Đoàn Bộ NN- PTNT kiểm tra tình hình dịch cúm gia cầm tại tỉnh ta

Chiều 21-2, đoàn công tác của Bộ NN - PTNT do ông Hoàng Văn Tiệu - Viện trưởng Viện chăn nuôi làm trưởng đoàn đã vào kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Tiếp và đi kiểm tra cùng với đoàn tại huyện Cẩm Xuyên có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn

Đoàn kiểm tra dịch bệnh tại xã Cẩm Hòa
Đoàn kiểm tra dịch bệnh tại xã Cẩm Hòa

Theo báo cáo của huyện Cẩm Xuyên, đến nay toàn huyện đã có 3 xã , 7 thôn , 19 hộ với tổng số gia cầm bị nhiễm 3.977 con, trong đó 1.333 con, vịt 2.564, ngan 80 con). Sau khi phát hiện dịch huyện đã tổ chức tiêu hủy 4.183 con theo đúng quy trình; thành lập 8 chốt gác tại các xã để kịp thời ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm vào ra vùng có dịch. Ngoài ra, cấp 1200 lit hóa chất để tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường tại các khu vực chăn nuôi. Đồng thời tổ chức triển khai tiêm vắc – xin phòng dịch cúm gia cầm tại các xã có dịch và vùng khống chết đạt hơn 93.000 liều/ 140.000 liều.

Tính đến ngày 18-2, tổng số gia cầm ốm, chết và buộc phải tiêu hủy trên địa bàn toàn tỉnh là 6.318 con gia cầm tại 4 xã thuộc 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.

Đoàn công tác của Bộ NN- PTNT cùng với tỉnh đã đi kiểm tra tình hình dịch cúm gia cầm tại các xã Cẩm Duệ và Cẩm Hòa. Đoàn đánh giá cao công tác chủ động trong phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, Hà Tĩnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chính quyền địa phương phải xem công tác chống dịch là nhiệm vụ chính trị để thực hiện đồng bộ các giải pháp; Giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia cầm buộc phải tiêu hủy.

Lập chốt phun tiêu độc, khử trùng tại xã Cẩm Duệ
Lập chốt phun tiêu độc, khử trùng tại xã Cẩm Duệ

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng: Dịch bùng phát trước hết là do người dân và chính quyền địa phương phát hiện xử lý chưa kịp thời. Thời gian tới cần phải có giải pháp tối ưu, trong đó quản lý chặt đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi; khuyến khích mọi người dân phát hiện gia cầm bị bệnh, khai báo kịp thời. Chốt canh phải phát huy được hiệu quả; tiêm vác – xin phòng bệnh đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật. Mặt khác, tiêu hủy gia cầm theo đúng quy trình, không để ô nhiễm môi trường, lây sang người, đồng thời tổ chức tiêu độc khử trùng toàn tỉnh, trước mắt ưu tiên cho các xã vùng trọng điểm mỗi ngày một lần và sau đó triển khai đồng loạt. Các địa phương cần phải báo cáo số liệu kịp thời, khách quan, chính xác; ngành chuyên môn cần dồn sức chỉ đạo quyết liệt cho công tác này nhằm khống chế dịch hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast