Khuyến khích và định hướng cho nông nghiệp phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Quyết định số 24/2011/QĐ - UBND, ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015 được coi là cơ hội lớn giành cho nông dân trong đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. PV Hà Tĩnh Online phỏng vấn ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT về một số nội dung triển khai Quyết định này.

- Quyết định 24 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 đã có những bước đột phá lớn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như mức hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh. Xin ông khái quát những nét mới nhất của chính sách được đề ra trong Quyết định lần này so với các chương trình hỗ trợ trước đây của tỉnh.

Hiện nay cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đang triển khai thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW, mà trọng tâm là Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Quyết định 800/QĐ-TTg. Đồng thời với thực hiện các chủ chương, chính sách chung của TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Hà Tĩnh có Nghị quyết 08 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các chính sách được ban hành xuất phát từ quá trình khảo sát, nghiên cứu từ thực tiễn sản xuất
Các chính sách được ban hành xuất phát từ quá trình khảo sát, nghiên cứu từ thực tiễn sản xuất

Để triển khai thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh đã có Quyết định 2165/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 về xây dựng các chương trình đề án, quy hoạch, chính sách; trong đó có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015 đã được ban hành ngày 9/8/2011 tại Quyết định số 24/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Đây là một chính sách lớn, có những nét mới so với các chính sách trước đây, bởi: Thứ nhất, đây là một chính sách tổng thể cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; phạm vi, đối tượng và lĩnh vực áp dụng rộng lớn (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp và các loại hình tổ chức sản xuất…).

Thứ hai là, chính sách này đã đáp ứng được hai mục tiêu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đó là khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế.

Thứ ba là, khuyến khích và định hướng cho nông nghiệp tỉnh nhà phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư là, thể hiện được tinh thần, chủ trương của tỉnh, đó là khuyến khích đa dạng hóa trong huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước (tỉnh) chỉ tập trung hỗ trợ những khâu mà người dân, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác không thực hiện được hoặc khó khăn trong thực hiện.

- Nội dung của Quyết định 24 có liên quan đến trách nhiệm của khá nhiều ngành chức năng. Là ngành chủ quản, xin ông cho biết phương hướng và những giải pháp phối hợp với các sở, ngành để thực hiện tinh thần và nội dung của Quyết định một cách đồng bộ và hiệu quả thiết thực?

Trong Quyết định 24/2011/QĐ-UBND đã giao trách nhiệm rất rõ và cụ thề cho các sở, ngành và các địa phương đến tận xã, phường thị trấn. Riêng đối với ngành NN&PTNT, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và có sự phối hợp tốt nhất đối với các sở, ngành, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện một số nội dung sau:

Rà soát soát, điều chỉnh xây dựng các quy hoạch phát triển sản xuất, nhất là quy hoạch cơ cấu cây, con, sản phẩm chủ lực và phải có giải pháp khả thi cho thực hiện quy hoạch, nhất là về đất đai.

Hướng dẫn cụ thể các tiêu chí kỹ thuật chuyên ngành để người sản xuất thực hiện tốt.

Phối hợp với các sở ngành: tài chính, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, lao động thương binh và xã hội… thống nhất bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chính sách.

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan thực hiện phân bổ nguồn kinh phí thực hiện chính sách, đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng.

Kinh tế Hợp tác xã - một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong xây dựng NTM sẽ được chính sách của Quyết định 24 điều chỉnh
Kinh tế Hợp tác xã - một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong xây dựng NTM sẽ được chính sách của Quyết định 24 điều chỉnh

- Xin ông cho biết một số kết quả bước đầu sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Quyết định 24/QĐ-UBND của UBND tỉnh?

Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Quyết định 24/QĐ-UBND, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng mừng, đó là: Chính sách đã và đang được phổ biến một cách sâu rộng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; các cấp, các ngành, các địa phương đang tích cực phổ biến, tuyên truyền để đưa chính sách đến tận người dân (người nông dân, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế…); từ đó nâng cao được nhận thức cho người dân về chủ trương, chính sách của tỉnh trong khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, tỉnh đang xác định một số sản phẩm chủ lực và dành những nguồn lực cũng như tập trung cao trong chỉ đạo như: phê duyệt và thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi lợn, chỉ đạo các địa phương, nhân dân xây dựng nhiều các trang trại tập trung quy mô lớn để đảm bảo cho tổ chức phát triển con giống, cung cấp đủ giống thương phẩm cho hệ thống chăn nuôi vệ tinh.

Cụ thể là đã và đang xây dựng 6 trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn, từ 300-500 lợn nái ngoại, 1000 - 2000 lợn thịt thương phẩm như ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Đức Thọ; liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn của Đài Loan khảo sát để phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, trước mắt là lúa hàng hóa chất lượng cao, rau củ quả chất lượngc ao tại các huyện: Kỳ Anh, Can Lộc. Khảo sát và triển khai dự án sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ rác thải, từ nguồn than bùn, nhằm hỗ trợ cho việc hình thành nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch rong thời gian tới.

Diêm dân Hà Tĩnh cần sớm được hỗ trợ để tiếp tục bám trụ được với nghề muối vốn bấp bênh trong thời gian qua
Diêm dân Hà Tĩnh cần sớm được hỗ trợ để tiếp tục bám trụ được với nghề muối vốn bấp bênh trong thời gian qua

- Để chính sách của tỉnh đến được với nông dân kịp thời và phát huy được tác dụng của nó, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề gì nhất, thưa ông?

Thứ nhất, đối tượng thực hiện chính sách đó chính là người nông dân, các trang trại, HTX, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế liên quan. Vì vậy trước tiên là phải tuyên truyền, phải đưa được chính sách đến tận các đối tượng này, phải làm cho họ biết và hiểu một cách tường tận; hướng dẫn cụ thể cho họ những ai được hỗ trợ và hỗ trợ trên những lĩnh vực nào và phải làm như thế nào mới được hỗ trợ. Đồng thời phải đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho các đối tượng khi tiếp cận với chính sách.

Để đảm bảo thực hiện chính sách theo Quyết định 24 của UBND tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn ngân sách dự kiến là trên 146 tỷ đồng. Trong đó, UBND cấp huyện bố trí ngân sách đảm bảo ở mức 10% trên tổng nhu cầu thực hiện chính sách, UBND cấp xã bố trí ngân sách đảm bảo 5% trên tổng nhu cầu thực hiện chính sách; còn lại 85% do nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo.

Thứ hai là, các sở ban ngành và các địa phương phải có sự phối hợp một cách đồng bộ để triển khai chính sách đến tận người dân một cách hiệu quả.

Thứ ba là, thông qua quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế, cần phải bổ sung, điều chỉnh chính sách một cách phù hợp theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thứ tư là, hàng năm các sở, ban, ngành, các địa phương cần phải tổng hợp một cách kịp thời, đẩy đủ, chính xác nhu cầu về chính sách, các đề xuất gửi về Sở NN&PTNT để Văn phòng tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh.

Thứ năm là, phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình phân bổ và thực hiện nguồn hỗ trợ; tiến hành sơ tổng kết theo định kỳ, đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc thực hiện chính sách trong những giai đoạn tiếp theo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast