Ofer Shmuelfeld đẩy chiếc thuyền kayak của mình lên bờ một con lạch nhỏ. Những người khác trong nhóm do anh dẫn đoàn cũng thế, và họ nhìn xung quanh. Trong bùn của một lòng chảo nông và nhỏ, những khối lập phương trong như thủy tinh lấp lánh dưới ánh nắng. Không khí tràn ngập mùi lưu huỳnh và sự yên tĩnh.
Các khối lập phương đó là sodium chloride - muối ăn. Còn bùn là rong biển và các vật chất hữu cơ thối rữa, lắng đọng sau hàng trăm năm. Bức tường lởm chởm của con lạch trên thực tế là thành của một hố sụt, một mảng đã sụp xuống và nối vào Biển Chết.
Tường hố là những lớp xen kẽ giữa trầm tích màu trắng và bùn màu nâu xám. Shmuelfeld gọi chúng là “Bánh phô mai kẹp bánh quy”, một món ăn của Israeli gồm kem ngọt xen giữa các lớp bánh quy.
Những người chèo thuyền kayak ghé thăm một hố sụt bên bờ Biển Chết. Ảnh: AO
Hố sụt tuyệt đẹp như ở thế giới khác này chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy, với thuyền kayak hoặc tàu, do mặt đất xung quanh không an toàn để đi lên. Trên trời, những chiếc máy bay cá nhân đưa du khách đi chụp ảnh hố sụt này và các hố sụt khác từ phía trên.
Trong những năm gần đây, chúng đã trở thành điểm tham quan, nơi tổ chức các workshop chụp ảnh và bữa dã ngoại lãng mạn. Đó là kỷ nguyên du lịch mới ở Biển Chết, hướng đến nhận ra vẻ đẹp ở trong những dấu hiệu của một thảm họa sinh thái.
Những hố sụt từ hoạt động của con người
Trong thập kỷ qua, bờ phía bắc Biển Chết, có biệt danh “Vương quốc Hố sụt”, đã trải qua một cuộc sụp đổ về kinh tế. Những dải đất rộng lớn bị coi là bất ổn, và các đường tiếp cận chúng bị chặn.
Các trang trại, bãi biển, bãi đỗ xe sụp xuống thành hố và bị bỏ rơi, cùng với những doanh nghiệp trị giá hàng triệu shekel. Vài năm trước, vấn đề này đã lan đến Kibbutz Ein Gedi.
Israel và Jordan tận dụng nguồn nước chảy vào Biển Chết, và toàn bộ lưu vực phía nam giờ đã trở thành khu công nghiệp, với loạt ao bốc hơi khổng lồ tạo ra kali cacbonat để sản xuất phân bón và dùng cho mục đích khác. Kết quả, mực nước trong Biển Chết đang giảm với tốc độ hơn 90 cm/năm.
Khi nước lùi dần khỏi bờ biển, tầng đá muối sâu cổ xưa - khoảng 15-60 m dưới bề mặt - tiếp xúc với những dòng nước mưa chưa bão hòa muối. Khi tầng đá này tan ra, bề mặt trở nên bất ổn cho đến khi việc sụp đổ là không thể tránh khỏi.
Các tầng muối lộ ra khi nước cạn dần.
Theo nhà địa chất Eli Raz, vùng Biển Chết đã có khoảng 7.000 hố sụt, và con số này dự kiến tăng gấp đôi trong vài năm.
Tiềm năng du lịch
Các cư dân và nhà khoa học trong khu vực đang đưa ra nhiều sáng kiến để biến thảm họa sinh thái này thành điểm tham quan hút khách. Trong đó, những tour chèo thuyền kayak khám phá hố sụt rất được ưa chuộng.
Shmuelfeld, với kinh nghiệm chèo kayak hơn 25 năm, là một trong những người tiên phong trong hình thái du lịch mới nổi này. Anh bắt đầu dẫn tour từ 6 năm trước, cùng cộng sự là Jacky Ben-Zaken.
“Ban đầu, mỗi tháng chúng tôi có khoảng 2-3 chuyến kayak. Giờ đây, mỗi ngày chúng tôi có hai chuyến” - anh cho biết.
Shmuelfeld từng là trưởng ban xây dựng của các phòng quay truyền hình. Anh nhận định: “Trường quay gồm những thứ không xê dịch. Còn ở đây, tại Biển Chết, bối cảnh luôn thay đổi, liên tục hình thành”.
Các hố sụt ven bờ có vẻ đẹp độc đáo. Ảnh: Tzvika Stein/Bored Panda
Giáo sư Nadav Lensky, Giám đốc Đài quan sát Biển Chết, cho rằng những nỗ lực như của Shmuelfeld có thể dần được đan cài vào “Vương quốc Hố sụt”.
Ông nói: “Việc đánh giá những gì đang làm ở Biển Chết là thảm họa đang là xu hướng, nhưng câu chuyện phức tạp hơn thế. Chúng ta có thể đặt ra giả thuyết rằng trong 20 năm tới, mực nước Biển Chết sẽ giảm thêm 20 m so với mức hiện tại, và trong những thế kỷ tiếp theo, hệ thống sẽ ổn định ở mức khoảng 100 m so với hiện tại”.
Theo ông Lensky, trong những thập kỷ tới, dù có đóng cửa ngành công nghiệp kali cacbonat hay không, và dù có đưa nước vào biển hay không, ta sẽ thấy hoạt động này tiếp diễn, dù ít hay nhiều, và đó là điều con người phải tìm cách chung sống.
“Ta có hai lựa chọn: Gọi đây là khu vực thảm họa, đặt biển và dựng hàng rào, hoặc tuyên bố đây là vùng có hiện tượng địa chất độc đáo, và xây dựng một lưới an toàn để có thể sống chung với chúng” - ông cho biết.
Giáo sư Lensky và các đồng nghiệp mới đây đã xuất bản một báo cáo có tên “Bờ Biển Chết: Từ thách thức thành cơ hội”. Báo cáo viết: “Dù hố sụt là những đặc trưng địa chất hấp dẫn, nguy cơ tiềm ẩn tiềm ẩn từ chúng ngăn cản sự phát triển của du lịch, gây tổn hại cho cơ sở hạ tầng và nền nông nghiệp khu vực”.
Nhiều khu vực không thể tiếp cận và bị ảnh hưởng do các hố sụt. Ảnh: AO
Kết quả là chính phủ Israel đã gọi vùng giữa đường 90 và bờ hồ là khu vực nguy hiểm, và biển chỉ đường cho biết “không có lối vào”. Tuy nhiên, báo cáo đem đến một cách tiếp cận an toàn và hiệu quả hơn, cho phép công chúng đi bộ, khám phá và tận hưởng khung cảnh này để giải trí, du lịch, giáo dục và nghiên cứu.
Báo cáo đề xuất đánh dấu tuyến đường an toàn từ các khu vực đỗ xe ở xa, cũng như giám sát các tuyến đường đó với hệ thống cảnh báo sớm về nguy cơ hình thành hố sụt.
Trên đường về chỗ để thuyền kayak, nhóm của Shmuelfeld gặp các tầng muối, tinh thể, bùn. Ở những hố sụt ướt, nước đục ngầu vì bùn và trầm tích, khác hẳn với làn nước trong vắt của Biển Chết.
“Chúng tôi gọi chúng là bể sụt, chứ không phải hố sụt. Một hố sụt thường làm ta nghĩ đến cảnh mặt đất sụp xuống và nuốt chửng ta vào một hố đen. Bể sụt thì chìm xuống từ từ, theo cách cho phép ta giám sát tốc độ sụt, và biết chỗ nào mặt đất an toàn, và có thể đi qua” - anh nói.
Biển Chết đã mất một phần ba diện tích bề mặt và hơn 30 m độ sâu từ những năm 1960. Những người yêu mến vẻ đẹp, lịch sử và sự huyền bí của nơi này đang tìm cách để mực nước tăng trở lại, bằng cách này hay cách khác.