Cảm nhận nền kinh tế trên đường hội nhập

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng, với sự nỗ lực của cả hệ thống, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao 6,7%.

Tạo nên những con số thống kê tích cực và đầy triển vọng đó, người ta có thể dễ dàng nhận thấy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, mạch máu của nền kinh tế, những người đang từng ngày, từng giờ tạo ra của cải vật chất, tạo nên sự tăng trưởng bằng những cách làm mới và tư duy mới.

Chân dung người nông dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi những năm trở lại đây. Vẫn những con người ấy, hồn hậu và chất phác, nhưng họ đã không còn đứng một mình trong những hộ sản xuất nông nghiệp cá thể.

Nếu gọi một cách chân thực nhất, ông Trịnh Văn Hưng là người nuôi lợn. Nhưng không phải một vài chục con như những ngày trước, trong tay ông có tới 4.800 con lợn. Và xung quanh ông, lúc nào cũng có 10 công nhân, 1 kỹ sư thú y và 2 kỹ thuật viên. Ông trực tiếp trả lương cho họ và cho họ tiền thưởng Tết. Bản thân lại làm việc cho 1 công ty khác với tư cách là đầu mối cung cấp. Công ty này lo cho ông toàn bộ, từ lợn giống, thức ăn, thuốc men, cho đến đầu ra cho thịt lợn.

Ông Trịnh Văn Hưng, Chủ hộ chăn nuôi lợn Ba Vì (Hà Nội) cho biết: “Mình kém thì phải liên doanh liên kết, làm một mình thất bại ngay...”

Cùng thời điểm đó, ông chủ thực sự của toàn bộ hệ thống chăn nuôi lợn này đang ngồi tại 1 khách sạn lớn tại thủ đô Hà Nội. Hàng ngày, ông nhận tin thị trường nông sản thế giới của Dow Jones qua điện thoại di động. Ông lạc quan về tình hình kinh doanh vì Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tại Thụy Sĩ vừa nhận định: Giá thực phẩm thế giới đã tăng và sẽ còn tiếp tục tăng.

Ông Lê Quang Thành, TGD Công ty Thái Dương: “Làm nông nghiệp cũng như chăn nuôi bây giờ phải tiến lên sản xuất lớn. Thế giới cũng phát triển từ sản xuất nhỏ mới được như ngày hôm nay”.

Thái Dương là một trong số nửa triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Theo điều tra toàn cầu vừa được Ngân hàng HSBC công bố, Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan thứ nhì thế giới. 60% tin rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2011. Và đó cũng là quan điểm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn về Việt Nam.

Ông Eric Nhuận, Hội đồng cố vấn kinh doanh Apec: “... Các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc và nhiều nơi khác về Việt Nam. Họ lạc quan về triển vọng của Việt Nam...”.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi, năm 2010, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%. Năm 2011, mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã thông qua sẽ là từ 7 đến 7,5%. Đây cũng sẽ là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Chiến lược 10 năm 2011-2020. Một sự khởi đầu thành công trong năm mới 2011 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11.

Theo VTV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast