Chiều 16/9, tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) diễn ra lễ dâng sách “Còn có ai người khóc Tố Như” của Nhà văn Võ Bá Cường. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành 2 tỉnh Thái Bình và Hà Tĩnh tham dự. |
Các đại biểu dâng hưởng tưởng nhớ Đại thi hào Nguyễn Du
Trước phần mộ Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà văn Võ Bá Cường đã dâng cáo cuốn tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như”, thể hiện tâm nguyện của mình trước khi ra mắt công chúng. Cuốn tiểu thuyết dự kiến xuất bản vào cuối tháng 9/2203.
Tiếp đó, Nhà văn Võ Bá Cường đã giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành ý tưởng, chắt lọc tư liệu để hoàn thành cuốn tiểu thuyết.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trao đổi với Nhà văn Võ Bá Cường và lãnh đạo các sở, ngành.
Tác phẩm “Còn có ai người khóc Tố Như” gồm 2 phần, 16 chương, khắc họa chân dung Đại thi hào Nguyễn Du ở giai đoạn về Thái Bình lấy vợ và tạm trú tại đây.
Khi đó, đất nước vừa dứt loạn Trịnh - Nguyễn phân tranh thì lại xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Tây Sơn với Gia Long.
Cuốn tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như” thuộc thể loại ký pha với văn tùy bút, hành văn phóng túng, hào sảng. Ngôn ngữ được cân đo, lựa chọn kỹ càng về phong tư cốt cách phẩm hạnh con người, phẩm tính thời đại rồi mới tiến tới luận về tư tưởng, tinh thần kẻ sĩ trước thời cuộc.
Khi đọc “Còn có ai người khóc Tố Như” sẽ gặp những trường đoạn giàu suy ngẫm về sự đời, lẽ thời của người nông phu, bậc sỹ phu trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Sau lễ dâng sách, Nhà văn Võ Bá Cường đã trao tặng Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cuốn tiểu thuyết "Còn có ai người khóc Tố Như”.
Nhà văn Võ Bá Cường trao tặng cuốn tiểu thuyết cho Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cảm ơn tấm lòng và tâm huyết của Nhà văn Võ Bá Cường - một người con Thái Bình - khi đã dâng tặng cho làng văn học nước nhà thêm một tác phẩm về Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới.
Nhà văn Võ Bá Cường sinh năm 1940, tại TP Thái Bình. Trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, ông từng làm khá nhiều nghề - từ anh lơ xe đến cán bộ địa chất; cuộc đời trải qua không ít biến cố. Sau này, ông đi học sư phạm, năm 1957 thì ra đảo dạy học và viết văn, viết báo. Đến năm 1967, ông về công tác ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Phả (nay là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Năm 1971, ông về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình và đến năm 1997 thì nghỉ hưu. Ông đã có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng trong người đọc như các tiểu thuyết: “Ở làng lắm chuyện”, “Trở mặt”, “Người đánh thức cánh đồng”, “Ông tướng miền Tây”, “Gió Thượng Phùng”... |