Cơ hội cho nhà đầu tư có nhiều tiền mặt

HNX-Index tiếp tục kéo dài chu kỳ sụt giảm, giảm thêm 2,48 điểm, lùi xuống 74,5 điểm. Khối lượng giao dịch (KLGD) tăng mạnh, đạt mức lớn nhất trong vòng 18 phiên giao dịch gần đây, tổng cộng có 31,34 triệu cổ phiếu (CP) được chuyển nhượng. Giá trị giao dịch (GTGD) tương ứng đạt 354,6 tỷ đồng.

Có 262 CP giảm giá (chiếm 79,39% số CP giao dịch trong phiên), 46 CP tăng giá, 22 CP đứng giá và 54 CP không giao dịch. Những CP có tỷ lệ tăng giá lớn là ALV (+6,94%), PMS (+6,84%), HTB (+6,6%), HST (+6,56%).Về KLGD, cổ phiếu VND giữ vị trí đứng đầu thị trường với 3,04 triệu CP được chuyển nhượng. PVX đứng thứ 2 với 2,99 triệu CP được chuyển nhượng. Nhà đầu tư nước ngoài (NÐTNN) thực hiện giao dịch 1,03 triệu CP, GTGD tương ứng đạt 12,72 tỷ đồng, trong đó mua vào 789 nghìn CP, bán ra 243,7 nghìn CP.

Ngày 24-5, thị trường đón nhận tin CPI tháng 5 chính thức được công bố. HNX-Index giảm 2,62 điểm, xuống còn 71,88 điểm. Tuy nhiên, KLGD phiên này tiếp tục tăng, đạt mức khá cao với 35,18 triệu CP được chuyển nhượng, GTGD tương ứng đạt 365,75 tỷ đồng. Ðáng chú ý là số lượng CP giảm giá giữ vị trí áp đảo với 263 CP (chiếm 83,76% số CP giao dịch trong phiên). Có 30 CP tăng giá, 21 CP đứng giá và 70 CP không giao dịch. Các CP có tỷ lệ tăng giá lớn là SDS (+6,78%), GLT (+6,16%), HST (+6,15%), ARM (+5%). KLS đứng đầu thị trường về KLGD với 3,50 triệu CP được chuyển nhượng, chiếm 9,94% KLGD toàn thị trường.

NÐTNN thực hiện mua ròng hơn tám tỷ đồng, tổng khối lượng mua vào đạt 871,9 nghìn CP, chiếm 91,01% tổng số CP được NÐTNN giao dịch trong phiên, nhiều nhất là mua KLS (250 nghìn CP), THV (200 nghìn CP)... Khối này thực hiện bán ra 86,1 nghìn CP, nhiều nhất là VCG, BVS và NTP với khối lượng lần lượt là 32,8 nghìn CP, 16,6 nghìn CP và 10 nghìn CP.

Ngày 25-5, thị trường cổ phiếu niêm yết tiếp tục giảm sâu. HNX-Index chính thức mất mốc 70 điểm ngay sau ít phút mở cửa thị trường và dừng tại mức 69,01 điểm vào thời điểm đóng cửa thị trường, giảm 2,87 điểm. Như vậy, dự đoán việc thị trường trở về mốc thấp lịch sử này ở những bài viết trước đã thành sự thật. KLGD toàn thị trường giảm đáng kể so với phiên trước song vẫn đạt mức khá cao, tổng cộng có 31,18 triệu CP được chuyển nhượng, GTGD tương ứng đạt 321,26 tỷ đồng.

Toàn thị trường có 18 CP tăng giá, 291 CP giảm giá, 14 CP đứng giá và 61 CP không giao dịch (trung bình 16 CP giảm giá mới có một CP tăng giá). Chỉ có duy nhất ARM tăng trần, trong khi có tới 163 CP giảm sàn. Về KLGD, đứng đầu thị trường là hai CP của ngành chứng khoán: KLS và VND, trong đó KLS có 2,99 triệu CP được chuyển nhượng (chiếm 9,61% KLGD toàn thị trường) và VND có 2,24 triệu CP được chuyển nhượng (chiếm 7,20%).

Ngược với những phiên trước, NÐTNN đã tăng mạnh bán ra 1,55 triệu CP, nhiều nhất là bán KLS (725,6 nghìn CP). NÐTNN thực hiện mua vào 613.500 CP, nhiều nhất là PVS (240,3 nghìn CP).

Trước diễn biến vĩ mô chưa có chiều hướng ủng hộ cho thị trường cũng như cung cầu chưa cho thấy có dấu hiệu tích cực nên sau phiên giao dịch ngày 25-5, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định: Thị trường nhiều khả năng vẫn tiếp tục xu huớng giảm trong phiên tới; Rủi ro ngắn hạn còn đứng ở mức cao; Thị trường vẫn chưa thể phục hồi trong phiên ngày 26-5; Xác suất giảm điểm là cao... Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại.

Ngày 26-5, thị trường đảo chiều ngoạn mục. Mở cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 14,68 điểm, xuống còn 371,68 điểm. KLGD đợt 1 tăng vọt. Tuy nhiên về cuối phiên, lượng bắt đáy gia tăng và thị trường chốt phiên tăng tới 11,68 điểm, về gần mức 400 điểm. Trong xu thế đó, Sàn Hà Nội cũng đảo chiều khi đầu phiên HNX-Index giảm điểm nhưng cuối phiên HNX-Index đã tăng trở lại, chốt phiên ở 70,34 điểm, tăng 1,33 điểm. KLGD phiên này tăng đột biến, lực cầu vượt lên hơn hẳn sàn TP Hồ Chí Minh, với 58,7 triệu CP được giao dịch, tổng giá trị đạt 565,96 tỷ đồng. Sàn Hà Nội có 167 mã tăng giá, 131 mã giảm giá, 39 mã đứng giá.

Ðây có thể chỉ là phiên điều chỉnh ngắn hạn. Việc giảm điểm của thị trường được các chuyên gia, công ty chứng khoán dự đoán là có cơ sở từ tình hình kinh tế vĩ mô và phân tích kỹ thuật. Hai yếu tố này chưa cho thấy khả năng thị trường đi lên. Tuy nhiên, sau một chuỗi phiên giảm mạnh, thanh khoản của thị trường cho thấy le lói những tín hiệu tích cực. Quy luật biến động thị trường cũng cho thấy thị trường giảm càng mạnh thì khi tăng cũng sẽ mạnh tương ứng. Bởi vậy, chiến lược cho nhà đầu tư vẫn là thận trọng, nắm giữ tiền mặt là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhà đầu tư có thể sàng lọc những CP tốt, theo dõi và quan sát, chờ cơ hội thích hợp để quay trở lại thị trường.

Nguồn: nhandan.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast