Giải bài toán về nguồn giống sản xuất vụ đông xuân

Nhằm sớm bù đắp lương thực bị thiếu hụt do thiên tai gây ra và tạo đà thực hiện thắng lợi những mục tiêu trong sản xuất vụ đông xuân tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định 3397/QĐ- UBND ngày 23/11/2010 về chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Đông xuân 2010 - 2011. Đây được xem là “cứu cánh” cho bà con nông dân trước bài toán về nguồn giống phục vụ mùa sản xuất mới.

Theo Quyết định 3397/QĐ-UBND, tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất vụ đông xuân 2010 - 2011 là 18,08 tỷ đồng, trong đó trồng trọt chiếm đa số với 15,61 tỷ đồng; thuỷ sản 920 triệu đồng và chăn nuôi - thú y là 1,5 tỷ đồng. Với mục tiêu tiếp sức cho bà con nông dân và các đơn vị làm công tác giống trên địa bàn vượt qua những khó khăn, sớm lấy lại cân bằng sau những “cơn ác mộng” của thiên tai, chính sách chú trọng vào việc hỗ trợ kinh phí để đầu tư các nguồn giống dựa trên những đề xuất và đăng ký diện tích sản xuất của các địa phương.

Nông dân Cẩm Xuyên làm đất, chuẩn bị sản xuất đông xuân
Nông dân Cẩm Xuyên làm đất, chuẩn bị sản xuất đông xuân

Trên cơ sở chỉ đạo các địa phương chủ động nguồn ngân sách hỗ trợ thêm để mua giống phục vụ sản xuất, đây được xem là một chiến lược “kích cầu” sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh vận hội mới, tạo niềm tin, sự hứng khởi trong sản xuất cho người nông dân.

Với chủ trương giảm dần diện tích trà xuân sớm, năm nay, cơ cấu giống lúa của tỉnh ưu tiên từ 75 - 80% diện tích cho trà xuân trung và xuân muộn, trong đó, chú trọng một số giống lúa chất lượng, có giá trị hàng hoá cao. Tỉnh hỗ trợ 35 ngàn đồng/kg giống lúa lai (Nhị ưu 838, Khải Phong số 1, Bio 404), 7.000 đồng/kg giống lúa chất lượng P6, HT1 (nguyên chủng) và 13 ngàn đồng/kg giống lạc L23. Bên cạnh đó, chính sách còn hỗ trợ 100% tiền mua thuốc BVTV phun trừ rầy trên mạ đông. Nhờ đó, nhiều địa phương đã mạnh dạn mở rộng diện tích gieo trồng, trong đó giống lúa chất lượng cao chiếm một phần lớn trong tổng diện tích gieo trồng của toàn huyện, như: Hương Sơn, Đức Thọ, Cẩm Xuyên…

Trong chiến lược lâu dài, nhằm phát triển một nền nông nghiệp thâm canh và bền vững, Hà Tĩnh hỗ trợ cho Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh kinh phí để khôi phục 4 tấn lúa thuộc bộ giống lúa gốc với mức hỗ trợ tối đa là 20 triệu đồng/tấn; hỗ trợ Chi cục BVTV xây dựng 2 mô hình điểm phòng trừ tổng hợp bệnh lùn sọc đen. Đối với chăn nuôi và thú y, kinh phí chú trọng vào việc khôi phục nguồn giống đàn vật nuôi cho các Trung tâm giống và công tác thú y, nhằm hạn chế mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Với tổng nguồn vốn trên 2,4 tỷ đồng, các loại giống có giá trị thương phẩm cao được đầu tư như: giống lợn Landrace, YorShine, Duroc, lợn nái ngoại và hàng triệu cá hương, đáp ứng kịp thời nguồn giống cho vụ cá tới…

Mới đây, tại cuộc họp triển khai chính sách hỗ trợ của tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã nhấn mạnh: “Dù hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh đã cuốn trôi gần như toàn bộ lượng giống sản xuất của bà con nông dân nhưng hệ thống chính sách tỉnh ban hành được xem như là cơ hội để các địa phương thay lại bộ giống mới cho cả trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó, có thể áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo nền tảng để chúng ta vừa khôi phục, vừa xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng với nhu cầu của thị trường”.

Việc ban hành chính sách hỗ trợ đã giải tỏa nỗi lo của bà con nông dân trước vụ sản xuất mới. Song, một bài toán tiếp tục đặt ra cho bà con nông dân và cả những đơn vị đầu mối cung ứng hiện nay là tình hình khan hiếm giống, trong đó hai loại giống chủ đạo là P6 và HT1 đặc biệt khan hiếm. Theo lãnh đạo huyện Kỳ Anh, đến thời điểm này, huyện đã trích ngân sách mua được 77,8 tấn lúa giống, trong đó có 20 tấn chất lượng cao như: HT1, N97, Tám thơm… Tuy nhiên, khi chỉ còn ít tấn thuộc giống P6 nữa là đủ chỉ tiêu đã đăng ký với tỉnh để hưởng nguồn hỗ trợ thì không thể tìm đâu ra.

Không riêng gì nông dân huyện Kỳ Anh mà ở Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh… đều rơi vào tình cảnh khó khăn này. Ngay cả đối với những đơn vị đầu mối cũng không chủ động được nguồn cung. Cố gắng lắm, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh chỉ có thể cung ứng cho thị trường khoảng 20 - 30 tấn P6 và trên 100 tấn HT1. Tại Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh thì giống P6 nguyên chủng đã hết.

Ngoài yếu tố khách quan do tình hình khan hiếm giống trên cả nước, cũng phải nói thêm rằng các địa phương vẫn chưa thực sự tìm hiểu sâu về khả năng đáp ứng của thị trường trước khi đưa giống vào đề án sản xuất. Rõ ràng, điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ và quan trọng hơn là gây khó khăn cho việc bố trí nguồn giống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast