Phòng chống lụt bão – giảm nhẹ thiên tai bắt đầu từ việc nâng cao ý thức cộng đồng!

Mấy năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh ta cũng có người chết do bão, lũ gây ra. Điều đáng lo ngại là những cái chết này lại bất thình lình xẩy ra khi bão đã tan, còn nguyên nhân cốt lõi là do chủ quan, bất cẩn. Thực trạng này một lần nữa minh chứng, nếu không bắt đầu từ ý thức cộng đồng thì công tác PCLB – GNTT sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn…

Ketsana là tên quốc tế của cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi ngày 29 – 9 – 2009. Tuy không trực tiếp đi vào Hà Tĩnh nhưng ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão đã gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ lên nhanh, hàng ngàn ngôi nhà và nhiều diện tích hoa màu bị ngập hỏng là điều dễ hiểu; nhưng việc để 5 người chết và 5 người bị thương thì không dễ chấp nhận, nhất là khi những trường hợp này đều xuất phát từ tư tưởng chủ quan, lơ là. Đó cũng chính là một trong những tồn tại mà BCH PCLB tỉnh nghiêm túc nhìn nhận và kỳ vọng sẽ tránh lặp lại trong mùa mưa bão 2010 và nhiều năm về sau.

Nhân dân địa phơng tập trung ứng cứu đê Cẩm Nhượng trong cơn bão số 9 năm 2009.
Nhân dân địa phơng tập trung ứng cứu đê Cẩm Nhượng trong cơn bão số 9 năm 2009.

Biến đổi khí hậu toàn cầu đang dần phá vỡ những quy luật tưởng chừng như bất biến. Biểu hiện rõ nét nhất trong những năm gần đây là thiên tai xảy ra nhiều hơn, bão, lũ, lũ quét có cường độ cao hơn, diễn biến bất thường hơn và dĩ nhiên là sức tàn phá cũng mạnh hơn.

Ngay từ đầu năm 2010 này, trong khi miền Bắc hạn hán trên diện rộng thì miền Nam lại bị nước biển xâm thực mạnh và miền Trung phải hứng chịu những đợt nắng gay gắt. Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi mực nước các hồ chứa đều ở mức rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, đặc biệt là mực nước trên sông La xuống thấp dẫn đến sự xâm nhập mặn ở cống Trung Lương và cống Đức Xá.

Những hiện tượng trên cho thấy, diễn biến của khí hậu ngày càng bất thường và khó lường hơn, đòi hỏi công tác PCLB – GNTT phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Theo ông Bùi Lê Bắc – Chi cục trưởng Chi cục PCLB&QLĐĐ kiêm Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh, kinh nghiệm PCLB – GNTT trong nhiều năm qua ở Hà Tĩnh cho thấy, với thiên tai chỉ có cách phòng tránh là chính, khi buộc phải đối phó rồi thì cần triển khai kịp thời các biện pháp, còn bước vào giai đoạn khắc phục thì dứt khoát phải hành động khẩn trương và tập trung cao để đạt hiệu quả.

Để thực hiện tốt phương châm: “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong mùa mưa, bão năm 2010 này, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai, bão lũ trong cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, quá đó, hình thành ý thức chuẩn bị dự trữ lương thực, nước sạch, chất đốt, thuốc chữa bệnh, phương tiện, các nhu yếu phẩm, vật dụng khác để tự đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng thôn, xóm khi bị cô lập trong điều kiện lực lượng ứng cứu chưa tiếp cận được.

Tiếp đó là củng cố, nâng cao năng lực hệ thống dự báo, cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành, nắm chắc diễn biến thời tiết, đảm bảo thông tin trong mọi tình huống, trong đó, cần duy trì chế độ trực ban 24/24h trong mùa mưa, bão; Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của Chính phủ và kế hoạch hành động của tỉnh, đồng thời thực hiện quản lý quy hoạch lưu vực sông Cả, hoàn thành dự án quy hoạch thoát lũ các tuyến sông có đê và bổ sung quy hoạch đê điều.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các công trình đề điều, hồ đập trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng chất lượng để kịp thời sửa chữa trước mùa mưa bão, đồng thời xây dựng phương án bảo vệ hiệu quả; Không ngừng nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn trên cơ sở tổ chức tập huấn, diễn tập ở các địa phương, ngành, các công trình trọng điểm; Tranh thủ các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình nâng cấp đê sông, đê biển, xử lý sạt lở bờ sông, an toàn hồ chứa, xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão tàu thuyền để tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCLB…

Cũng theo Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh, ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ chung thì BCH PCLB các công trình trọng điểm như: đê La Giang, hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, hồ Sông Rác – Kim Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng, cần thực hiện nghiêm quy trình vận hành, tích xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình lẫn dân cư vùng hạ du hồ chứa khi bão, lũ xẩy ra.

Đối với các khu vực trọng điểm gồm: vùng ven biển, ven cửa sông, khu vực các huyện miền núi thường xuyên bị lũ quét – sạt lở đất, vùng ngập lụt hạ huyện Hương Sơn, Vũ Quang, ngoài đê La Giang, vùng ngập úng nội đồng dọc kênh Nhà Lê và hạ du các hồ chứa lớn, cần phân vùng, đánh giá nguy cơ rủi ro để chủ động “4 tại chỗ” và sẵn sàng cho việc sơ tán dân cư.

Mỗi mùa mưa lũ về lại tiềm ẩn những nỗi lo, nhưng nếu chủ động phòng tránh, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại không đáng có.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast