Chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường, rét đậm, rét hại và dịch bệnh gia súc trong mùa đông đã gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ngoài nguyên nhân khách quan còn do người chăn nuôi thiếu chuẩn bị và chưa thực hiện kịp thời các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là nguồn thức ăn thô xanh dự trữ, chuồng trại và công tác quản lý chăm sóc.

Theo Sở NN&PTNT, để chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngày 26 – 11, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 22/CT – UBND yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến tận hộ dân; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, trong trường hợp có dự báo rét đậm, rét hại xẩy ra, phải phân công cán bộ kỹ thuật về tận xã, phường, thị trấn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

Gia súc mắc bệnh LMLM cần được đóng dấu chín để quản lý tại chỗ

Gia súc mắc bệnh LMLM cần được đóng dấu chín để quản lý tại chỗ

Cùng đó, các huyện, thành, thị cần kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; rà soát kết quả tiêm phòng vụ đông vừa qua và tổ chức tiêm bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm theo quy định (các loại vắc xin LMLM, dịch tả lợn, cúm gia cầm phải tiêm đạt trên 80% tổng đàn); kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, bao vây kịp thời, khống chế có hiệu quả, tuyệt đối không để dịch lan rộng; phát động tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong tháng 12 này nhằm làm sạch môi trường, giảm lượng mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường, tiềm tàng gây dịch cho gia súc, gia cầm.

Dưới góc độ chuyên môn, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung hướng dẫn người chăn nuôi tiến hành gia cố, nâng cấp, che chắn chuồng trại tránh mưa rét, gió lùa và đảm bảo vệ sinh, cách ly với nguồn bệnh, đồng thời phải có hệ thống sưởi ấm bằng bóng đèn tròn hoặc bố trí chỗ đốt củi để sưởi ấm gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét; nền chuồng cần rải chất độn (trấu hoặc rơm rạ khô), định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và xử lý các chất thải.; chủ động dự trữ, chế biến, bảo quản, tăng cường dinh dưỡng trong thức ăn thông qua việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến dưới nhiều hình thức để làm thức ăn cho trâu, bò; trồng thêm các loại thức ăn xanh như: ngô, khoai lang và cố gắng áp dụng phương pháp chế biến thức ăn bằng việc ủ rơm u rê, ủ chua thân cây ngô, ngọn mía…

Người chăn nuôi cũng cần tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày cho gia súc, gia cầm bằng việc bổ sung thêm tinh bột, thức ăn giàu đạm, vitamin, muối, khoáng, thức ăn xanh để tăng sức khoẻ cho vật nuôi cũng như đủ năng lượng chống rét, miễn dịch. Cụ thể, đối với gia cầm cần bổ sung thêm chất điện giải, B.complex, cám chất lượng cao; đối với lợn, cho ăn, uống nước ấm, bổ sung muối ăn (0,1g/kg thể trọng), tăng chất đạm trong khẩu phần ăn (đậu tương, bã đậu, khô dầu lạc hoặc tôm, cua, cá), tăng thêm lượng thức ăn tinh (gạo, ngô, khoai, sắn), B.complex, vitamin, thức ăn ủ chua (cây ngô, lá sắn, thân lá lạc, dây lá khoai lang ủ chua); đối với trâu bò, bổ sung thêm lượng thức ăn trong khẩu phần ăn hàng ngày như: tinh bột 1kg/ngày, muối ăn 5g/100 kg thể trọng, đạm u rê 5g/100 kg thể trọng/ngày…

Ngoài các giải pháp kỹ thuật nói trên, cơ quan chuyên môn cũng khuyến nghị các địa phương: khi nhiệt độ xuống dưới 120C, cần đưa trâu, bò về chuồng, lán tạm, tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, ngoài bãi chăn thả hay thả qua đêm trên rừng. Trong thời gian này, cần để trâu, bò nghỉ làm việc và cho ăn đảm bảo dinh dưỡng, khẩu phần ăn từ 30 – 40 kg thức ăn/con/ngày đêm (15 – 20 kg thức ăn thô xanh, 5 – 7 kg rơm, 1- 2 kg thức ăn tinh, 10 – 15 g muối/con/ngày pha loãng); ban đêm cần sưởi ấm cho gia súc và có thể dùng thêm một số thuốc tăng sức đề kháng.

Cho dù các chuyên gia khí tượng thuỷ văn dự báo mùa đông năm nay, do ảnh hưởng của Elnino nên thời tiết có phần ấm hơn nhưng chưa ai dám chắc, rét đậm, rét hại sẽ không xuất hiện. Nhiều chủ hộ chăn nuôi ở các địa phương đã phải trả giá đắt trước những thiệt hại do các đợt rét đậm, rét hại xxẩy ra vào đầu năm 2008 làm 2.145 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét. Việc chủ động phòng ngừa để giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra là điều cần thiết trong thời gian này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast