Bé 3 tuổi tìm thấy báu vật 3.800 năm

Bé gái 3 tuổi nhặt được báu vật là miếng bùa hình con bọ hung trong lúc đi chơi cùng gia đình ở một khu khảo cổ.

Cơ quan Cổ vật Israel hôm 1/4 cho biết bé gái ba tuổi Ziv Nitzan đã phát hiện miếng bùa hình con bọ hung, được cho là của cộng đồng người Canaan sống cách đây 3.800 năm, trong lúc thăm địa điểm khảo cổ Tel Azekah, cách Tel Aviv khoảng 80 km về phía đông nam.

Miếng bùa sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm đặc biệt do Cơ quan Cổ vật Israel tổ chức vào giữa tháng 4.

Miếng bùa hình bọ hung được bé Ziv Nitzan phát hiện ở địa điểm khảo cổ Tel Azekah hồi đầu tháng 3. Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel
Miếng bùa hình bọ hung được bé Ziv Nitzan phát hiện ở địa điểm khảo cổ Tel Azekah hồi đầu tháng 3. Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel

Omer Nitzan, chị gái của Ziv, cho biết cô bé nhặt được miếng bùa này khi đi chơi cùng gia đình hồi đầu tháng 3. "Bọn cháu đang đi dọc đường thì Ziv cúi xuống. Trong tất cả những viên đá xung quanh, em ấy nhặt lên viên đặc biệt này. Sau khi Ziv lau sạch cát bám, bọn cháu thấy có điều gì đó khác lạ", Omer nhớ lại.

Gia đình sau đó thông báo cho cơ quan quản lý cổ vật. Địa điểm khảo cổ Tel Azekah là ngọn đồi được hình thành từ những khu định cư được xây chồng lên nhau theo thời gian và từng được nhắc đến trong Kinh thánh.

Daphna Ben-Tor, người phụ trách khảo cổ học Ai Cập tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem và chuyên nghiên cứu bùa hộ mệnh, nhận định miếng bùa bọ hung này có nguồn gốc từ thời đại đồ đồng giữa, kéo dài từ khoảng năm 2100 đến 1600 trước Công nguyên.

Thời đại này chứng kiến sự trỗi dậy của nền văn hóa Canaan thịnh vượng ở Levant, được cho là bao gồm các khu vực của Syria và Lebanon hiện nay, giáp với Địa Trung Hải. Người Canaan là nhóm dân tộc Semit đầu tiên sống ở khu vực này.

Theo Cơ quan Cổ vật Israel, những bùa hộ mệnh hình bọ hung có thể bắt nguồn từ Ai Cập cổ đại, nơi bọ hung được coi là linh thiêng, biểu tượng của sự sống mới hoặc thậm chí là của thần.

"Bọ hung được sử dụng trong thời kỳ này như con dấu và bùa hộ mệnh. Chúng được tìm thấy trong các ngôi nhà và mộ. Đôi khi chúng mang các biểu tượng và thông điệp phản ánh tín ngưỡng tôn giáo hoặc địa vị", Ben-Tor cho hay.

Bé gái Ziv Nitzan (giữa) cùng các chị gái và chuyên gia khảo cổ Israel. Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel
Bé gái Ziv Nitzan (giữa) cùng các chị gái và chuyên gia khảo cổ Israel. Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel

Các nhà khảo cổ học cho biết nhiều hiện vật từng được tìm thấy ở Tel Azekah, như tường thành, công trình nông nghiệp của vương quốc Judah tồn tại trong thời đại đồ sắt.

"Bùa bọ hung mà Ziv tìm thấy nằm trong danh sách cổ vật của người Ai Cập và người Canaan được phát hiện tại đây, chứng thực mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng văn hóa giữa Canaan và Ai Cập", giáo sư Oded Lipschits thuộc Đại học Tel Aviv, người từng dẫn đầu cuộc khai quật tại địa điểm này, cho hay.

vnexpress.net

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Gió vẫn thổi. Trái dầu vẫn rơi từ thinh không, xoay tròn hai cánh chạm đất. Trái dầu có hai cánh nhưng gắn liền cùng một bầu. Hồi đó, trận đánh cuối trước giờ giải phóng cũng là mùa dầu bay ngợp trời đất này.
Tự do hay thiếu văn hóa?

Tự do hay thiếu văn hóa?

Những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn, cần bị lên án và tẩy chay.
Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.