“Lợi bất cập hại!”

Trong khi dịch tai xanh tại TP Hà Tĩnh và các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên từng bước được khống chế thì đùng một cái, ngày 13/5, tại các xã: Xuân Lộc và Tùng Lộc (Can Lộc) xuất hiện tình trạng lợn ốm chết do mắc bệnh tai xanh. Điều buồn là số lợn bệnh đó lại do một tổ chức phi chính phủ triển khai và đối tượng tiếp nhận là các hộ nghèo vùng bị ảnh hưởng bởi hậu quả lũ lụt năm 2010.

Chương trình hỗ trợ lợn giống cho hộ nghèo của HCCD:

Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, tính đến ngày 20/5, đã có 75 con lợn (3 nái, 11 choai và 61 con) của 53 hộ ở 18 thôn thuộc 2 xã: Xuân Lộc (40 con/21 hộ/5 thôn) và Tùng Lộc (35 con/32 hộ/13 thôn) bị mắc bệnh tai xanh; trong đó, 34 con bị chết (Xuân Lộc 12 con, Tùng Lộc 22 con).

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút tai xanh của Cơ quan Thú y vùng 3 (Bộ NN&PTNT), ngành chức năng cùng chính quyền huyện Can Lộc và các địa phương đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: thông báo tình hình dịch và các biện pháp phòng chống; chôn hủy lợn ốm, chết theo quy định; tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường khu vực nuôi; tiêm vắc xin tai xanh cho đàn lợn ở 2 xã: Xuân Lộc (2.900 con) và Tùng Lộc (1.200 con); lập các chốt kiểm soát gia súc ra vào vùng dịch...

Không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ kiểm dịch nên không lâu sau khi cấp phát cho dân, lợn của dự án HCCD đã phát tán dịch tai xanh trên địa bàn huyện Can Lộc. Ảnh chỉ có tính minh họa
Không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ kiểm dịch nên không lâu sau khi cấp phát cho dân, lợn của dự án HCCD đã phát tán dịch tai xanh trên địa bàn huyện Can Lộc. Ảnh chỉ có tính minh họa

Ngoài các biện pháp phòng chống dịch bước đầu, hiện nay, Chi cục Thú y Hà Tĩnh còn cử cán bộ giám sát tình hình dịch và triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng dịch nhằm không để lây lan ra diện rộng.

Nếu chỉ là lợn nuôi bình thường của các hộ dân bỗng nhiên bùng phát dịch bệnh thì có lẽ không phải nói thêm nhiều. Tuy nhiên, số lợn mắc bệnh lần này lại do một tổ chức phi chính phủ thực hiện thì không thể chấp nhận được.

Theo tìm hiểu của phóng viên Hà Tĩnh Online, được biết, với sự hỗ trợ của Văn phòng viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu (ECHO) và Tổ chức Action Aid Việt Nam (AAV), từ giữa tháng 3/2011, Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD) được giao nhiệm vụ triển khai Dự án phục hồi ban đầu và cứu trợ lũ lụt.

Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ 1.510 con lợn giống cho các hộ dân thuộc 8 xã của 2 huyện, trong đó Can Lộc 658 con (Xuân Lộc 326 con, Tùng Lộc 322 con) và Vũ Quang 852 con (Đức Hương 195 con, Đức Bồng 103 con, còn lại là các xã: Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Hương Điền).

Sau khi ký hợp đồng (ngày 8/4) với nhà thầu đến từ Nghệ An là Công ty cổ phần Nga Chín (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn), trước mắt, dự án đã tiến hành cấp lợn cho 4 xã: Xuân Lộc, Tùng Lộc, Đức Hương và Đức Bồng với tổng số 955 con.

Do không thu xếp được nguồn hàng từ các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn nên doanh nghiệp này đã thông qua một số đầu mối ở Hà Tĩnh để thu gom một phần lợn giống từ các xã và một số chợ thuộc huyện Can Lộc và Lộc Hà.

Thế nên, toàn bộ số lợn đã cung ứng nói trên đều không có bất cứ một loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc chứ chưa nói đến các chứng nhận an toàn dịch bệnh. Và, trong quá trình bàn giao số lợn trên, đơn vị cung ứng cũng không tuân thủ quy trình phòng ngừa dịch bệnh. Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì, toàn bộ số lợn đó vẫn được dúi vào tay các hộ nghèo ở Can Lộc và Vũ Quang một cách êm xuôi?!

Ông Lê Văn Định – Giám đốc Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh giải thích, khi bàn giao lợn cho dân, chúng tôi có đề nghị cơ quan thú y giúp đỡ vấn đề này. Tuy không cách ly theo dõi nhưng toàn bộ số lợn trước khi giao đều được cho uống thuốc tiêu chảy và phù đầu.

“Trước khi triển khai dự án, HCCD đã có văn bản gửi cơ quan chuyên môn tham vấn và được hướng dẫn cụ thể nhưng khi cấp phát cho dân thì toàn bộ số lợn đó không có giấy tờ mà vẫn hoàn tất việc bàn giao?”. – “Nếu họ (Cán bộ thú y huyện Can Lộc) kiên quyết không cho thì chúng tôi cũng chịu. Đằng này họ vẫn đồng ý để phát cho dân”.

Vậy là đã rõ, mặc dù biết bên B không làm theo cam kết như trong hợp đồng kinh tế đã ký, cùng với sự thiếu trách nhiệm của cơ quan thú y địa phương nhưng chủ đầu tư, trực tiếp là ông Định (cùng tham dự buổi bàn giao lợn dự án cho người dân xã Tùng Lộc) vẫn để sự việc tiếp diễn, dẫn đến hậu quả bùng phát dịch tai xanh trên địa bàn huyện Can Lộc sau đó ít ngày.

Trước áp lực của ngành chuyên môn về phòng chống dịch tai xanh ở lợn tại 2 xã: Xuân Lộc và Tùng Lộc, mới đây, Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh đã mua 5.000 liều vắc xin tai xanh (khoảng 165 triệu đồng) để tiêm phòng cho toàn bộ đàn lợn ở các địa phương này và 2 xã của huyện Vũ Quang.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là ngoài 2 xã vùng dịch đó, liệu dịch có tấn công vùng bị uy hiếp gồm các xã: Thuần Thiện, thị trấn Nghèn, Tiến Lộc, Quang Lộc, Trung Lộc và Khánh Lộc? Và, chắc gì 298 con lợn đã cấp cho các hộ dân ở 2 xã: Đức Hương và Đức Bồng (Vũ Quang) sẽ an toàn với dịch bệnh khi cũng không chứng minh được nguồn gốc, không có hồ sơ kiểm dịch!

Chỉ biết, hiện nay, chính quyền huyện Vũ Quang đã từ chối việc cấp tiếp 555 con lợn cho 4 xã còn lại.

“Lợi bất cập hại!”. Sau sự việc lần này, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguồn gốc, quy trình nhập số lợn giống nói trên và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, không tuân thủ các quy định trong việc nhập con giống, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast