Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng lâu dài, gian khó nhưng rất vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó nông dân là chủ thể năng động, sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, mỗi người dân phải ý thức rõ mô hình nông thôn mới mà mình sẽ chung tay, đồng sức, đồng lòng xây dựng. Để có mô hình nông thôn mới mang tính kế thừa và bổ sung,phát triển mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề quy hoạch được đặt lên hàng đầu, trỡ thành tiêu chí đầu tiên. Nếu quy hoạch không đi trước một bước và không có chất lượng không thể có nông thôn mới.

Một mô hình quy hoạch XD NTM. Nguồn: Shopbuild.vn

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới là bố trí, sắp xếp các khu chức năng, sản xuất, dịch vụ; hạ tầng kinh tế- xã hội- môi trường trên địa bàn, theo tiêu chuẩn nông thôn mới, gắn với đặc thù, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; được mọi người dân của xã trong mỗi làng, mỗi gia đình ý thức đầy đủ, sâu sắc và quyết tâm thực hiện.

Nhận thức rõ vai trò quyết định của quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân chung tay, đồng sức, đồng lòng thi đua thực hiện. Quán triệt Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08 nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 17( nhiệm kỳ 2010-2015) đã đặt mục tiêu đến 2015, toàn tỉnh có trên 20% số xã( 48 xã) đạt nông thôn mới. Ngoài xã Gia Phố là xã được Trung ương chọn làm mô hình thí điểm, UBND tỉnh đã chọn 12 xã chỉ đạo điểm thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới trước năm 2013 và 35 xã hoàn thành trước năm 2015. Đến nay đã có 22 xã phê duyệt xong quy hoạch. Cùng với các xã được chọn làm điểm, đến nay 173/187 xã đã tiến hành ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn làm quy hoạch., 13 xã hoàn thành xây dựng đề án nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất đang trình phê duyệt. Trong nhóm 35 xã và nhóm 187 xã có 72 xã hoàn thành dự thảo đề án xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã trích ngân sách tỉnh 50 tỷ đồng, 30 tỷ đồng từ nguồn vay tín dụng ưu đãi để hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới. Trước mắt bố trí cho nhóm 48 xã thực hiện một số nội dung thiết yếu: quy hoạch, xây dựng hạ tầng, phát triển sản suất.

Thực tế quy hoạch xây dựng nông thôn mới hiện nay trên cả nước nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng đang gặp những khó khăn, vướng mắc: Thói quen hành động theo lối chủ quan, tùy tiện, không có kế hoach, thích gì làm nấy, hoặc vừa làm, vừa lập kế hoạch nên nông thôn ngổn ngang, thiếu tính tổ chức, tổng thể và liên kết, phát triển cái này làm cản trở phát triển cái kia. Chất lượng lập quy hoạch chưa cao: Ý thức về mô hình nông thôn mới chưa đầy đủ, sâu sắc, nên còn lúng túng; chưa khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, trình độ phát triển, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế ; thiếu tính kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa, chạy theo tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa; thiếu tính toàn diện, tổng thể, trọng tâm, trọng điểm, gắn với đặc thù , tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; quy hoach nông thôn mới là vấn đề mới, mang tính chiến lược tổng thể về kinh tế -xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều người nhưng chưa được tư duy, bàn bạc, thảo luận dân chủ, tích cực, chủ động, sáng tạo của mọi người dân, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, đang còn khoán trắng cho đơn vị tư vấn. Kết quả lập quy hoạch là mô hình nông thôn mới chưa được mô hình hóa, trực quan hóa, công khai hóa để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, lòng quyết tâm thực hiện của mọi người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa công tác quy hoạch

ở xã Hương Minh (Vũ Quang)

Để việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới có chất lượng, hiệu quả, mang tính khả thi, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây : Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, địa phương cần nâng cao nhận thức cho mọi người dân về nông thôn mới. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 củaThủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT, ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vê Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 1/6/2011 hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nêu định hướng phối hợp tuyên truyền đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Sự chỉ đạo, điều hành thực hiện của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh. Mô hình nông thôn mới phải mang tính tổng thể, hệ thống, kế thừa và đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa : Phát triển có quy hoạch, theo đúng tiêu chuẩn, gắn với đặc thù, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đảm bảo không gian, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn. Cũng cố, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm; nhất là hệ thống đường bê tông liên thôn, liên gia, liên xã, liên quốc gia, quốc tế. Sắp xếp lại khu dân cư; khu vực sản xuất hàng hóa( trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, nguyên liệu,...); khu chợ và dịch vụ thương mại; khu trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa; khu cấp nước sạch; khu xử lý rác thải, vệ sinh môi trường. Chuyển dịch ruộng đất, cơ cấu kinh tế- lao động hợp lý, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục-đào tạo, văn hóa, thông tin, du lịch, y tế, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; quản lý dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng. Giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển...

Nhân dân xã Tùng Ảnh xem xét và đóng góp ý kiến chỉnh sửa quy hoạch

Trong chương trình phát triển tổng thể nông thôn, cần tập trung giải quyết 4 vấn đề cốt lõi: Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, nhất là nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, đảng viên ( lòng yêu nước thương dân, lý tưởng cộng sản- tính Đảng, tinh thần trách nhiệm, trình độ khoa học công nghệ và năng lực tư duy). Thứ hai, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng nông thôn hiện nay để kế thừa những thành tựu, phát huy mọi tiềm năng , lợi thế, giữ gìn bản sắc văn hóa và bổ sung, phát triển mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ ba, huy động mọi người dân tích cực tham gia, thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bản dự thảo quy hoạch của đơn vị tư vấn cần được mọi cán bộ, đảng viên và người dân tư duy, bàn bạc, thảo luận, góp ý kiến; được đại diện chủ đầu tư ( Chủ tịch xã), đại diện lãnh đạo xã ( Bí thư Đảng ủy) khẳng định và kết luận. Kết luận của chủ đại diện chủ đầu tư và lãnh đạo xã về mô hình nông thôn mới tạo được sự đồng thuận, đồng cảm chung của mọi người dân và được cấp trên phê duyệt. Thứ tư, mô hình nông thôn mới cần được mô hình hóa, trực quan hóa một cách trang trọng, đẹp đẽ, rõ ràng, sắc nét, trở thành giá trị văn hóa để mọi người dễ nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng quyết tâm thực hiện .

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast