Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa thay mặt Tiểu ban Truyền thông - BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch ký ban hành Kế hoạch tuần truyền thông phòng, chống dịch với thông điệp “Hoàn thành mục tiêu tiêm chủng 2021 và triển khai mũi tiêm tăng cường, cảnh giác trước nguy cơ dịch gia tăng trong dịp lễ, Tết” (từ 22/12 đến ngày 31/12/2021).
Test nhanh để sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng.
Theo đó, đối với Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19): chủ động cung cấp thông tin và yêu cầu các địa phương có liên quan cung cấp thông tin về tiến độ tiêm chủng và kế hoạch triển khai mũi tiêm tăng cường đúng đối tượng, trong đó có thông tin cập nhật về tình hình sử dụng các lô vắc-xin Pfizer đã được Bộ thông báo gia hạn.
Khi ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương về công tác phòng, chống dịch, nếu thấy vẫn vướng mắc trong triển khai hoặc trong công tác truyền thông, vận động, Bộ Y tế kịp thời phối hợp với Tiểu ban truyền thông để làm rõ các vấn đề khúc mắc và tổ chức cung cấp thông tin, giải đáp thoả đáng, tránh tạo tâm lý ức chế rằng mọi trách nhiệm đều thuộc địa phương.
Chủ động cung cấp thông tin về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết phù hợp với diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron; cung cấp kịp thời thông tin về các địa phương nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, trong thời gian chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch; thông tin về việc cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C), đảm bảo cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất; thông tin về hướng dẫn tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở, năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải.
Thông tin và hướng dẫn người dân về thuốc điều trị COVID-19, với các kịch bản khi phải điều trị bệnh nhân tại nhà, không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Đối với các cơ quan báo chí: tăng cường tuyên truyền thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K+ vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; chủ động công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tăng cường thông tin các trường hợp nhập cảnh về thành phố, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron; Truyền đi thông điệp “An toàn trong mùa lễ, Tết là niềm vui cho mọi người”.
Truyền thông thống nhất và có trách nhiệm các quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vắc-xin và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vắc-xin”, hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đã đề ra.
Truyền thông khuyến khích người dân tiêm mũi tăng cường, đặc biệt là người có bệnh nền... Tuyên truyền đề cao trách nhiệm của các địa phương, kịp thời cảnh báo, phản ánh những vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch.
Xung quanh các nội dung về nghiên cứu, sản xuất, quy trình cấp phép, chất lượng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 liên quan vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, đề nghị báo chí tìm hiểu kỹ thông tin do cơ quan có thẩm quyền cung cấp; đưa tin khách quan, có kiểm chứng, không quy kết, suy đoán, suy diễn, chỉ trích thiếu căn cứ; không để ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều tra, xử lý vụ án, cũng như công tác phòng, chống dịch.
Tiếp tục truyền thông chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc các địa phương không được ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nếu trong quá trình thực hiện thấy một số vướng mắc, không phù họp tình hình thực tiễn thì Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương báo cáo ngay BCĐ Quốc gia để xem xét bổ sung, điều chỉnh.
Phản ánh kịp thời (nếu có) việc một số địa phương xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Phản ánh trung thực những đánh giá của người dân, doanh nghiệp và chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp về kết quả triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian qua...
Trong thời gian qua, các địa phương và bộ/ngành đã nghiêm túc tổ chức triển khai đầy đủ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết là cơ sở để các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch trên địa bàn. Nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về dịch COVID-19 và kịch bản ứng phó với đại dịch COVID-19 đã nâng cao rất nhiều so với trước đây. Hiện nay, tình hình nhiều địa phương vẫn ghi nhận sổ ca mắc COVID-19 hàng ngày trong cộng đồng và chưa có dấu hiệu giảm, công tác thu dung, điều trị, đặc biệt là chăm sóc các bệnh nhân nặng vẫn còn nhiều thách thức. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương đánh giá và rút ra các bài học kinh nghiệm, kiến nghị sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP để làm cơ sở tham mưu, điều chỉnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xuất hiện biến chủng Omicron, thời điểm nghỉ Tết dương lịch và Tết âm lịch sắp đến. Do vậy, công tác truyền thông cần được tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ, hành vi cá nhân có thể làm lây lan dịch bệnh. |