Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

(Baohatinh.vn) - 90 năm từ khi Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập, công tác tư tưởng luôn được xem như một bộ phận trọng yếu, một vũ khí sắc bén không thể thay thế trong công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn đã chứng minh, chính việc quan tâm, dồn sức xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị thực sự đã tạo nền tảng, sức mạnh đoàn kết, phát huy được trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của toàn dân để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh qua các thời kỳ.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Vào cuối tháng 3/1930, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng khởi đầu một tiến trình lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, là kết quả tất yếu của việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Công tác tư tưởng, cụ thể là công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng đã đóng vai trò quan trọng xúc tiến sự ra đời của Đảng bộ tỉnh và các tổ chức cộng sản ở cơ sở.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Bến đò Thượng Trụ (Thiên Lộc - Can Lộc) - nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thu Hà

Với phương châm công tác tư tưởng luôn đi trước, đi đầu và song hành với các nhiệm vụ cách mạng, sau khi Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, công tác tuyên truyền, vận động cách mạng được Đảng bộ chú trọng về mọi mặt, nhất là việc tổ chức lực lượng và hình thức hoạt động.

Đặc biệt, trong những năm 1930 - 1931, công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ đã được tổ chức với nhiều hình thức phong phú; một số tờ báo của các cấp ủy Đảng ra đời, phát hành khá rộng rãi như: Bước tới của Tỉnh ủy, Tự cứu của Huyện ủy Can Lộc, Tiếng gọi của huyện Thạch Hà, Cổ động của Đức Thọ, Bước tới của huyện Cẩm Xuyên...

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930-1931.

Truyền đơn, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở những nơi trung tâm, điểm họp chợ đông người qua lại… Nội dung các truyền đơn chủ yếu tố cáo thực dân Pháp và tay sai áp bức, bóc lột nhân dân, kêu gọi “dân cày, thợ thuyền liên hiệp lại đánh đổ đế quốc, phong kiến”. Công tác tuyên truyền, cổ động đóng vai trò tích cực trong việc phổ biến đường lối cách mạng của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh trong quần chúng, phát động nhân dân vùng dậy làm nên cao trào cách mạng rộng lớn chống đế quốc, phong kiến, mà đỉnh cao là sự ra đời 170 làng Xô viết – mô hình chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, công tác tư tưởng thời kỳ này cũng bị tác động lớn bởi một số sai lầm, khuyết điểm trong chỉnh đốn tổ chức, “đã quá nặng về chủ nghĩa thành phần, đề ra chủ trương thanh đảng, thanh hội”; “chuyển một số cốt cán thuộc thành phần trí, phú, địa, hào sang phụ trách công tác khác, không giữ chức vụ hoặc cho ra khỏi Đảng”. Vì vậy, bài học cần rút ra là công tác tư tưởng phải thực sự nhuần nhuyễn, nhạy bén và dự báo đúng tình hình để tránh hiện tượng tả khuynh, nhất là tính manh động, tự phát của nông dân trong những ngày đầu hồ hởi theo cách mạng, hoặc tránh sự máy móc, đề cao thành phần và lập trường giai cấp công nhân trong một số đảng viên chủ chốt…

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc).

Giai đoạn sau Xô viết Nghệ Tĩnh đến năm 1945, mặc dù Đảng bộ Hà Tĩnh ở vào tình thế hết sức khó khăn do sự đàn áp, khủng bố khốc liệt của kẻ thù, nhưng công tác tuyên truyền, vận động tham gia Mặt trận Việt Minh các cấp vẫn được những cán bộ, đảng viên còn lại kiên trì thực hiện, đấu tranh có hiệu quả chống lại những hoạt động mị dân, chia rẽ, lôi kéo quần chúng của tổ chức thân Nhật…

Đến tháng 8 - 1945, hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng của Mặt trận Việt Minh các cấp (do đảng viên cộng sản làm nòng cốt) đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền mau lẹ, trọn vẹn về tay nhân dân. Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, trong đó huyện Can Lộc giành chính quyền đầu tiên, ngày 16/8/1945 với lực lượng và phương pháp hết sức sáng tạo.

Sau Cách mạng tháng Tám, đội ngũ cán bộ và các binh chủng công tác tư tưởng của Đảng được củng cố và phát triển hơn (Đội Tuyên truyền xung phong thành lập năm 1945; Ban Tuyên truyền - Cổ động, Ban Huấn học và Ban Tuyên huấn thành lập 7/1952…). Công tác tư tưởng của Đảng bộ diễn ra sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới, cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954).

Trong 10 năm hòa bình (1954 - 1964), bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tổn thất, mất mát, xáo trộn lớn do những sai lầm, khuyết điểm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức cuối năm 1955 đầu năm 1956. Trước tình hình đó, công tác tư tưởng của Đảng bộ đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tư tưởng, củng cố, thắt chặt mối đoàn kết trong Đảng và chính quyền, động viên nhân dân hăng hái đẩy mạnh công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa sai; tuyên truyền, thuyết phục, vận động quần chúng nhân dân hăng hái tham gia phong trào hợp tác hóa, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của CNXH trong những năm 1958 - 1964.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Làng K130 - nay là thôn Hạ Lội (thị trấn Can Lộc) - trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”, người dân đã tự nguyện dỡ bỏ 130 ngôi nhà lấy gỗ lát đường cho xe ra tiền tuyến. Ảnh: Huy Tùng

Giai đoạn 10 năm trực tiếp tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1965 - 1975), trước muôn vàn thử thách, hy sinh, Đảng bộ tỉnh càng coi trọng và tăng cường công tác tư tưởng. Thành quả lớn nhất của thời kỳ này là tạo được sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ về chính trị và tinh thần trong toàn Đảng bộ, phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của quê hương và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu kiên cường, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, xây dựng tiềm lực của hậu phương, bảo đảm mạch máu giao thông vận tải thông suốt, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một cõi.

Nhiều khẩu hiệu tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị được ra đời từ thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước ở Hà Tĩnh như: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, "Địch phá một ta làm mười", "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Di tích lịch sử Núi Nài gắn với những chiến công trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, ngoài phát huy lợi thế của công tác tuyên truyền miệng và cổ động trực quan, thời kỳ này còn ra đời, phát triển mạnh mẽ các phương tiện tuyên truyền hữu hiệu như đoàn nghệ thuật (thành lập năm 1959), báo chí (Báo Hà Tĩnh ra số đầu tiên vào ngày Quốc khánh 2/9/1962), hệ thống truyền thanh, phát thanh, các tác phẩm văn học - nghệ thuật.

Hội Văn nghệ tỉnh chính thức thành lập năm 1969 nhưng trước đó, hàng loạt tác phẩm thơ ca, hò vè, ca khúc, truyện ngắn… đã xuất hiện, được lưu truyền, biểu diễn, góp phần đắc lực cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, kích động lòng căm thù quân giặc, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Với phương châm “tiếng hát át tiếng bom”, những lời ca, tiếng hát, trang thơ đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn cỗ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Đồng chí Trương Kiện - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh tuyên bố khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ vào sáng 26/3/1976. Ảnh: Tư liệu.

Trong 15 năm (1976-1991­), Đảng bộ Nghệ Tĩnh đã vượt qua những khó khăn, đạt nhiều thành tựu trong công tác tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh.

Từ năm 1991 đến nay, đặc biệt là những năm đầu mới tái lập, trong bối cảnh hết sức khó khăn của một tỉnh nghèo và những biến động, phức tạp của tình hình quốc tế, trong nước (sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu), công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh đứng trước rất nhiều thách thức.

Dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ, ngành Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giữ vững định hướng chính trị, cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Một góc TP Hà Tĩnh năm 1979. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ

Kết quả nổi bật của các phong trào xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn trên địa bàn, ổn định tình hình sau sự cố môi trường biển, phòng chống đại dịch Covid-19… đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư tưởng.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Thứ nhất, luôn kiên định mục tiêu, quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị qua từng thời kỳ, từng nhiệm vụ cách mạng. Công tác tư tưởng phải luôn chủ động, đi đầu, tuyệt đối trung thành với nguyên tắc nền tảng, đồng thời phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, sắc bén phù hợp với thực tiễn, tránh áp đặt, duy ý chí, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân cùng hướng về mục tiêu chung.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên giáo của Đảng bộ, thực hiện phương châm cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng, trước hết là bí thư cấp ủy và người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Luôn gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn...

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo tinh thần “Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” và “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Hồ Chí Minh).

Xác định công tác tư tưởng phải góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh, nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm, bảo vệ lẽ phải, lên án, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Ảnh: Phúc Quang

Thứ ba, luôn phát huy và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác tư tưởng qua các giai đoạn cách mạng; quan tâm đúc rút những cách làm hay, kinh nghiệm quý, đồng thời cũng thẳng thắn, nghiêm túc phân tích, nhìn nhận rõ những sai lầm, khuyết điểm để khắc phục. Sau mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện lớn cần có sự tổng kết khách quan về công tác tư tưởng để rút ra được những bài học quý, tránh lặp lại sai lầm, chủ quan.

Quán triệt sâu sắc phương châm “công tác tư tưởng phải đi trước, đi đầu và hướng mạnh về cơ sở”. Chủ động, nhanh nhạy, kịp thời và sáng tạo trong công tác chỉ đạo, tham mưu về lĩnh vực chính trị tư tưởng, nhất là trong việc nắm thông tin, dự báo tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội để định hướng đúng và kịp thời, phù hợp, giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Thừa ủy quyền chủ tịch nước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Xuyên dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo. Ảnh: Phan Trâm

Thường xuyên coi trọng và phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Đội ngũ báo cáo viên cơ sở ở Hà Tĩnh đang ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm, trở thành nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân. Ảnh: Thu Hà

Thứ tư, công tác tư tưởng phải gắn chặt với thực tiễn cuộc sống, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Phải nâng cao tính tư tưởng, tính khoa học, tính chiến đấu và công khai, dân chủ; đồng thời chủ động đấu tranh với những nhân tố lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện tốt phương châm giữa “xây” và “chống”, biểu dương và phê bình, lấy “xây” và biểu dương là chính; đề phòng khuynh hướng quá “tả” hoặc quá “hữu” trong công tác tư tưởng.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành trong khối Tư tưởng - Văn hóa, Khoa giáo… nhằm tạo hiệu quả, chất lượng công tác tuyên giáo cả về chiều rộng và chiều sâu, cả trong Đảng và ngoài xã hội. Đặc biệt, phải phát huy sức lan toả của việc tổ chức đúng tầm các sự kiện chính trị, lịch sử - văn hoá, thế mạnh của các tác phẩm văn học - nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật diễn xướng, nhất là dân ca ví, giặm, hò vè dân gian, sân khấu hóa…; đây là bài học thành công của Đảng ta trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, trong phong trào xây dựng nông thôn mới…

Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Tĩnh qua hành trình lịch sử 90 năm

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giấy khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong tham gia cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”. Ảnh: Đình Nhất

Thứ sáu, luôn chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp đảm bảo về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu nhiều lĩnh vực, có nhiệt huyết, khát vọng, thường xuyên cập nhật tri thức, rèn luyện kỹ năng nắm vững chủ trương, nói - viết thuyết phục. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chế độ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Như V.I. Lênin từng nói, thống nhất về tư tưởng là cơ sở của mọi sự thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng. Thực tiễn cách mạng 90 năm qua trên địa bàn Hà Tĩnh thực sự là những minh chứng hùng hồn, tạo nền tảng, kinh nghiệm và động lực cho những người làm công tư tưởng tiếp tục vươn lên trong thời kỳ mới.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chủ đề 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO

Đọc thêm

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.