Khẩn cấp phòng trừ đại dịch sâu cuốn lá nhỏ và bệnh lùn sọc đen hại lúa!

Hạn hán dần hạ nhiệt nhưng dịch sâu cuốn lá nhỏ vẫn chưa chịu buông tha hàng ngàn ha lúa hè thu ở Hà Tĩnh. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, bệnh lùn sọc đen tiếp tục tấn công đồng ruộng Cẩm Xuyên và một số huyện, thị làm cho công tác phòng trừ dịch hại trên cây trồng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Kịch bản về một vụ hè thu mất mùa ở Hà Tĩnh đã được viết xong, còn người nông dân một số nơi đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, cần được trợ giúp...

Sâu cuốn lá nhỏ thành đại dịch...

Niềm vui gieo cấy lúa hè thu sớm hơn so với mọi năm đã nhanh chóng trở thành nỗi buồn khi sâu cuốn lá nhỏ bùng phát và gây hại.

Phun thuốc hóa học kịp thời, đúng liều lượng là biện pháp hữu hiệu để diệt trừ sâu cuốn lá
Phun thuốc hóa học kịp thời, đúng liều lượng là biện pháp hữu hiệu để diệt trừ sâu cuốn lá

Sau đợt mưa lớn đầu tháng 6 đã tạo nên hình thái thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ vũ hóa - đẻ trứng.

Đến ngày 12 - 6, sâu non tuổi 1, tuổi 2 bắt đầu rộ lên với mật độ trung bình từ 50 - 70 con/m2, cá biệt có những ruộng từ 300 - 500 con/m2.

Đến ngày 24 - 6, toàn tỉnh đã có 9.126 ha bị sâu cuốn lá gây hại, trong đó có 2.820 ha bị nhiễm nặng (mật độ sâu lớn hơn 100 con/m2).

Chỉ 4 ngày sau khi kết thúc lứa 1, sâu vũ hóa thành bướm và lại tiếp tục đẻ trứng để hình thành nên lứa 2.

Đến ngày 4 - 7, sâu non tuổi 1 của lứa 2 bắt đầu nở với mật độ sâu non trung bình tại Đức Thọ đạt 70 - 80 con/m2, tại Thạch Hà đạt 100 - 120 con/m2, tại Cẩm Xuyên đạt 120 - 150 con/m2.

Đến ngày 15 - 7, toàn tỉnh đã có 16.134 ha bị sâu cuốn lá 2 tấn công, trong đó 6.136 ha bị nhiễm nặng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, dù đã được cảnh báo sớm nhưng công tác phòng trừ ở một số địa phương chưa cao, cùng đó là tâm lý chủ quan của người dân nên không kịp thời xử lý đón đầu mà để đến khi sâu trưởng thành rồi mới tiến hành phun thuốc dẫn đến hiệu quả thấp.

Trên cơ sở các kết quả điều tra phát dục, ngành BVTV nhận định, sâu lứa 2 sẽ vũ hóa rộ từ ngày 24 - 7 và sâu non tuổi 1 của lứa 3 sẽ xuất hiện từ ngày 28 - 7 đến 5 - 8.

Trong 3 trà lúa hè thu, chỉ có trà hè thu sớm (hè thu chạy lụt) có mức độ gây hại nhẹ hơn và ít ảnh hưởng đến năng suất; hai trà lúa còn lại là hè thu chính vụ và hè thu muộn sẽ bị tổn thương bộ lá đòng và gây trắng lá nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Kỹ sư Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho hay, mặc dù các trà lúa có quá trình sinh trưởng không giống nhau nhưng yêu cầu đặt ra hiện nay là người dân phải bám sát đồng ruộng, nắm bắt kịp thời diễn biến sâu non tuổi 1, 2 của lứa 3 để xử lý bằng thuốc hóa học sau thời kỳ cao điểm của bướm từ 3 - 5 ngày, tức từ ngày 28 - 7 đến trước ngày 5 - 8 là tốt nhất.

Bệnh lùn sọc đen tiếp tục tấn công

Cùng với đại dịch sâu cuốn lá nhỏ, từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh vàng lá, lùn lụi tiếp tục xuất hiện trên nhiều diện tích lúa hè thu ở Cẩm Xuyên (855 ha), Kỳ Anh (46,3 ha) và lác đác ở một số địa phương khác như: thành phố Hà Tĩnh (4 ha), Can Lộc (2 ha), Đức Thọ (1,5 ha), Thạch Hà (1 ha), Lộc Hà 0,15 ha.

Theo ông Bùi Quang Dung - Trưởng Trạm BVTV huyện Cẩm Xuyên, sau khi nhận được tin báo xuất hiện bệnh lạ trên lúa tại xã Cẩm Lạc, ngày 2 - 7, cán bộ trạm đã trực tiếp về kiểm tra nhưng do thời điểm này lúa mới đạt từ 3 - 4 lá nên khi có biểu hiện vàng lá, rễ phát triển kém sau đó phân định thành các nhánh riêng rẽ nên chỉ nghĩ là lúa mắc bệnh sinh lý.

Theo đó, Trạm BVTV huyện đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân phun thử các chế phẩm để cải tạo đất nhưng không cho kết quả gì, còn lúa thì cứ lùn lụi dần. Nỗi lo càng lớn dần lên khi bệnh không chỉ xuất hiện ở Cẩm Lạc mà còn bùng phát ở các xã khác như: Cẩm Sơn, Cẩm Minh, Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hưng, Cẩm Quan.

Ngày 24 - 7, khi Trung tâm giám định kiểm dịch thực vật (Cục BVTV trung ương) cho kết quả xét nghiệm dương tính thì tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen ở Cẩm Xuyên đã lên đến 855 ha, trong đó nặng nhất vẫn là Cẩm Lạc với 227 ha, tiếp đó là Cẩm Minh 120 ha, Cẩm Lĩnh 90 ha...

Bệnh lùn sọc đen do vi-rút lùn sọc đen phương Nam gây nên và rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Khi mắc bệnh này, cây lúa có triệu chứng thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non, gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Cây lúa bị bệnh không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen.

Ông Nguyễn Tuấn Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu 4 (Cục BTVT trung ương) cho biết, trên cây lúa có 15 loại bệnh do vi-rút gây ra và lùn sọc đen là một trong 3 loại bệnh đặc biệt nguy hiểm khi đến nay chưa có thuốc đặc trị. Vì thế, cây lúa mắc bệnh không có giải pháp nào ngoài việc tiêu hủy. Để tránh bị nhiễm bệnh trong vụ sản xuất tiếp theo, thửa ruộng đã mắc bệnh buộc phải chuyển sang trồng khoai lang hoặc rau màu, tuyệt đối không được trồng ngô chứ đừng nghĩ đến việc trồng lúa.

Khẩn cấp chống dịch

Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đình Sơn khẳng định, ngành đang cân nhắc xem có nên đề xuất UBND tỉnh công bố dịch sâu cuốn lá hay không (do còn liên quan đến việc dịch bệnh này không nằm trong danh mục được hỗ trợ kinh phí phòng chống của Chính phủ) nhưng bệnh lùn sọc đen thì sẽ tiến hành công bố dịch vào ngày 26 - 7.

Trước diễn biến phức tạp của sâu, bệnh hại trên lúa hè thu, ngày 23 - 7, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định 1866 về việc thành lập 6 tổ công tác để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh sâu cuốn lá và lùn sọc đen.

Theo chủ quan của người đứng đầu ngành nông nghiệp, việc dịch sâu cuốn lá nhỏ bùng phát trên diện rộng và ăn trụi lá lúa trên nhiều diện tích có nguyên nhân từ phía người dân chủ quan nhưng một nửa cùng là do chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, nhất là chưa làm cho dân hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để họ tự giác tham gia phòng chống.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành NN&PTNT cũng chia sẻ với người dân khi sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên tình trạng canh tác được chăng hay chớ vẫn còn xảy ra.

Hạn hán, sâu bệnh tràn lan đã viết nên kịch bản mất mùa trong vụ hè thu này!

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, ngành nông nghiệp đề nghị, ngay lúc này, chính quyền các huyện, thành, thị cần quyết liệt vào cuộc để đón đầu việc phòng ngừa sâu lứa 3 thông qua việc xử lý thuốc hóa học.

Cùng đó, các địa phương xuất hiện bệnh lùn sọc đen tiến hành điều tra, phân loại diện tích nhiễm bệnh để tiến hành tiêu hủy, phấn đấu kết thúc trước ngày 10 - 8. Đối với những diện tích nhiễm bệnh nhưng vẫn còn khả năng cho thu hoạch thì theo dõi để phun trừ rầy (nếu có), chăm sóc để lúa sinh trưởng và phát triển; cuối vụ thu hoạch, những thửa ruộng nhiễm bệnh phải được cày vùi để tiêu diệt mầm bệnh và tránh lây cho vụ sản xuất tiếp theo.

Theo Quyết định 1459 ngày 7-11-2006, Công văn 1486 ngày 9-9-2008, Quyết định 142 ngày 31-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đối với diện tích lúa bị thiệt hại do bệnh lùn sọc đen buộc phải tiêu hủy là 4 triệu đồng/ha và tiền giống cho những diện tích bị nhiễm bệnh là 1 triệu đồng/ha. Nếu buộc phải tiêu hủy gần 910 ha lúa mắc bệnh lùn sọc đen hiện nay thì ước tổng kinh phí mà Hà Tĩnh cần phải chi là 7,58 tỷ đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast