Hạn hán và sâu bệnh trong sản xuất đông xuân 2009-2010

Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến thời điểm này, tiến độ làm đất toàn tỉnh đạt gần 88% kế hoạch và diện tích bắc mạ trà lúa xuân sớm đạt 476,5ha. Do lượng mưa từ đầu năm đến nay thấp thua nhiều so với trung bình nhiều năm nên hầu hết các hồ chứa không tích đủ nước phục vụ tưới, báo động hạn hán có thể xảy ra vào cuối vụ. Cùng đó, dù đã cơ bản khống chế bệnh lùn sọc đen trên cây ngô nhưng dự báo dịch bệnh vẫn còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ trong vụ đông xuân này.

Nông dân Tùng Lộc (Can Lộc) làm đất gieo trồng vụ đông - xuân 2009-2010. Ảnh: Văn Học.
Nông dân Tùng Lộc (Can Lộc) làm đất gieo trồng vụ đông - xuân 2009-2010. Ảnh: Văn Học.

Tổng hợp mới nhất từ Chi cục Thủy lợi tỉnh cho thấy, hồ Kẻ Gỗ đang ở mực nước 29,97m, dung tích đạt 274 triệu m3 (bằng 79,4% so với thiết kế), hồ Sông Rác đang ở mực nước 21,92m, dung tích đạt 104 triệu m3 (bằng 83,5% so với thiết kế), hồ Kim Sơn đang ở mực nước 93m, dung tích 13,4 triệu m3 (bằng 78,8% so với thiết kế), hồ Cù Lây đang ở mực nước 19,25m, dung tích đạt 6,8 triệu m3 (bằng 52,3% so với thiết kế).

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, hiện tượng Elnino xuất hiện sẽ tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Do lượng mưa bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên hầu hết các hồ chứa trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ không tích đủ nước phục vụ bơm tưới. Vì thế, ngay bây giờ, nếu các địa phương không chủ động lên phương án chống hạn thì nguy cơ hạn hán vào cuối vụ đông xuân 2009-2010, đặc biệt là giai đoạn lúa làm đòng trổ bông có thể xảy ra.

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết, các cơ quan chuyên môn ở trung ương dự báo năm 2010 sâu bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn. Tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây thiệt hại lớn trên nhiều diện tích lúa trong vụ hè thu vừa qua và đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trong vụ đông xuân tới.

Hà Tĩnh chưa có biểu hiện của dịch bệnh này trên cây lúa nhưng bệnh lùn sọc đen đã tấn công và gây hại trên diện tích gần 300ha ngô đông ở các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ. Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến thời điểm này, bệnh lùn sọc đen trên cây ngô đã được khống chế nhưng nếu không tích cực phòng ngừa thì nguy cơ tái phát trong vụ đông xuân là rất lớn.

Các địa phương cần triển khai đồng thời các giải pháp chủ động chống hạn và phòng ngừa dịch bệnh. Cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để vận hành tích nước các hồ chứa, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, ao đầm, thùng đấu, không được tháo nước để bắt cá hoặc sử dụng vào việc chạy máy phát điện công suất nhỏ; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để cân đối nguồn nước nhằm đảm bảo cấp nước suốt vụ gắn với cấp nước sinh hoạt phục vụ dân sinh; tiếp tục sửa chữa và nạo vét các cửa khẩu dẫn nước, bể hút của các trạm bơm; tăng cường đắp bờ, giữ nước tại chân ruộng, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương tiện, công cụ bơm tát dã chiến để hỗ trợ cấp nước, phòng chống hạn khi cần thiết.

Đối với công tác phòng ngừa sâu bệnh, các địa phương cần chỉ đạo nhân dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện những diện tích nhiễm rầy; với những diện tích cây vụ đông có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen cần tiêu hủy bằng việc đào gốc đưa đi chôn hủy, tận dụng phần thân và lá làm thức ăn cho gia súc. Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy những diện tích lúa chét còn sót lại thông qua việc cày vùi thật nhuyễn.

Về sản xuất đông xuân, ưu tiên sử dụng các giống lúa kháng rầy như: NX30, P6, IR352, Nếp 97, Nếp 98; tăng cường theo dõi những diện tích mạ vừa bắc, nếu phát hiện rầy thì tiến hành phun phòng kịp thời. Một yêu cầu khá quan trọng nữa là các địa phương phải chỉ đạo nhân dân gieo cấy đúng thời vụ, đảm bảo mật độ cây trên những diện tích nhất định, đồng thời chăm bón tốt để cây sinh trưởng khỏe và kháng được các loại sâu bệnh hại.

Để đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ sản xuất đông xuân, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm nghiệm các loại vật tư nông lâm thủy sản gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.

Qua kiểm tra bước đầu ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các huyện, thị trong tỉnh cho thấy, trước vụ đông xuân này, đa số các mặt hàng bị ngành chức năng lột tẩy trong các vụ sản xuất trước đã không còn tồn tại, thảng hoặc có xuất hiện ở một số nơi cũng đã được các đơn vị sản xuất nâng cao chất lượng hơn. Sự chuyển biến tích cực đó là cơ sở quan trọng để nhân dân an tâm đầu tư thỏa đáng cho các loại cây trồng nhằm đưa vụ sản xuất đông xuân 2009-2010 đi tới thắng lợi toàn diện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast