Dịch đốm trắng ở tôm có nguy cơ bùng phát trên diện rộng!

Bắt đầu xuất hiện tại vùng nuôi xã Xuân Trường (Nghi Xuân) từ cuối tháng 4, bệnh đốm trắng trên tôm đã nhanh chóng tấn công vào nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh. Mặc dù đến nay, ngành chức năng đã phần nào kìm hãm được sự phát sinh của dịch bệnh nhưng nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng vẫn đang ở mức cao…

Bệnh đốm trắng (WSD) ở tôm
Bệnh đốm trắng (WSD) ở tôm

Đến hẹn lại lên, hầu như năm nào người nuôi tôm ở Hà Tĩnh cũng phải chịu sự hoành hành của bệnh đốm trắng trên tôm. Mức độ lây lan nhanh cộng với sự huỷ diệt lớn đã khiến không ít người rơi vào hoàn cảnh “trắng tay” sau vụ nuôi.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hàng nghìn ha nuôi tôm, tập trung ở các vùng ven biển. Tuy nhiên, không có nhiều trong số đó được đầu tư để phát triển ngành kinh tế này theo hướng chuyên canh, bền vững. Thứ nhất là do tập quán nuôi từ trước để lại, nhỏ lẻ và tự phát, khiến vùng nuôi không được khoanh vùng một cách rõ ràng. Quan trọng hơn, những người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ta còn nghèo trong khi nghề nuôi tôm lại là nghề làm giàu với mức đầu tư đầu vào khá lớn. Và “bài ca muôn thuở” vẫn là thiếu vốn trước mỗi vụ nuôi khiến cho những người dân nghèo đành phải phó mặc cho trời, được ăn cả, ngã về không.

Chị Đặng Thu Hoàn, Trưởng phòng Thú y thuỷ sản - Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Tôm là loại động vật nhạy cảm, do đó môi trường nuôi rất khắt khe, đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng giai đoạn phát triển của con tôm. Đặc biệt, phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ việc đầu tư đồng bộ hồ nuôi, hệ thống cấp thoát nước riêng biệt cho đến lựa chọn con giống chất lượng. Mặc dù trước mỗi vụ nuôi, chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn về quy trình, kỹ thuật cho bà con nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa cao”.

Ban đầu bệnh đốm trắng được phát hiện ở 1 hộ nuôi tại xã Xuân Trường (Nghi Xuân) với chỉ 2 ha. Vậy mà, trong vòng hơn 1 tháng, bệnh đã phát sinh trên nhiều vùng nuôi khác của các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Đến nay, toàn tỉnh có 44,14 ha với 1,875 triệu con tôm bị bệnh. Trong đó, có 7 hộ có diện tích 4,9 ha với số giống bị thiệt hại là 1,075 triệu con.

Theo cơ quan chức năng, bệnh phát sinh tại các vùng nuôi này là do nguồn giống tôm thả nuôi của các hộ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Mặt khác, nước cấp vào ao nuôi được lấy trực tiếp từ sông vào không qua xử lý; trong ao nuôi tôm còn có một số loài giáp xác tự nhiên như tôm rảo, cua, còng... là các vật chủ trung gian thường mang mầm bệnh đốm trắng. Ngoài ra, biên độ giao động nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, xen lẫn giữa những đợt gió mùa nhiệt độ giảm thấp đột ngột, kèm theo những cơn mưa giông, đã gây sốc cho tôm nuôi.

Cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT Nghi Xuân kiểm tra bệnh đốm trắng ở tôm
Cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT Nghi Xuân kiểm tra bệnh đốm trắng ở tôm

Trong vô vàn những nguyên nhân khiến dịch bệnh cứ bám riết lấy người nuôi tôm Hà Tĩnh thì có một phần không nhỏ là trách nhiệm của chính quyền sở tại trong việc triển khai, quản lý công tác phòng chống dịch tại địa phương. Dù xuất hiện khá lâu nhưng người nuôi lơ là, không tuân thủ quy trình, kỹ thuật nuôi, còn chính quyền xã lại đứng ngoài cuộc nên bệnh đốm trắng đã lây lan chóng mặt.

Từ 3 ao nuôi được phát hiện là dương tính với bệnh vào ngày 9/5, đến nay toàn huyện Kỳ Anh đã có 9 vùng nuôi thuộc các xã Kỳ Thọ, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Hải và Kỳ Thư với hơn 27 ha. Thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ đồng. Mặc dù vậy, tại vùng nuôi Đông Khẩu (Kỳ Ninh), nơi được xác định là điểm xuất hiện bệnh đốm trắng đầu tiên của huyện đến đầu tháng 6 các ao nuôi nhiễm virut vẫn chưa được xử lý. Thậm chí một số hộ nuôi còn tự ý xả nước và tôm bệnh ra môi trường, khiến cho nguy cơ lây lan càng ở mức cao.

Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, bên cạnh tăng cường tổ công tác tại cơ sở, Chi cục Thú y đã cấp 9200 kg hoá chất Chlorine cho các địa phương, nhằm kịp thời bao vây, khống chế nguồn bệnh. Dẫu vậy, bệnh đốm trắng ở tôm đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay thì việc khống chế được dịch bệnh hay không vẫn chưa thể nói trước được.

Để giành thắng lợi trong cuộc chiến cam go này, cần hơn hết thảy là sức mạnh cộng đồng, bắt đầu từ tinh thần tự giác của người dân và sự nhập cuộc của chính quyền, nhằm bảo vệ an toàn sản xuất của người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast