Đưa hàng Việt về nông thôn - Tiềm lực “ao nhà”

Ở các nước phát triển, doanh nghiệp thường xây dựng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn thật vững chắc trước khi tiến sang các thị trường mới. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Từ khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, mất dần thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp mới thấy được vai trò và sức mạnh của thị trường nội địa...

Bị bỏ ngỏ!

Tại hội thảo “Hàng Việt về nông thôn năm 2009”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 18-9 vừa qua, ông Lê Văn Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty Nutifood, cho rằng nông thôn là một thị trường tiềm năng với hơn 70% dân số và hơn 53% cửa hàng tạp hóa, doanh số chiếm từ 14% - 25% tổng thị trường bán lẻ, nhưng từ lâu các doanh nghiệp trong nước đã vô tình bỏ ngỏ.

Do hàng bán được về nông thôn phải là hàng giá rẻ, có trọng lượng nhỏ, lợi nhuận dựa trên số nhiều là chính nên khi mới tiếp cận sẽ rất khó khăn, lợi nhuận thấp, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài và có nguồn nhân lực hùng hậu cũng như kiên trì. Chính vì thế, khi không tiếp cận được thị trường này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vô tình bỏ qua cho hàng nhập lậu tung hoành.

Sản xuất máy nổ thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu nông dân. Ảnh: Đức Thành
Sản xuất máy nổ thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu nông dân. Ảnh: Đức Thành

Trong khi đó, cách đây hơn 10 năm, nhiều thương hiệu mạnh của các ngành hóa mỹ phẩm, đồ uống và hàng tiêu dùng khác đến từ nước ngoài như Unilever, Procter & Gamble (P&G), Coca-Cola, Ajinomoto… đã thấy được tiềm năng và vai trò cũng như sức mạnh của thị trường nông thôn nên ngay khi mới bước chân vào thị trường nước ta, những doanh nghiệp trên đã liên kết với hệ thống bán hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước thành lập và đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng rất giỏi để bám trụ từng vùng và từng khu vực.

Ngoài ra, với kinh phí dồi dào, họ còn thông qua những chương trình quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, mà nhất là đài truyền hình để khai thác triệt để thị trường này. Chính vì thế, đến nay nhiều sản phẩm của họ đã dần dần in sâu trong tâm trí của người tiêu dùng, giúp doanh số của những doanh nghiệp này luôn tăng trưởng đều đặn theo từng năm tại thị trường Việt Nam. Nhiều nhãn hàng của họ đã bám rễ ở thị trường nông thôn bằng những sản phẩm phù hợp. Trong khi đó, nhiều sản phẩm nội địa sau khi mất thị trường xuất khẩu do ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế thế giới, giờ đây mới “nhìn” lại “sân nhà” và thấy rằng nông thôn mới là thị trường tiềm năng và ổn định hơn.

Khách hàng chọn mua sữa nội tại chợ phiên Tam Bình, Vĩnh Long.
Khách hàng chọn mua sữa nội tại chợ phiên Tam Bình, Vĩnh Long.

Để mưa dầm thấm lâu...

Để giành lại thị phần và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước đến với chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” dù thời gian đầu khi khai thác thị trường này họ gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn các sản phẩm đều bán với giá vốn, đã vậy còn tốn kinh phí để vận chuyển, làm khuyến mãi, hậu mãi…

Mặc dù chưa lớn mạnh, nhưng qua 6 lần tham gia các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, những doanh nghiệp tham gia đã từng bước gầy dựng được các nhà phân phối, các đại lý cấp 2 vừa làm nhiệm vụ bán hàng vừa giữ hàng để bổ sung hàng, tránh đứt hàng sau khi các phiên chợ kết thúc. Mặc dù vậy, về lâu về dài, theo như các chuyên gia kinh tế, BSA và các doanh nghiệp tham gia nên xây dựng chiến lược cho chương trình đến năm 2010, bằng cách tập trung nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình khuyến mãi, hậu mãi rõ ràng hơn, duy trì chất lượng qua từng đợt bán hàng. Từ đó xây dựng các nhà phân phối tại địa phương để đẩy mạnh việc đưa hàng về nông thôn, theo đúng thị hiếu của từng vùng. Đặc biệt là giảm trọng lượng, hạ giá bán sản phẩm để phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng nông thôn.

Các doanh nghiệp cũng nên từng bước mở rộng thị trường và phát triển hệ thống phân phối bằng cách khuyến khích nhân viên bán hàng bằng các chế độ lương thưởng thích hợp qua doanh số để họ kiên trì bám trụ địa bàn.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast