mở rộng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2016.

Với đoạn tuyến từ Km37 tới Km85+300 nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng Bộ GTVT phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều năm trở lại đây phải phân kỳ đầu tư, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công từng bước. Và tới thời điểm này dự án vẫn chưa thể hoàn thành.

Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

Mặt đường QL8 tại các đoạn đang được thi công thường xuyên lầy lội, trơn trượt khi có mưa.

Ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 (đơn vị được giao trách nhiệm quản lý tuyến QL8) thông tin, QL8 vốn là tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, mặt đường 5,5m với 2 làn xe. Mặt đường hẹp, địa hình dốc lại có nhiều khúc cua gấp, khuất tầm nhìn, cộng thêm việc đang thi công khiến phương tiện đi lại khó khăn. Tại các đoạn tuyến đang thi công thì gần như chỉ đủ cho 1 làn xe nên phương tiện phải nhường đường khi di chuyển.

Thời điểm này thời tiết Hà Tĩnh đang có mưa gió cũng là một trở ngại cho các phương tiện lưu thông trên tuyến. Trời mưa không chỉ khiến mặt đường ở các đoạn tuyến đang thi công trở nên lầy lội, mà còn gây nên hiện tượng sương mù dày đặc, nhất là khung 4h chiều hôm nay tới 8h sáng hôm sau.

Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

Các phương tiện phải nhường đường cho nhau mới có thể di chuyển qua các đoạn đường đang thi công.

Đại úy Bùi Quốc Hiếu – Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát 1/8 (Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh) cho hay: "Trường hợp tài xế không cẩn thận hoặc mất tập trung, điều khiển phương tiện di chuyển hơi nhanh một chút là rất dễ gặp tai nạn. Thực tế thì các vụ TNGT trên tuyến QL8 thời gian qua xảy ra vào lúc ban đêm hoặc chiều tối và chủ yếu là do phương tiện tự gây tai nạn tại các khúc cua gấp, đoạn đường dốc.

Do đây là tuyến đường độc đạo, một bên núi, một bên vực sâu nên mỗi khi có sự cố, việc cứu hộ, xử lý hiện trường thường mất rất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng tới các phương tiện khác."

Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

Quá trình thi công QL8 - tuyến đường vừa khai thác, vừa thi công, các nhà thầu vẫn chưa thực hiện tốt công tác đảm bảo ATGT dẫn tới nguy cơ tai nạn.

Đặc biệt, theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, việc dẫn tới các vụ TNGT trên tuyến QL8 ngoài nguyên nhân về thời tiết, tuyến đường đang thi công, ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện thì các cơ quan, đơn vị quản lý đoạn tuyến bố trí, tổ chức thi công, điều tiết, đảm bảo ATGT chưa hợp lý.

Khi có sự cố xảy ra, chưa kịp thời báo cáo đến các cơ quan chức năng trên địa bàn để phối hợp tổ chức điều tiết giao thông.

“Chúng tôi chỉ mong tuyến đường này sớm được thi công xong. Chứ với tình trạng như hiện tại, việc đi lại rất khó khăn. Đường miền núi dốc, khúc khuỷu thì không nói chứ việc thi công lầy lội, trơn trượt, nhiều điểm không bố trí đầy đủ đèn cảnh báo hoặc không có người điều tiết, rất nguy hiểm cho các phương tiện”, anh Nguyễn Vĩnh An (SN 1986) - tài xế xe bồn thường xuyên di chuyển trên QL8 chia sẻ.

Vì sao đường lên Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?

Đại tá Đặng Hoài Sơn (áo xanh) - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh kiểm tra thực tế việc thi công tại Km67+980 QL8 vào ngày 17/2.

Trước tình trạng mất ATGT trên tuyến QL8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã từng có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 4 (đại diện chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, thường xuyên vệ sinh mặt đường để tránh trơn trượt trong phạm vi các đoạn tuyến đã nhận bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Trong điều kiện mặt bằng thi công chật hẹp, trên tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, do đó, phải chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công cuốn chiếu, làm nhanh, gọn, không kéo dài các đoạn tuyến thi công, tránh gây cản trở, ách tắc giao thông.

Chỉ đạo các nhà thầu bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu, đảm bảo ATGT trong quá trình thi công (cọc tiêu, biển báo, sào vè, đèn tín hiệu vào ban đêm, ...), bố trí đầy đủ người trực gác, điều tiết giao thông và chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc, thiết bị thi công để xử lý kịp thời các sự cố có thể gây mất ATGT và ách tắc giao thông.

Chủ đề Tai nạn giao thông

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast