Tăng cường chống rét cho gia súc

Các đợt lạnh tăng cường liên tục gối lên nhau đã làm cho rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng. Để đảm bảo phát triển ổn định đàn vật nuôi, chính quyền địa phương và người dân huyện Cẩm Xuyên đã tăng cường các biện pháp giữ ấm và đảm bảo thức ăn cho vật nuôi.

Gia đình bà Phan Thị Sanh ở thôn 12, xã Cẩm Mỹ nuôi 3 con bò làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh sản tăng thu nhập cho gia đình. Những ngày vừa qua do giá rét, mưa lạnh nên bà đã không còn chăn thả bò ở ngoài đồng mà đưa về nuôi nhốt tại chuồng. Về đây tuy không có cỏ mềm như trên các bờ ruộng, triền sông nhưng do rút kinh nghiệm từ đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 gia đình bà Sanh đã chú trọng dự trữ thức ăn cho gia súc ngay từ đầu, tận dụng được nguồn phụ phẩm từ trồng trọt như rơm khô; thân và lá cây lạc, ngô làm thức ăn khi nhốt bò tại nhà. Dùng nước ấm hòa với cám cho bò uống tăng chất dinh dưỡng và giữ ấm cho vật nuôi.

Tăng thức ăn...

Đối với bà Trần Thị Hạnh ở thôn 9, xã Cẩm Lĩnh thì đã 4 năm trôi qua nhưng bà vẫn chưa quên được đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 đã làm cho 2 con trâu, bò của gia đình bị chết trong rừng. Ngay sau đó với con trâu duy nhất còn sót lại bà đã đưa về nhà nuôi, không thả rông như trước đây nữa. Lúc đầu gặp không ít khó khăn vì nơi ở của trâu thì tạm bợ, thức ăn lại không chủ động được, nhất là trong mùa mưa rét. Trước trực trạng đó, bà bắt đầu tận dụng rơm sau mỗi mùa gặt, trồng thêm cỏ VAO6 là loại cỏ mà trâu, bò rất ưa thích. Cùng với đó gia đình bà Hạnh đã đầu tư hơn 10 triệu đồng xây chuồng kiên cố làm nơi ở đảm bảo cho gia súc. Bên cạnh đó bà còn xây hẳn một gian phòng nhỏ để bỏ rơm dự trữ cho vật nuôi vì lo mùa mưa dài ngày sẽ khó đảm bảo đủ nguồn thức ăn. Bà Trần Thị Hạnh – Thôn 9, xã Cẩm Lĩnh phấn khởi nói: “Từ ngày đưa trâu về nhà nuôi thấy yên tâm hẳn, không còn thấp thỏm lo âu như trước đây nữa. Đến nay chúng tôi cũng đã tự túc được thức ăn trong mùa mưa rét cho trâu, bò”

Cùng với gia đình bà Hạnh thì sau đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 các hộ chăn nuôi gia súc ở đây đều đã thay đổi hình thức chăn nuôi. Việc thả rông trâu, bò trên rừng chỉ còn thấy trong những ngày nắng ấm, bộn rộn mùa màng. Đối với xã có số lượng trâu, bò lớn như Cẩm Lĩnh thì việc chuyển biến này đã góp phần quan trọng giúp ổn định tổng đàn và hạn chế dịch bệnh phát sinh. Trước đây sau mùa thu hoạch, người dân thường vứt bỏ rơm nhưng nay đã được vận chuyển về nhà, xếp thành đống làm nguồn thức ăn dự trữ, trồng thêm chuối. Đặc biệt, tận dụng lợi thế đất vườn rộng người dân đã trồng thêm cỏ. Hiện tại, toàn xã đã có gần 150 hộ trồng với diện tích trên 8 ha cỏ VAO6. Cùng với đó người chăn nuôi ở xã Cẩm Lĩnh cũng đã tận thu tối đa các phụ phẩm nông nghiệp từ thân lá lạc, dây khoai lang sau thu hoạch. Nhiều hộ còn áp dụng các biện pháp phơi khô, ủ urê, ủ chua, ủ xanh và bổ sung thức ăn tinh trong khẩu phần ăn nhằm tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Chính quyền xã Cẩm Lĩnh cũng đã tăng cường hướng dẫn, vận động người chăn nuôi đầu tư nâng cấp, làm lại chuồng trại đảm bảo vệ sinh, đủ ấm và tuyệt đối không thả rông gia súc trong rừng vào những ngày giá rét nhiệt độ dưới 150C. Trâu, bò nuôi lại nhà vừa dễ dàng theo dõi sức khỏe vừa tiện chăm sóc. Vào mùa mưa rét được che chắn cẩn thận. Và chính sự thay đổi đó nên chỉ trong vòng 3 năm, Cẩm Lĩnh đã nâng tổng đàn từ 640 con năm 2008 lên gần 2 ngàn con vào cuối năm 2011.

Không chỉ có Cẩm Lĩnh mà hiện nay các địa phương như Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Quan, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ cũng đã vận động nhân dân không thả rông gia súc vào mùa đông. Trong đó tăng cường việc chủ động nguồn thức ăn. Đối với những nơi không thể tiến hành trồng cỏ VAO6 thì hướng dẫn ngưởi chăn nuôi có kế hoạch tận dụng phụ phẩm từ ngành trồng trọt ngay từ đầu. Toàn huyện Cẩm Xuyên hiện có gần 20 ngàn con trâu, bò được nuôi chủ yếu ở những xã miền núi. Lâu nay hầu hết người dân vẫn giữ hình thức chăn nuôi thả rông và dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên. Trước thông tin về thời tiết mùa đông năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nên huyện Cẩm Xuyên đã đưa ra nhiều biện pháp để chủ động chống rét cho gia súc.

và ủ ấm cho gia súc. Ảnh: Internet

Ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động chống rét trong chăn nuôi. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã tăng cường cán bộ kỷ thuật về cơ sở để vận động, tuyên truyền người dân tích cực thực hiện các biện pháp chống rét như: có thể chống rét bằng các tấm đan từ tre, nứa hoặc dùng bạt vây xung quanh chuồng trại. Chuẩn bị sẵn sàng các loại chất đốt như trấu, củi để sưởi ấm cho trâu, bò khi cần thiết. Dự trữ nguồn thức ăn rơm, rạ, cỏ khô đối với gia súc già, yếu, bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, sắn và các chất khoáng vào khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tăng cường công tác tiêm phòng bổ sung các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trâu, bò như lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, các bệnh về đường hô hấp nhằm tăng cường khả năng chống chịu với những biến đổi của thời tiết và môi trường. Từ sự chỉ đạo của huyện, hầu hết các gia đình chăn nuôi đã ý thức được tầm quan trọng và chủ động trong công tác phòng, chống rét cho gia súc. Đặc biệt, người chăn nuôi trong huyện đã tận dụng đất vườn hoặc đồi bãi để trồng cỏ VAO6. Hiện toàn huyện đã có gần 20 ha cỏ này và đáng tiếp tục nhân giống để phát triển thêm tạo nguồn thức ăn phong phú cho đàn vật nuôi.

Hiện nay huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng kế hoạch phát triển đàn gia súc nhằm đưa tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp đạt 50% và xác định chăn nuôi gia súc không chỉ dừng lại ở mục đích lấy sức kéo mà còn là sản phẩm hàng hóa. Chính vì vậy, định hướng người dân từ chăn nuôi tự do sang nuôi nhốt tập trung, có các biện pháp cụ thể dự trữ thức ăn và chống rét cho vật nuôi sẽ là bước thay đổi căn bản góp phần quan trọng để chăn nuôi ở huyện Cẩm xuyên phát triển hiệu quả và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast