Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Cán bộ phải có cái tâm ngang cái tầm

Khi thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc đánh giá cán bộ rất quan trọng, “cán bộ phải có cái tâm ngang cái tầm.”

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Cán bộ phải có cái tâm ngang cái tầm

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN trước thềm Xuân mới về công tác cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc đánh giá cán bộ rất quan trọng, “cán bộ phải có cái tâm ngang cái tầm.”

Nhận định trên được Bộ trưởng đưa ra khi thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng đang đến gần.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, năm 2019, toàn ngành đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3.364 tổ chức đảng và 10.232 đảng viên (có 4.938 cấp ủy viên các cấp, chiếm 48,2%).

Từ năm 2016-2019, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng Công an, Quân đội, gồm 23 sỹ quan cấp tướng).

- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hàng loạt cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử. Nhìn vào số tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đặt vấn đề “tại sao số lượng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện? Phải chăng hàng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng đảng viên và tổ chức đảng.” Thưa Bộ trưởng, là Cơ quan “gác gôn” thẩm định, tham mưu cho Chính phủ về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ rút ra được những bài học, kinh nghiệm gì để công tác cán bộ được chặt chẽ, tránh lọt vào bộ máy những cán bộ suy thoái, biến chất?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Công tác cán bộ có thể xem là một trong những nội dung rất quan trọng. Bác Hồ đã nói “cán bộ là cái gốc,” là quyết định tất cả mọi vấn đề, trong công tác cán bộ phải có những quy định rất chặt chẽ, từ việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đến việc đề bạt, bổ nhiệm, nhất là quy trình công tác cán bộ phải làm hết sức chặt chẽ, thận trọng.

Đặc biệt là phải phát hiện ra được cán bộ để đề bạt đúng người. Thời gian qua có tình trạng chúng ta làm đúng quy trình, đúng thủ tục, nhưng khi đã đề bạt, bổ nhiệm thời gian rất ngắn thì cán bộ vi phạm. Rõ ràng làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng chọn không đúng người. Vì vậy, chọn đúng người, nắm bắt được về triển vọng, tương lai phát triển của cán bộ cũng như về đạo đức và năng lực của cán bộ là vấn đề hết sức quan trọng.

Để thực hiện được những vấn đề này, công tác cán bộ phải bám sát, người làm tổ chức phải đi tìm cán bộ chứ không phải để cán bộ đi tìm tổ chức. Đây là vấn đề rút kinh nghiệm trong thời gian qua, đừng để người sắp được đề bạt, bổ nhiệm đi tìm tổ chức để gợi ý cho mình. Người làm tổ chức phải đi tìm người tốt, người tài để giới thiệu cho Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào những vị trí xứng đáng để làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo.

Thứ hai là chúng ta phải thực hiện trên tinh thần hết sức công tâm, khách quan, không chịu tác động từ bất cứ một thế lực, bất cứ một người nào; với nhận xét, đánh giá sâu sắc, lấy ý kiến một cách đồng bộ, thực hiện đúng theo các quy trình và đề bạt, bổ nhiệm trên tinh thần công tâm, không vì lợi ích cá nhân, không vì sự quen biết, không vì việc trao đổi quyền lợi giữa cá nhân với cá nhân. Việc công tâm, khách quan, làm đúng quy trình, tôi nghĩ đây là một kinh nghiệm rất tốt.

Thứ ba là đánh giá cán bộ là phải đánh giá cả một quá trình. Đây là công việc khó nhất trong quy trình cán bộ. Thông thường đánh giá hằng năm, trước diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đã nêu, tỷ lệ đánh giá hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiều quá. Việc đánh giá cán bộ rất quan trọng. Lần này, đánh giá cán bộ phải có sản phẩm, đánh giá đa chiều, đánh giá xuyên suốt chứ không thể lấy một thời điểm, một mốc nào đó.

Để thấy con người đó làm tốt là phải có một quá trình cống hiến và sự tín nhiệm của các cấp, của cấp dưới đối với cấp trên, cấp trên với cấp dưới và phải có những sản phẩm cụ thể. Cán bộ phải có cái tâm ngang cái tầm. Lựa chọn cán bộ trong thời gian tới phải như thế mới có thể lựa chọn được những người có tài, có đức, phục vụ tốt.

- Lựa chọn được cán bộ đã khó, sử dụng cán bộ để họ phát triển tốt còn khó hơn nhiều. Theo Bộ trưởng, để có cán bộ tốt, cần phải đào tạo, bồi dưỡng như thế nào?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một vấn đề không kém phần quan trọng. Không phải chỉ chọn một lần, đã đề bạt, bổ nhiệm rồi, phải tiếp tục theo dõi, đưa đi đào tạo và phân công người giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển, cống hiến.

Tôi nghĩ đây cũng là một trong những bước rất quan trọng. Việc đấu tranh xây dựng nội bộ cũng như góp ý cho cán bộ đừng quá nặng về chuyện thân thích, quen biết. Phải mạnh dạn đấu tranh và chia sẻ những vấn đề đúng, những vấn đề sai để cho cán bộ, công chức thấy được những khuyết điểm. Từ những khuyết điểm nhỏ, khi đã biết mình đã sai rồi, họ phải sửa ngay.

Những khuyết điểm nhỏ mà không được đóng góp, không được sửa sai, dần dần những khuyết điểm nhỏ thành lớn, dẫn đến sai phạm và thậm chí là vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ rằng, vấn đề đóng góp xây dựng nội bộ, phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng để đóng góp xây dựng trên tinh thần đồng chí, đồng đội, để giúp đỡ cùng nhau tiến bộ.

- Trước thềm Đại hội Đảng thường xuất hiện những thông tin thất thiệt liên quan đến công tác nhân sự. Bộ Nội vụ có giải pháp gì trong việc thẩm định, tham mưu cho Chính phủ trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội sắp tới?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Về công tác nhân sự, không phải đến giờ này chúng ta mới chuẩn bị mà công tác cán bộ cũng như công tác quy hoạch cán bộ đã được chuẩn bị nhiều năm. Chủ trương này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các tổ công vụ của Thủ tướng về các địa phương phải kiểm tra công tác cán bộ dứt điểm trong năm 2019.

Vừa rồi, chúng ta phải làm trước chứ không phải chờ tới đại hội mới làm để lựa chọn những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào quy hoạch, cơ cấu chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Tới nay chỉ còn làm bước quy trình để chọn người. Công tác cán bộ không thể nói chỉ làm một ngày, một tháng, một năm mà có được cán bộ tốt.

Từ đây cho đến Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng thời gian không nhiều. Các ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019 đã chỉ rõ những vấn đề, những nhiệm vụ cần phải làm trong thời gian sắp tới. Tôi mong rằng với một tinh thần xây dựng Đảng tích cực, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta cần quyết tâm chính trị cao để làm tốt công tác cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân sự Đại hội Đảng.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).