Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần sự lên tiếng từ chính người dân

(Baohatinh.vn) - Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, không chỉ cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là nguồn tin báo, sự lên tiếng từ chính người dân.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh tiếp nhận mẫu bánh kẹo không đủ trọng lượng như trên bao bì ghi.

Tháng 6/2022, bà Nguyễn Thị Thân và ông Nguyễn Viết Tịnh (thị trấn Nghèn, Can Lộc) đã gửi đơn khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phản ánh việc bánh kẹo không đủ trọng lượng như thông tin trên bao bì ghi. Tiếp nhận phản ánh, hội đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường – Chất lượng kiểm tra khối lượng tịnh thực tế so với trên nhãn hàng hóa và kết quả là các mẫu bánh đều thiếu trọng lượng. Sau đó, hội đã gửi kết quả đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Trong năm qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng đã tiếp nhận nhiều phản ánh, khiếu nại với các nội dung như: mua máy rửa xe ô tô chất lượng không đúng như trong quảng cáo, bảo hành; mua hàng online bị giao hàng giả, hàng kém chất lượng, thông tin địa chỉ nơi cung cấp hàng hóa không chính xác; áp giá điện chưa đúng quy định; hủy chuyến bay của đoàn khách đi du lịch nhưng không thanh toán tiền kịp thời...

Theo ông Trần Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, năm 2022, hội đã tiếp nhận và tư vấn, hỗ trợ, giải quyết 128 vụ việc phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại, zalo, email giải quyết hòa giải thành cho 105 vụ và tiếp nhận, giải quyết trực tiếp cho 13 vụ việc.

Lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, kỹ năng tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đình Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết: “Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các đợt cao điểm như lễ, tết, mùa du lịch. Trung bình mỗi năm, đơn vị xử phạt trên 1.000 vụ vi phạm. Cùng đó, thực hiện ký cam kết với các cơ sở kinh doanh tuân thủ pháp luật và đăng tải đường dây nóng để người dân phản ánh, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng”.

Huyện Cẩm Xuyên treo băng rôn tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực chợ Hội.

Thời điểm này, nhằm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đang thực hiện đợt cao điểm treo băng rôn, phát tờ rơi và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về quyền lợi của người tiêu dùng, các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Ông Lê Minh Thông – Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Cùng cả nước hướng đến Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, địa phương đã tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu với các thông điệp như: “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội”... ở khu vực chợ truyền thống, trước trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Cùng đó, tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến luật và các nghị định về quyền của người tiêu dùng tới người dân”.

Chị Nguyễn Thị Hải (áo tím) nghe hướng dẫn cách chọn lựa hàng hóa và thông tin về quyền lợi của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Hải (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) bày tỏ: “Hiện nay, sản phẩm hàng hóa rất đa dạng, phong phú, chúng tôi có nhiều lựa chọn nhưng cũng có nhiều rủi ro, nhất là đối với mua sắm online. Qua hoạt động tuyên truyền của cơ quan chức năng, chúng tôi được trang bị kiến thức về cách lựa chọn sản phẩm, hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong tiêu dùng hàng hóa, sử dụng dịch vụ”.

Theo đánh giá của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa thực sự quan tâm, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình. Nhiều trường hợp khi nghi ngờ, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về kinh doanh nhưng vì ngại va chạm, sợ mất thời gian mà “nhắm mắt cho qua”. Điều này không chỉ làm mất đi quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần “tiếp tay” cho hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi gian lận thương mại.

Người tiêu dùng cần xem kỹ thông tin trước khi mua hàng hóa để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

“Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho kinh tế phát triển. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và mạnh dạn phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi gian lận thương mại hay khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm” - ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh nhấn mạnh.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói