Mô hình nuôi lợn thịt hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hà Tĩnh vừa xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Quy mô của mô hình gồm 67 con lợn thịt lai 3 máu (Yorkshire x Landrace x Duroc), đây là loại lợn có tỷ lệ nạc cao (từ 55 - 57%), tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp. Sau 3 tháng đưa vào nuôi cho thấy, đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng đạt bình quân từ 95 - 100 kg/con, mức tăng trọng đạt 700 - 750g/con/ngày (vượt mục tiêu mô hình đề ra), đặc biệt nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường nên đàn lợn không bị dịch bệnh. Chất thải chăn nuôi được các hộ dân đưa vào bể biogas xử lý vừa đảm bảo môi trường sạch sẽ lại có khí đun nấu thoải mái.

Mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại gia đình chị Nguyễn Thị Minh, xóm 1, xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh)
Mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại gia đình chị Nguyễn Thị Minh, xóm 1, xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh)

"Chăn nuôi lợn theo phương thức này không bị dịch bệnh, lợn dễ nuôi, lớn nhanh, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với giống lợn F1. Sau 3 tháng nuôi cho lãi trên 600 ngàn đồng/con, đặc biệt chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường kết hợp với xây dựng bể biogas không phải mất nhiều công trong việc xử lý chất thải mà còn tiết kiệm 180 - 220 ngàn đồng/tháng tiền mua chất đốt", chị Nguyễn Thị Minh ở xóm 1, xã Kỳ Bắc tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn 8, xã Kỳ Bắc - hộ tham gia mô hình cho hay: Áp dụng nuôi chăn nuôi lợn theo kỹ thuật của cán bộ khuyến nông về biện pháp phòng trừ dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng đã giảm được dịch bệnh, môi trường nuôi không bị ô nhiễm, lợn tăng trọng nhanh. Đây là mô hình rất dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình.... Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng lợn đạt bình quân từ 95 - 100 kg/con; với giá bán 24 ngàn đồng/kg lợn hơi, sau khi trừ chi phí còn cho thu lãi trên 550 ngàn đồng/con.

Ông Lê Trung Vỵ - Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc cho biết: "Để nhân rộng mô hình này trong thời tới, ngoài việc tổ chức tập huấn chuyển giao KHCN, tuyên truyền vận động người dân áp dụng KHKT mới thì cần có sự hỗ trợ của các ngành trong việc cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh công tác thú y, đặc biệt tổ chức quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư. Một yếu tố khá quan trọng là phải giúp người nuôi tìm đầu ra cho sản phẩm".

Thành công mô hình nuôi lợn thịt hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường ở Kỳ Bắc góp phần giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, đổi mới tư duy, phương thức sản xuất đồng thời tạo nguồn thực phẩm tốt, sạch bệnh cung cấp cho thị trường. Để nhân rộng mô hình, thiết nghĩ, các địa phương cần quy hoạch đất đai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng và cung cấp các địa chỉ về cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y ... Nếu làm tốt các phần việc đó, tin rằng, người dân sẽ đổi mới phương thức chuyển sang chăn nuôi theo quy trình thâm canh đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh. Đây chính là cách để vừa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động tại địa phương, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast