Khi đất sản xuất nông nghiệp “khát nước”

Diện tích lạc chưa đến kỳ thu hoạch đã bị chết rũ do khô hạn, thiếu nước
Diện tích lạc chưa đến kỳ thu hoạch đã bị chết rũ do khô hạn, thiếu nước

Theo báo cáo của UBND xã Thạch Hải, vụ Đông – Xuân năm nay toàn xã trồng với diện tích gần 70ha Lạc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và đặ biệt là mất nước ngầm nên có 13ha Lạc của nhân dân xóm Thượng Hải và Liên Hải (nằm trong vùng moong mỏ) bị chết khô. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Thạc Hà, nguyên nhân lạc chết được xác định là do khô hạn, thiếu nước; tầng đất trong phạm vị bộ rễ sinh trưởng khô, nóng.

Anh Võ Văn Tý – Bí thư Chi bộ xóm Thượng Hải dẫn chúng tôi “thực địa” cho biết: Toàn xóm Thượng Hải có gần 18ha đất trồng Lạc. Mấy năm trước chưa triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì năng suất tương đối cao vì khí hậu, thổ những phù hợp với lạc Đông – Xuân. Nhưng vài năm trở lại đây, do tụt mạch nước ngầm nên năng suất giảm rõ rệt. Đặc biệt năm nay, do không có nước ngầm nên nhiều diện tích cây lạc đang trong thời điểm phát triển củ, chưa đến lúc thu hoạch thì bị khô cháy, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của bà con.

Cây lạc chết khô khi củ mới bắt đầu phát triển
Cây lạc chết khô khi củ mới bắt đầu phát triển

Xót của, người dân đành nhổ lạc sớm để mong “mót” được ít củ lạc non. Nhưng cũng chẳng được bao nhiêu và chẳng làm được gì vì cây thì héo khô, củ không có. Mùa lạc trở thành “mùa đau”, cây lạc chỉ còn có thể xay xát làm thức ăn gia súc. Vậy là, cái nghèo, cái khó càng bám lấy nông dân vùng mỏ.

Ông Nguyễn Khắc Lý ở xóm Thượng Hải ngậm ngùi: nhà tôi có 2 sào, ngày trước mỗi mùa có thể thu hoạch được 2,4 tạ lạc vậy mà bây giờ mất trắng. Đất đai thì đã kiểm đếm nhưng chưa có đền bù, diện tích sản xuất chẳng còn bao nhiêu mà với điều kiện mạch nước ngầm tụt, sa mạc hoá như thế này thì còn làm ăn gì được nữa. Trước mắt, chúng tôi cần có sự hỗ trợ để ổn định cuộc sống còn về lâu dài thì di dời, tái định cư vẫn là giải pháp mà người dân mong đợi nhất.

Xót của, người dân nhỏ lạc về để xay xát làm thức ăn gia súc
Xót của, người dân nhỏ lạc về để xay xát làm thức ăn gia súc

Được biết, vừa qua, UNBD huyện Thạch Hà đã có thông báo sẽ tiến hành bàn giao đất cho 68 hộ thuộc diện phải di dời của 2 xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn trước ngày 30-6-2012. Đồng thời, UBND huyện sẽ trích ngân sách huyện hỗ trợ từ 4-5 triệu đồng để giúp các hộ dân khoan giếng cũng như xây lắp các công trình vệ sinh nước sạch đảm bảo cuộc sống cho người dân sau tái định cư.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: Mặc dù việc tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thử thách nhưng lãnh đạo, các cấp, ngành huyện Thạch Hà quyết tâm sát cánh và tập trung nguồn lực để cùng đồng hành, tháo gỡ với nhân dân trong vùng Dự án. Điều trăn trở nhất hiện nay là những giải pháp cho hậu của GPMB, của việc tái định cư, việc giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho nhân dân… cho dù còn một hộ dân, một tâm tư, hay một thắc mắc nhỏ quan điểm của huyện là phải giải quyết dứt điểm, thỏa đáng, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, tạo một niềm tin, một cuộc sống mới bền vững khi về nơi ở mới.

Bà Nguyễn Thị Thảo 77 tuổi ở xóm Thượng Hải trồng ít dưa non trên diện tích lạc đã chết và ngày ngày phải tưới nước để mong có thu hoạch
Bà Nguyễn Thị Thảo 77 tuổi ở xóm Thượng Hải trồng ít dưa non trên diện tích lạc đã chết và ngày ngày phải tưới nước để mong có thu hoạch

Một đáp án nhỏ cho một bài toán lớn nhưng dù sao cũng cho thấy công cuộc di dời, tái định cư đã bắt đầu có những dấu hiệu khả quan. Để giải quyết triệt để cần lắm sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành. Chỉ khi nào công cuộc tái định cư được thực hiện xong thì khi đó người dân vùng mỏ mới có được cuộc sống ổn định, ấm no như niềm mong hàng chục năm nay của họ về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast