Sức vươn Khánh Lộc

Xã Khánh Lộc, ngày trước có tên là Đông Lâm, trấn giữ cửa ngõ phía Tây huyện lỵ Can Lộc (Hà Tĩnh). Khánh Lộc không chỉ nổi tiếng là vùng đồng bằng phì nhiêu, vựa thóc của Hà Tĩnh từ bao đời nay, mà còn là một trong những cái nôi của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, người dân Khánh Lộc tiếp tục nhân lên hào khí cách mạng năm xưa, tạo nên những dấu ấn quan trọng trên vùng quê lúa.

Tên xã Đông Lâm được người Pháp đặt cho vùng đất ở cửa ngõ phía Tây huyện lỵ Can Lộc bởi đây là vùng lòng chảo phía Đông dãy núi Giăng Màn. Đông Lâm nghĩa là vùng đất “đông rừng”. Vùng lòng chảo màu mỡ này được bồi đắp bởi phù sa các con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu do dãy núi Hồng Lĩnh ở phía Đông chắn lại khi chưa có đê La Giang. Hồng Lĩnh vì thế trở thành bức tường thành khổng lồ ở phía Đông che sóng biển, chắn gió mùa đông - bắc, còn ở phía tây, dãy Giăng Màn chắn gió Lào tạo nên một vùng trời xanh nước biếc, quanh năm cây cối tốt tươi. Đông Lâm là cửa ngõ phía Tây của huyện lỵ Can Lộc, địa bàn trấn giữ con đường huyết mạch nối quốc lộ 1A với các huyện phía Tây Hà Tĩnh, sang tận Trung Lào theo tuyến tỉnh lộ 6.

Khánh Lộc chủ động đưa nhiều giống lúa mới , nâng cao năng suất trên diện tích canh tác (ảnh: Giống lúa Thuỵ Hương 308 trồng thử nghiệm ở Khánh Lộc cho năng suất cao) - ảnh: Văn Học.
Khánh Lộc chủ động đưa nhiều giống lúa mới , nâng cao năng suất trên diện tích canh tác (ảnh: Giống lúa Thuỵ Hương 308 trồng thử nghiệm ở Khánh Lộc cho năng suất cao) - ảnh: Văn Học.

Từ những ngày đầu cách mạng còn trứng nước, người dân Đông Lâm đã sớm giác ngộ, lập nên những trang sử hào hùng. Cuối tháng 8-1930, chi bộ Đông Lâm - một trong những tổ chức Đảng ra đời sớm nhất của huyện Can Lộc, chính thức được thành lập. Ngay sau ngày thành lập, chi bộ Đông Lâm đã vận động quần chúng tập trung về huyện lỵ tham gia cuộc biểu tình lịch sử hưởng ứng phong trào đấu tranh của công nhân Trường Thi - Bến Thuỷ. Cùng với Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, Đông Lâm trở thành một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất tỉnh Hà Tĩnh trong Cách mạng Tháng Tám.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do vị trí địa lý trọng yếu, giao thông thuỷ, bộ đều thuận lợi nên Khánh Lộc trở thành điểm tập kết hàng hoá và lực lượng của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đảng bộ và nhân dân Khánh Lộc vừa sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, vừa chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường. Ghi nhận những công lao, thành tích của Khánh Lộc trong các cuộc kháng chiến, năm 2003, Đảng và Nhà nước đã phong tặng xã danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, hào khí cách mạng năm xưa tiếp tục được người dân quê lúa nhân lên trong cuộc chiến chống đói nghèo lạc hậu. Đặc biệt mấy năm gần đây, với nhiều chủ trương sát đúng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Lộc đã tạo nên những chuyển biến quan trọng trên mọi lĩnh vực, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tập trung cao độ đưa kinh tế địa phương phát triển toàn diện cả về tốc độ và chất lượng.

Rượu nếp - đặc sản của Khánh Lộc ngày càng có uy tín trên thị trường - Ảnh: Quang Linh.

Rượu nếp - đặc sản của Khánh Lộc ngày càng có uy tín trên thị trường - Ảnh: Quang Linh.

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Khánh Lộc xác định nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu nên từ những năm đầu đổi mới, người dân quê lúa đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất trên diện tích canh tác. Trong cơ cấu kinh tế, Khánh Lộc xác định tập trung vào hai vấn đề chính là trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời chuyển một số lao động sang làm ngành nghề dịch vụ, xây dựng các mô hình kinh tế có thu nhập cao. Điều đáng ghi nhận đầu tiên trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là xã đã huy động được nhiều nguồn lực, đầu tư củng cố hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng.

Ngày trước, con sông Thúc Giang bắt nguồn từ vùng thượng Can, góp nước các khe suối từ đỉnh Giăng Màn nhưng khi về đến Khánh Lộc lại bị nhiễm mặn nước sông Nghèn. Từ nội lực sức dân, Khánh Lộc đắp đập Đình ngăn mặn, lấy nước ngọt thượng nguồn tưới mát cho toàn bộ đồng lúa của xã. Ngày nay, khi sông Nghèn được ngọt hoá, con đập ngày xưa ấy được thay thế bằng trạm bơm điện chợ Đình, bổ sung nguồn nước cho các xã vùng thượng Can.

Bằng nhiều chủ trương, biện pháp khơi nguồn nội lực, thu hút ngoại lực, Đảng bộ Khánh Lộc lãnh đạo địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đưa xã vào tốp đầu của huyện về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2007, Khánh Lộc là xã về đích đầu tiên của huyện Can Lộc trong thực hiện CĐRĐ lần 2 gắn với quy hoạch, quản lý đất đai. Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, toàn xã giảm được gần 60% số thửa so với trước chuyển đổi, đạt bình quân 2,06 thửa/hộ dân. Với chủ trương nhân rộng các mô hình kinh tế, toàn xã phát triển được hơn 40 mô hình kinh tế tổng hợp diện tích từ 2.500-6.500m2, tạo bước đột phá mới làm thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Sau CĐRĐ lần 2, các loại quỹ đất được quản lý, sử dụng chặt chẽ và có hiệu quả hơn, giao thông, thuỷ lợi nội đồng được quy hoạch cơ bản, cứ 2 thửa có 1 đường rộng từ 3-5m. Theo số liệu thống kê năm đầu, người nông dân canh tác trên đồng đất chuyển đổi giảm được 30% chi phí công sản xuất nhờ các khâu làm đất, chăm sóc lúa được cơ giới hoá, và khi bờ vùng bờ thửa được kiên cố sẽ giảm tiêu hao thuỷ lợi, tiết kiệm phân bón; thu nhập trên mỗi héc-ta đất canh tác sau chuyển đổi tăng hơn 10,5 triệu đồng/năm so với trước. Điều này là minh chứng cho hướng đi trên bước đường xây dựng nông thôn mới của Khánh Lộc là phù hợp, giúp người nông dân vững tin làm giàu bằng chính nghề nông trên đồng đất của mình, góp phần rút ngắn tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Ngọn gió đổi mới không ngừng thổi bùng hào khí của người dân quê lúa, làm cho bộ mặt làng quê Khánh Lộc đổi thay từng ngày. Trong nhiệm kỳ qua, Khánh Lộc huy động sức dân hơn 23 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thành hệ thống trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, khép kín hệ thống đường bê tông liên thôn, liên gia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã mấy năm gần đây đều đạt trên 14%; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 13 triệu đồng, vượt 163% so với mục tiêu NQ Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra.

Khánh Lộc tiếp tục thực hiện chủ trương đưa đường bê tông ra đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hoá sản xuất - Ảnh: Văn Học.
Khánh Lộc tiếp tục thực hiện chủ trương đưa đường bê tông ra đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hoá sản xuất - Ảnh: Văn Học.

Khánh Lộc là xã đi đầu về thực hiện chương trình xây dựng các công trình nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn; là xã đầu tiên của huyện Can Lộc thực hiện thí điểm quy hoạch và phân cấp quản lý hệ thống giao thông nông thôn, phấn đấu đến tháng 3-2010 hoàn thành quy hoạch giao thông cắm mốc lộ giới; là xã đầu tiên của Can Lộc đang triển khai đề án làm đường bê tông vươn ra đồng. Các phong trào thanh niên lập nghiệp, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, việc huy động các nguồn vốn vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế đã từng bước nâng cao mức sống người dân, mức tổng dư nợ vốn vay hiện đạt trên 16 tỷ đồng.

Gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, Khánh Lộc có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, động viên người dân mở mang ngành nghề dịch vụ - thương mại, làm cho cán cân kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Bên cạnh các vùng chuyên canh sản xuất lúa, vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại, những vùng dân cư dọc các tuyến tỉnh lộ 6, tỉnh lộ 12, khu trung tâm xã.., được quy hoạch phát triển kinh tế-dịch vụ tổng hợp. Trung tâm dịch vụ thương mại tổng hợp, nòng cốt là HTX sản xuất – kinh doanh rượu nếp truyền thống và HTX dịch vụ kinh doanh điện bước đầu hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại-dịch vụ.

Những kết quả, thành tích bước đầu trên con đường đổi mới mà Đảng bộ, nhân dân Khánh Lộc đạt được không chỉ là những con số so sánh đơn thuần, mà ẩn chứa trong đó sự bứt phá vươn lên từ nội lực của một vùng quê lúa. Đó chính là tiền đề thiết yếu cho sự nghiệp CNH, HĐH, là luồng gió mới thổi bùng thêm hào khí trên quê hương xô-viết, tạo sức vươn để Khánh Lộc tiếp tục chuyển mình đi lên cùng đất nước.

Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast