Các bệnh thường gặp khi thời tiết lạnh
Do thời tiết mùa đông có tính hàn mà táo (lạnh, khô) nên dễ mắc các chứng bệnh sau:
Bệnh ở cơ quan hô hấp
Hệ hô hấp thuộc tạng Phế của y học cổ truyền. Phế được gọi là “Kiều tạng” tức là tạng rất dễ bị tổn thương. Khi tiếp xúc với không khí khô lạnh dễ gây nên tình trạng dị ứng như: Ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm đường hô hấp . Vì vậy, về mùa đông cần mặc ấm, giữ kín cổ, nhà ở tránh gió lùa. Người già yếu và trẻ em hạn chế đi ra ngoài khi trời lạnh giá. Trong nhà có thể xông hơi nhẹ nhàng bằng tinh dầu thơm hay đốt một quả bồ kết hoặc vỏ bưởi khô.
Bệnh ở hệ tuần hoàn
Hệ tuần hoàn thuộc tạng Tâm, quy về hành Hỏa. Mùa đông thuộc hành Thủy. Thủy vốn khắc hỏa, vì vậy về mùa này các bệnh thuộc hệ tuần hoàn như: Tăng huyết áp, suy tim, tâm phế mạn ... có xu hướng nặng lên. Tiết trời lại lạnh giá làm co mạch máu ngoại biên dễ gây tai biến mạch máu não. Để phòng bệnh cần giữ ấm, đặc biệt với những người mắc bệnh tim mạch không đi ra ngoài vào ban đêm và tránh bị gió lùa.
Tăng huyết áp, suy tim, tâm phế mạn dễ gặp trong mùa đông
Bệnh ở cơ quan tiêu hóa
Mùa đông trời lạnh ăn ngon miệng và hay ăn nhiều. Các bệnh về dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa , tiêu chảy do virus... có xu hướng hay gặp. Để phòng bệnh cần ăn uống hợp vệ sinh, ăn khi vừa nấu xong còn nóng ấm. Không ăn thức ăn sống lạnh. Người già không nên ăn quá no, sau khi ăn có thể nằm nghỉ để trợ giúp tiêu hóa.
Phòng bệnh mùa lạnh như thế nào?
1. Mùa đông nên chú ý giữ tinh thần thanh tịnh, không nên khiến tâm trạng kích động mạnh như tức giận hoặc đau buồn. Nếp sinh hoạt vào mùa đông nên ngủ sớm dậy muộn. Mùa đông nên chú ý giữ ấm nhiệt độ trong nhà. Trang phục đủ ấm và thoải mái để giúp khí huyết lưu thông.
2. Các loại thuốc dùng vào mùa đông chủ yếu là ôn bổ nguyên dương. Thông thường, miền bắc khí hậu lạnh giá nên dùng các loại thuốc ôn bổ như nhung hươu, long nhãn, hà thủ ô, cẩu tích… Miền nam ấm hơn có thể dùng các loại thuốc ấm, nhuận như nhân sâm , thục địa, tang kí sinh, thục địa...
3. Ăn uống trong mùa đông, nên ăn thức ăn nóng sốt, thức ăn bổ ôn ấm tỳ vị, ôn bổ dương khí. Tuy nhiên thể chất của mỗi người khác nhau, âm dương suy thịnh, hàn nhiệt hư thực khác biệt khá lớn, vì vậy cũng phải tuỳ vào mỗi người mà điều chỉnh cho phù hợp.
Trong mùa đông, người âm hư nên sử dụng thực phẩm bổ âm như vừng, cơm nếp, mật ong, chế phẩm sữa, rau xanh, hoa quả, các loại cá.
Người dương hư nên ăn nhiều thực phẩm bổ dương như hẹ, thịt chó.
Người khí hư nên ăn nhiều thực phẩm bổ khí như nhân sâm, hạt sen, củ mài, táo.
Người huyết hư nên ăn nhiều vải, mộc nhĩ đen, ba ba, gan dê.
Người dương thịnh nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, mướp đắng, kiêng các loại đồ ăn cay nhiệt như thịt bò, dê, chó và rượu;
Người bị tắc mạch máu nên ăn nhiều đào nhân, cải dầu, đậu đen.
Người bị đờm ăn nhiều củ cải, rau tảo, sứa, hành tây, đậu cô ve, ngân hạnh.
Người khí uất nên ít uống rượu, ăn nhiều phật thủ, cam, vỏ cam, kiều mạch, hồi hương.
Ăn uống cũng nên điều chỉnh theo những người có nghề nghiệp khác nhau. Người lao động trí óc nên ăn những thực phẩm bổ cho não như hồ đào, vừng, rau kim châm, mật ong, chế phẩm đậu, nhân quả thông, hạt dẻ.
Vị thuốc đương quy phối hợp với những vị thuốc khác bồi bổ sức khỏe
Món ăn bài thuốc bồi bổ sức khỏe trong mùa đông
Bài 1: Gà trống 1 con, gừng tươi, rượu trắng, gia vị vừa đủ, hầm nhừ. Tác dụng bồi bổ ngũ tạng, rất thích hợp với những người có thể chất dương hư.
Bài 2: Chim bồ câu 1 con, ba kích 20g, hoài sơn 15g, kỷ tử 20 g, gia vị vừa đủ, tất cả cho vào nồi hầm nhừ, mỗi tuần ăn 1 - 2 lần. Tác dụng ôn bổ thận dương, ôn ấm tỳ vị (những người có thể chất nóng trong không nên dùng).
Bài 3: Nhân sâm 10g, hoàng kỳ 20g, hạt tiêu 2g, đinh hương 2g, nước xương 500- 800ml, đun chín nhúng các loại thịt (thịt dê, thịt gà, thịt lợn nạc, tôm nõn...) ăn cùng rau thơm, ngồng cải, măng xé... Tác dụng bổ khí ôn dương, bồi bổ sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng, chống rét.
Bài 4 : Ngân nhĩ 20g, kỷ tử 30g, hai thứ hầm mềm thêm chút đường phèn, ăn nóng. Có tác dụng bồi bổ can thận, hoạt huyết thông khí, dưỡng âm sinh tân, đặc biệt thích hợp với những người mắc các bệnh đường hô hấp, da khô nứt nẻ.
Bài 5: Dâm dương hoắc 200 g, tiên mao 80g, nhục thung dung 80g, đương quy 160g, hoàng bá 40g, tri mẫu 40g.
Đem tất cả các vị ngâm với 500 ml rượu, nấu khoảng một giờ rồi chôn xuống đất 3 ngày 3 đêm, để tiếp 7 ngày, vớt thuốc ra, phơi khô nghiền thành bột, hoàn viên hoàn bằng hạt đâụ đen, rượu và thuốc uống cùng lúc, mỗi ngày 5 - 10 viên.
Công dụng bổ thận sinh tinh, trợ dương bổ âm.