Những bức ảnh này được chụp tại bãi biển ở Accra, thủ đô Ghana. Thoạt nhìn, bức ảnh giống đang chụp một bãi rác hơn là bãi biển. Những núi rác bẩn thỉu này là kết quả của mô hình thời trang nhanh. Chỉ sau thời gian ngắn được sử dụng, người ta đã vứt bỏ chúng vì giá thành rẻ và lỗi mốt.
Ghana là nước nhập khẩu quần áo cũ lớn thứ ba thế giới. Thị trường hàng may mặc đã qua sử dụng rất “thịnh” ở quốc gia này. Điều đó buộc những người kinh doanh phải nhập liên tục hàng để cạnh tranh. Đa số quần áo cũ ở Ghana đến từ Anh và Mỹ. Các đại lý địa phương nhập hàng rồi bán lại cho những quầy hàng ở chợ.
Tuy nhiên, việc buôn bán đồ cũ kiểu này lại không tạo ra một vòng tuần hoàn. Ghana giống điểm cuối của chu trình. Sau khi người dân Ghana tận dụng lại quần áo cũ, họ vứt bỏ chúng ra những “bãi rác công cộng” thế này. Mỗi năm, Ghana phải nhận thêm hàng trăm triệu bộ đồ đã qua sử dụng bị vứt đi.
“Tôi thất vọng khi nhìn thấy những cảnh này dù trước khi tới đây, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho những gì mình sắp chứng kiến”, nhiếp ảnh gia này chia sẻ.
“Obroni W”awu" (tạm dịch: quần áo của người da trắng đã chết) là cách người dân nơi đây gọi những mặt hàng này. Không ít trong số này được những người phương Tây tặng lại. Họ hy vọng người Ghana có thể tìm thấy một số bộ đồ chất lượng tốt để tái sử dụng hoặc bán lại. Tuy nhiên, những thứ không thể bán lại hoặc vô giá trị đều bị đổ trên bờ sông Odaw. Thiện chí của người phương Tây gián tiếp tạo nên sự ô nhiễm tại Ghana.
Thực tế, 40% mặt hàng cũ từ phương Tây đến Ghana trong tình trạng không sử dụng được. Các mặt hàng thời trang nhanh được sản xuất “thần tốc” để phục vụ những xu hướng mới. Điều này đồng nghĩa chất lượng không được đảm bảo. Tuổi thọ của quần áo vì thế cũng rất ngắn.