Hiệu ứng tích cực từ Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán

Hơn một tháng triển khai "Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2010 - 2020", Hà Tĩnh đã trồng được 3,2 triệu cây xanh bóng mát và cây nguyên liệu (đạt hơn 80% kế hoạch giao năm 2010). Ngạc nhiên hơn là rất nhiều người dân, ngoài nhận hết chỉ tiêu đăng ký ban đầu còn xin thêm cây giống về trồng. Chưa bao giờ phong trào trồng cây phân tán lại có sức sống như khi triển khai chủ trương mới này.

Ông Nguyễn Bá Thịnh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, hưởng ứng phong trào trồng cây nhân dân mà Bác Hồ khởi xướng (từ năm 1960) và đã tạo thành một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, hơn nửa thập kỷ qua, bình quân hàng năm, Hà Tĩnh đã trồng từ 6 – 10 triệu cây phân tán các loại. Tuy nhiên, do chưa có sự đầu tư từ Nhà nước mà chủ yếu phát triển theo phong trào (có cây gì trồng cây đó) nên không gắn với một quy hoạch nhất định. Để sớm khắc phục tình trạng này, nhất là nhằm mang lại hiệu quả KT – XH, cảnh quan môi trường, cuối năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 4306/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2010 – 2020”.

Người dân Kỳ Anh hào hứng nhận giống cây lâm nghiệp về trồng. Ảnh: Ngô Thắng
Người dân Kỳ Anh hào hứng nhận giống cây lâm nghiệp về trồng. Ảnh: Ngô Thắng

Đề án ra đời đã mở hướng đi mới cho phong trào trồng cây phân tán vốn phát sinh nhiều bất cập lâu nay. Theo đó, ngoài duy trì và phát triển phong trào trồng cây nhân dân do Bác Hồ khởi xướng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, đề án còn đặt mục tiêu góp phần bảo vệ công trình hạ tầng cơ sở, bảo vệ đất đai, phòng hộ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra sản phẩm hàng hóa, góp phần đảm bảo nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Trên cơ sở xác định hài hòa các mục tiêu, đề án đặt chỉ tiêu giai đoạn 2010 – 2020 sẽ trồng 44 triệu cây phân tán các loại (26,4 triệu cây gỗ lớn và 17,6 triệu cây gỗ nhỏ), trong đó: giai đoạn 1 (2010 – 2015) trồng mới 24 triệu cây; giai đoạn 2 (2015 – 2020) trồng mới 20 triệu cây gắn với khai thác, chế biến sản phẩm của 9,6 triệu cây gỗ nhỏ đã trồng từ giai đoạn 1.

Các loài cây sẽ tập trung trồng là: xà cừ, bằng lăng tím, lộc vừng, ngô đồng, keo các loại, phi lao, tre, mây, dó trầm… Đối tượng đất trồng là những diện tích không thuộc quy hoạch cho lâm nghiệp để trồng rừng tập trung, bao gồm: bờ kênh, bờ mương, bờ vùng, bờ thửa; hai bên đường giao thông thành phố, thị xã, liên thôn, liên xã; các cơ quan, trường học, bệnh viện; các khu công nghiệp, khu tái định cư, công viên, cơ sở văn hóa, di tích lịch sử… Nguồn vốn để triển khai đề án trong 10 năm dự kiến 234,96 tỷ đồng, trong đó: 44 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ tiền cây giống theo Quyết định 147/2007/QĐ-BNN về chính hỗ trợ phát triển rừng sản xuất, 44 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ tiền cây giống và 146,96 tỷ đồng huy động từ các tổ chức và vốn dân tự có (công trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Bá Thịnh cho rằng, thành công bước đầu trong năm thứ nhất triển khai đề án không phải ở chỗ người dân được cấp cây giống miễn phí mà là ở chỗ họ đã nhận thức được vai trò của cây lâm nghiệp phân tán trong việc đảm bảo môi sinh, môi trường, tỏa bóng mát và còn có thể khai thác nguyên liệu để nâng cao thu nhập.

Theo ông Hán Duy Anh – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp Hà Tĩnh, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ mà đề án đặt ra thì mỗi năm, Hà Tĩnh sẽ trồng 4 triệu cây phân tán các loại. Để làm cơ sở cho việc triển khai trồng trong vụ đông này, từ giữa tháng 4, Sở NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn các huyện, thành, thị trong tỉnh thành lập BQL trồng cây phân tán cấp huyện (do phòng NN&PTNT hoặc BQL Dự án 147 cấp huyện chủ trì và có một lãnh đạo UBND huyện làm trưởng ban). Dựa theo nhu cầu đăng ký của các địa phương, Sở NN&PTNT sẽ phân bổ cho Kỳ Anh 850 ngàn cây, Cẩm Xuyên 409 ngàn cây, Thạch Hà 374 ngàn cây, Can Lộc 273 ngàn cây, Lộc Hà 208 ngàn cây, Nghi Xuân 204 ngàn cây, Hương Sơn 644 ngàn cây, Hương Khê 484 ngàn cây, Vũ Quang 404 ngàn cây và 3 địa phương khác có cùng chỉ tiêu 50 ngàn cây là: Đức Thọ, thị xã Hồng và thành phố Hà Tĩnh.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Phát triển Lâm nghiệp Hà Tinh, do thời gian diễn ra trồng chủ yếu là cuối đông đầu xuân nên quan trọng nhất vẫn là phải có một lượng giống tập trung cực lớn trong khoảng thời gian ngắn này. Để giải quyết vấn đề này, ngoài ký hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất giống trong ngành (các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng), Chi cục Phát triển Lâm nghiệp Hà Tĩnh còn hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất giống cây lâm nghiệp tư nhân như: Công ty TNHH Bảo Lâm, Công ty TNHH Tùng Dương, Công ty CP Nông – Lâm sản Hà Tĩnh và Doanh nghiệp Tân Thanh Phong.

Nhờ chủ động chuẩn bị sớm nên trong đợt ra quân từ ngày 22/10 đến nay, các doanh nghiệp cung ứng giống đã đáp ứng tận xã để cấp phát miễn phí cho người dân đưa về trồng. Và, sau hơn một tháng triển khai, 12 huyện, thành, thị trong tỉnh đã tiến hành trồng được 3,2/4 triệu cây phân tán các loại, đạt trên 80% so với kế hoạch trong khi thời hạn còn rất dài (sang hết vụ xuân 2011).

“Trái ngược với suy nghĩ ban đầu - người dân sẽ không mấy mặn mà khi tham gia phong trào này - có rất nhiều hộ dân đã chủ động xin thêm cây giống để trồng làm cho BQL các cấp ngạc nhiên và bối rối trong việc xử lý tình huống này” - ông Hán Duy Anh phấn khởi nói.

Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2010 – 2020 đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, góp phần đa dạng hóa phong trào phủ xanh đất trống, đồi trọc, đặc biệt là tạo ra môi trường xanh – sạch – đẹp ở các đô thị và nông thôn Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast