Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân - tạo nền tảng xây dựng NTM bền vững

Quyết định 800/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự là cơ hội “vàng” cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để biến cơ hội ấy thành hiện thực, cần có cách nhìn, cách tiếp cận đúng đắn, nhất là đối với Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình sản xuất bún, bánh tại gia đình ông Dương Hồng Tính - xóm 4, xã Gia Phố...
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình sản xuất bún, bánh tại gia đình ông Dương Hồng Tính - xóm 4, xã Gia Phố...

Chỉ thị 100, khoán 10, giao đất ổn định lâu dài cho nông dân theo Nghị định 64, thực hiện 5 quyền theo Luật đất đai... là những chủ trương, chính sách lớn tháo gỡ những “nút thắt” của cơ chế cũ, đã tạo ra những động lực to lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mỗi thời điểm đổi mới cơ chế đều gắn liền với những thành tựu to lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình xây NTM là nội dung cốt lõi trong thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư, Nghị quyết 08-NQ/T.U của BCH Đảng bộ tỉnh, đây là lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được bàn một cách toàn diện, đi từ quy hoạch và định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, nếu không được nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ, không có cách tiếp cận đúng đắn, nhất là đối với Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, thì rất khó tạo ra được động lực nội sinh cho sự phát triển, bảo đảm xây dựng NTM bền vững.

Vì vậy, khi xây dựng Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân cần quan tâm và làm rõ một số nội dung sau đây:

Thứ nhất: Khi xây dựng Đề án phải tổ chức điều tra (gắn với kết quả điều tra nông nghiệp, nông thôn và nuôi trồng thủy sản vào đầu tháng 7 vừa qua), số liệu phải bảo đảm độ tin cậy cao, khách quan, đánh giá thật sát đúng thực trạng các ngành nghề sản xuất; làm rõ được các ngành nghề, sản phẩm chủ lực, loại hình tổ chức, mô hình sản xuất đem lại thu nhập chính cho người dân trong những năm qua. Từ kết quả đó, với việc tiếp cận những định hướng mới trong phát triển sản xuất, kinh nghiệm học tập từ bên ngoài, làm rõ hướng quy hoạch các loại ngành nghề, sản phẩm chủ lực trên địa bàn; đây là nội dung rất quan trọng cần đưa vào quy hoạch chung xây dựng NTM của từng địa phương

Thứ hai:Việc xác định ngành nghề, sản phẩm chủ lực phải cùng đi với tư duy và cách thức tổ chức sản xuất hàng hóa; phải thực sự là ngành nghề, sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có lợi thế trên thị trường. Với điều kiện của tỉnh ta, tùy vào tình hình từng địa phương có thể xác định một số sản phẩm chủ lực đó là: chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, phát triển cao su, nhất là cao su tiểu điền; chè công nghiệp; trồng rừng nguyên liệu; nuôi tôm trên cát; các sản phẩm hàng hóa truyền thống như: lạc, lúa hàng hóa chất lượng cao; các sản phẩm đặc sản như: nhung hươu, cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch...

Người dân làng nghề Thái Yên (Đức Thọ) mở rộng quy mô sản xuất hàng mộc tại Cụm công nghiệp tập trung
Người dân làng nghề Thái Yên (Đức Thọ) mở rộng quy mô sản xuất hàng mộc tại Cụm công nghiệp tập trung

Thứ ba:Qua kinh nghiệm của tỉnh ta, cũng như cả nước, trong điều kiện người nông dân còn nghèo, sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn và rủi ro cao, thì mô hình “nông dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp” là hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững và an toàn nhất cho người nông dân hiện nay. Ví dụ như: mô hình chăn nuôi lợn liên kết giữa Công ty Khoáng sản – Thương mại với các hộ nông dân, những năm qua mặc dù ngành chăn nuôi lợn luôn đầy rủi ro, khó khăn nhưng các hộ này vẫn phát triển sản xuất ổn định, sản phẩm của họ được gắn với thương hiệu sản phẩm của một công ty sản xuất theo công nghệ cao, có uy tín trên thị trường.

Thứ tư: Một thực tế là, xu thế sản xuất của các “hộ nông dân nhỏ, tự chủ” ngày càng gặp rất nhiều khó khăn trong môi trường cạnh tranh, vì vậy việc chuyển đổi ruộng đất, khuyến khích tăng quy mô sản xuất, phát triển tổ đội liên kết, HTX, trang trại, ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT, hình thành các hiệp hội nghề nghiệp là một yêu cầu khách quan của sự phát triển; chúng ta cần phải tạo môi trường hành chính, kinh doanh thông thoáng cho kinh tế doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, đây thực sự là yêu cầu cấp thiết cho cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề này cần được nhận thức đầy đủ và đưa vào đề án sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ năm: Thực tế cho thấy, làm được quy hoạch tốt đã khó, nhưng thực hiện quy hoạch, nhất là điều chỉnh lại ruộng đất của hộ nông dân đã giao ổn định lâu dài theo Nghị định 64, bố trí cho những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, lại càng khó khăn hơn nhiều. Các địa phương cần chủ động tìm kế sách để thực hiện; cùng với đó là ưu tiên nguồn ngân sách chương trình mục tiêu NTM, nguồn vốn lồng ghép, nguồn ngân sách các cấp, trước hết đầu tư cho xây dựng hạ tầng các khu quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, mới thực sự tạo được động lực mạnh mẽ cho sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần tích cực hoàn thành tiêu chí thu nhập trong đề án xây dựng nông thôn mới.

Chăn nuôi hươu - thế mạnh phát triển kinh tế của nhiều người dân huyện Hương Sơn
Chăn nuôi hươu - thế mạnh phát triển kinh tế của nhiều người dân huyện Hương Sơn

Ngành NN-PTNT Hà Tĩnh hiện đang xây dựng và triển khai các đề án, quy hoạch phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nhằm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/T.U như: Đề án chăn nuôi (trọng tâm là Đề án chăn nuôi lợn); phát triển ngành Trồng trọt; quản lý bảo vệ phát triển rừng bền vững; phát triển cao su tiểu điền; nuôi trồng thủy sản; khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành nghề nông thôn; cũng cố phát triển các loại hình tổ chức sản xuất ở nông thôn; công nghệ sau thu hoạch; áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất. Quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung; vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao; quy hoạch mạng lưới bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn; quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi Hà Tĩnh. Đây là định hướng rất quan trọng về trước mắt, cũng như lâu dài cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. Các địa phương cần phải chủ động tiếp cận, vận dụng vào tình hình thực tế của mình, xây dựng các đề án và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Để kịp thời động viên, khuyến khích bà con nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ngày 9-8-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 24/QĐ-UBND về ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2015. Đây là nguồn lực lớn, là một sự ưu ái của tỉnh đối với bà con nông dân, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm phổ biến, quán triệt kịp thời đến tận người dân và triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast