Chiều 7/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tham gia góp ý về bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”.
Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng - nhà sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” giới thiệu quá trình sản xuất bộ phim
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng - nhà sản xuất, bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” có thời lượng 180 phút, được chia làm 3 phần: Gia thế và tuổi thơ (kể về quãng đời của cụ Nguyễn Du từ năm 6 tuổi, trở về quê cha ở Tiên Điền...); Phong trần và thanh cao (kể về quãng thời gian Nguyễn Du trưởng thành và ra làm quan cũng như giai đoạn ông sáng tác các tác phẩm như Truyện Kiều, Thanh Hiên thi tập...); Những giá trị của Truyện Kiều và những di sản mà Nguyễn Du để lại.
Phần 1 “Gia thế và Tuổi thơ” của bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du”
Hiện nay, bộ phim đã chính thức hoàn thành phần 1, gồm 2 tập (40 phút/tập). Bối cảnh chính bộ phim được thực hiện ở 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Bắc Ninh và Thái Bình.
Một cảnh trong bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du”
Dự kiến, bộ phim sẽ được trình chiếu vào dịp lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, được tổ chức tại Hà Tĩnh vào tháng 9/2020. Sau khi xem phần 1, các đại biểu đều cho rằng, bộ phim được sản xuất công phu, từ xây dựng kịch bản đến quay phim, hình ảnh chất lượng tốt. Tuy nhiên, 2 tập phim vẫn còn ít cảnh quay thể hiện đậm nét tính cách con người và văn hóa Xứ Nghệ.
Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Phan Tấn Linh: Bộ phim còn thiếu cảnh quay cụ Nguyễn Du nghiên cứu sách cổ chữ Hán, bởi thực tế trong thơ Nguyễn Du có nhiều ảnh hưởng của điển cố, điển tích của văn hóa Trung Quốc.
Nhà văn Đức Ban: Đoàn làm phim cần xem lại chi tiết cảnh Nguyễn Du từ quê mẹ trở về quê nội thắp hương bàn thờ dòng họ có nhiều nét hiện đại, không phù hợp với thời xưa.
Chủ tịch Quỹ bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyền Kiều (nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) Hà Văn Thạch: Xuyên suốt bộ phim vẫn còn ít hơi thở của quê hương cụ Nguyễn Du, còn ít hình ảnh núi Hồng, sông La...
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Đối với những phỏng vấn, chạy chữ, cần phải xem xét lại nội dung cho phù hợp và chính xác thời gian lịch sử.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, phần 1 bộ phim đã cơ bản thể hiện được thân thế của Đại thi hào Nguyễn Du. Tuy nhiên, tiết tấu bộ phim quá chậm, một số chi tiết vẫn chưa đúng với hoàn cảnh, bối cảnh, chưa phù hợp với thời gian cách đây hơn 250 năm.
Phát biểu tại buổi góp ý, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đánh giá cao về công tác tổ chức sản xuất phim, nhất là về diễn viên, âm nhạc. Tuy nhiên, phần lớn bối cảnh được thực hiện tại quê mẹ Kinh Bắc, do đó, trong phim cần thể hiện làn điệu dân ca, cốt cách và con người Xứ Nghệ rõ hơn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng cho rằng, bộ phim tài liệu đang có phần lẫn vào thể loại phóng sự. Đạo diễn cần xem lại những đoạn phỏng vấn được sử dụng trong bộ phim cho phù hợp với thể loại phim tài liệu. Bên cạnh đó, một số đoạn lời thoại đạo diễn cần xem lại cho phù hợp với ngữ cảnh.
Thay mặt đoàn làm phim, đạo diễn Nguyễn Văn Đức ghi nhận những góp ý của lãnh đạo tỉnh, các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nội dung phim, hoàn thành bộ phim theo đúng dự kiến.