Bác sỹ Ngô Xuân Lam - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh – Chủ nhiệm CLB cho biết: “Hưởng ứng sự phát động của Hội Hô hấp Việt Nam, năm 2017, CLB được thành lập với 140 bệnh nhân tham gia.
Sau hơn 2 năm hoạt động, đã có trên 500 bệnh nhân sinh hoạt thường xuyên tại CLB. Đây là bệnh không thể chữa khỏi, nên mục đích của CLB là dự phòng các yếu tố nguy cơ cho người bệnh”.
Bác sỹ Ngô Xuân Lam (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn bệnh nhân tronng câu lạc bộ các biện pháp dự phòng bệnh
Theo các nghiên cứu, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có nhiều nguyên nhân nhưng khoảng 90% là có nguyên nhân từ hút thuốc lá. Số liệu từ bác sỹ Ngô Xuân Lam cung cấp cũng cho thấy, trong 500 thành viên tham gia sinh họat tại CLB do bác sỹ chủ nhiệm thì đến hơn 80% có tiền sử hút thuốc lá.
Dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa, bệnh nhân COPD và hen phế quản sinh hoạt sẽ được tiếp cận các thông tin liên quan đến bệnh, thời điểm và cách thức dùng thuốc dự phòng, nhận biết cơn cấp tính, tập ho chủ động…
Các thành viên câu lạc bộ được phát tài liệu liên quan đến bệnh phổi.
Việc giúp người bệnh dự phòng các yếu tố nguy cơ rất quan trọng với các bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp, bởi nếu không được dự phòng, chi phí mỗi lần điều trị khi bệnh trở nặng rất đắt đỏ và nguy cơ tử vong cao.
Bác Nguyễn Văn Minh (71 tuổi - Lộc Hà – Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi hút thuốc lá, thuốc lào gần 40 năm và chung sống với bệnh này đã hơn 10 năm nay. Trước đây, mỗi lần vào viện khám, điều trị mất cả chục triệu đồng. Nhưng từ ngày sinh hoạt CLB, được các bác sỹ hướng dẫn dự phòng kết hợp chế độ sinh hoạt hợp lý, bệnh không trở nặng và chi phí giảm hơn trước nhiều”.
Không chỉ giúp bệnh nhân dự phòng các yếu tố nguy cơ, các bác sỹ còn vận động nhiều bệnh nhân trong câu lạc bộ từ bỏ thuốc lá và thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý
Ngoài hướng dẫn dự phòng, điều trị cho bệnh nhân, các bác sỹ cũng tư vấn cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, hợp lý và đặc biệt là vận động bệnh nhân từ bỏ thuốc lá.
“Hầu hết bệnh nhân khi tham gia sinh hoạt CLB đều được chúng tôi vận động bỏ thuốc. Đối với những bệnh nhân chưa bỏ được, bác sỹ phải vừa tâm tình, vừa có biện pháp răn đe bởi nếu không tránh xa được khói thuốc thì không bao giờ có kết quả trong điều trị bệnh” – bác sỹ Lam cho biết.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Nghiện thuốc lá từ khi còn trẻ, khi đã mắc bệnh về phổi, ông Trần Văn Hựu (62 tuổi – TP Hà Tĩnh) vẫn không dứt hẳn được. Thậm chí khi đã tham gia sinh hoạt tại CLB, ông vẫn hút thuốc và bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu trở nặng
Được các bác sỹ khuyên răn, tư vấn, ông Hựu - từ một con nghiện thuốc lá nặng đã giảm dần rồi tiến tới bỏ hẳn thuốc lá sau 6 tháng sinh hoạt CLB. Ông chia sẻ: “Từ ngày bỏ thuốc, những cơn cấp tính giảm hẳn. Tôi nghiện thuốc lâu năm, bệnh tật hành hạ và ảnh hưởng người thân. Thật tình tôi khuyên những người đang hút thuốc thì nên bỏ sớm để không phải hối hận về sau”.
Bác sỹ Ngô Xuân Lam trao đổi với phóng viên về các vấn đề liên quan
Chủ nhiệm CLB - bác sỹ Ngô Xuân Lam cũng khuyến cáo những bệnh nhân mắc các bệnh về phổi phải dứt bỏ hẳn thuốc lá; người bình thường cũng nên bỏ thuốc lá sớm bởi đây không chỉ là nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà còn gây ra nhiều căn bệnh đáng sợ với nguy cơ tử vong cao khác.
Theo nghiên cứu, 90% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tiền sử hút thuốc lá. Khả năng bị tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở những người nghiện thuốc lá nặng so với những người không hút thuốc là gấp 30 lần. Hút xì-gà, thuốc lào… và ngay cả những người đã ngưng hút thuốc lá cũng có vẫn có thể mắc bệnh và khả năng bị tử vong do bệnh cao hơn so với người không hút thuốc. Hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng 5 triệu trường hợp tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Cứ 2 người hút thuốc lá thì sẽ có 1 người chết vì những bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó 50% chết ở tuổi trung niên và giảm đi 20 năm tuổi thọ. |