Tạo bước đột phá trong sản xuất vụ đông 2011

Vụ đông năm 2011 là vụ sản xuất khởi đầu cho việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh, đây chính là lúc để bà con nông dân nhìn nhận lại tiềm năng và giá trị của vụ sản xuất đầy khó khăn này.

Đổi mới tư duy, tạo bước đột phá

Vụ đông diễn ra trong khoảng 4 tháng (từ tháng 9 đến hết tháng 12), với khung thời vụ ngắn ngủi và khá khắt khe như vậy, bà con nông dân chỉ có thể trồng các loại cây ngắn ngày, cho thu hoạch sớm. Ngô, khoai, lạc và rau màu là những loại cây truyền thống được bà con nông dân chọn để canh tác, vừa giải quyết vấn đề dân sinh, vừa là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn vật nuôi.

Các địa phương cần mạnh dạn gắn sản xuất vụ đông với sản xuất hàng hoá
Các địa phương cần mạnh dạn gắn sản xuất vụ đông với sản xuất hàng hoá

Hơn nữa, thiên tai, bão lũ thường tập trung đổ bộ vào tỉnh ta vào thời gian nay, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, kể cả trồng trọt và chăn nuôi. Năng suất thấp, rủi ro cao đã dẫn đến một thực tế diễn ra tại các địa phương là coi những sản phẩm của vụ đông chủ yếu chỉ phục vụ cho chăn nuôi là chính, chính quyền ít đầu tư còn người dân không mặn mà gì lắm với vụ sản xuất này. Đó chính là lý do khiến lâu nay, năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi vụ đông thường thấp kém hơn các vụ sản xuất khác trong năm.

Năm 2011 là năm đầu tiên trên toàn tỉnh thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mà khởi đầu của chính sách ấy là vụ Đông. Chính sách mới được xem là cái “cần câu” còn thiếu đối với vụ sản xuất đầy khó khăn này. Với quan điểm chung là đa dạng hoá phương thức canh tác, kỹ thuật nuôi mới; bổ sung các cây trồng, công nghệ hiện đại vào sản xuất theo hướng hàng hoá giá trị cao, hứa hẹn đây sẽ là bước khởi đầu mang tính đột phá, nhằm đổi mới tư duy về sản xuất nông nghiệp trong vụ đông.

Trên lĩnh vực trồng trọt, vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng đạt 19.663 ha, trong đó chủ đạo vẫn là các loại cây truyền thống vẫn tập trung vào các loại cây truyền thống như: ngô 6.085 ha, năng suất phấn đấu đạt 33,31 tạ/ha; khoai lang 8.262 ha, năng suất phấn đấu đạt 62,8 tạ/ha; rau đậu thực phẩm 5.126 ha, năng suất ước đạt 71,6 tạ/ha; lạc 190 ha, năng suất 17,32 tạ/ha. Theo đó, bộ giống năm nay được cơ cấu tập trung vào nhóm cao sản, cho năng suất cao, chất lượng hàng hoá tốt, đó là: nhóm CP, LVN và Bissed đối với ngô (chiếm 80% diện tích vụ đông); KB1, KL5, chiêm dâu, chiêm bông,…đối với khoai lang; L14, L23, L26…đối với lạc và các loại rau ăn lá, củ quả có giá trị thương phẩm cao.

Bên cạnh trồng phổ thông ở các huyện, năm nay ngành nông nghiệp chú trọng vào mũi nhọn xây dựng mô hình nông sản sạch có đầu tư công nghệ cao ở những địa phương lợi thế và vùng đất có truyền thống chuyên canh. Từ đó, làm nền tảng để nhân rộng thành vùng kinh tế hàng hoá trọng điểm trong những năm tiếp theo, đóng vai trò “chủ công” trong kinh tế nông nghiệp.

Đối với chăn nuôi, chăn nuôi lợn là giải pháp tối ưu cho vụ đông này. Cùng với việc thực hiện đề án phát triển chăn nuôi lợn, chính sách phát triển nông nghiệp giai đoạn 2011- 2015 của tỉnh, toàn tỉnh đẩy mạnh chăn nuôi cả về số lượng lẫn công tác thú y, phấn đấu xây dựng mô hình khép kín từ quá trình phối giống, chăn nuôi đến bao tiêu sản phẩm, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường. Đồng thời, đề án cũng hướng tới việc mạnh dạn phát triển loại hình sản xuất mới, cho năng suất và giá trị cao, đặc biệt là nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đất cát.

Vụ đông 2010 là một vụ sản xuất khó khăn điển hình trong lịch sử ngành nông nghiệp. Hạn hán, mưa bão, đặc biệt cơn “đại hồng thuỷ” vào giữa vụ đã kịp xoá băng tất cả kết quả của bà con nông dân. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn khôi phục sản xuất mọi vật lại hồi sinh, dù không đạt tối đa kế hoạch nhưng toàn tỉnh đã thu về hơn 5 vạn tấn thực phẩm từ cây trồng, đàn vật nuôi phát triển tốt, an toàn với dịch bệnh, góp phần quan trọng trong việc cứu đói cho người dân sau lũ, ổn định đời sống dân sinh. Như vậy, làm vụ đông không phải là khó đối với vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế như tỉnh ta và chắc chắn càng không thể là quá khó khi đầu tư phát triển nó trở thành một vụ sản xuất chính có giá trị hàng hoá cao.

Cơ chế chính sách - "cú hích” đầu tư

Theo đánh giá của ông Lê Đình Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh, xét cho đến cùng, nguyên nhân sâu xa là ở chỗ tư duy nhận thức về vụ đông đã quá cũ kĩ, chưa đánh giá đúng giá trị thương phẩm mà những sản phẩm của vụ sản xuất này đưa lại. Hệ luỵ của nền sản xuất manh mún, thiếu công nghệ là sản xuất ra nếu không phải để phục vụ cho chăn nuôi thì chúng cũng chỉ được bán trôi nổi ở các chợ nhỏ lẻ với giá rẻ mạt. Muốn tạo bước đột phá, các địa phương cần mạnh dạn gắn sản xuất vụ đông với sản xuất hàng hoá. Bên cạnh phát triển đều các loại giống truyền thống, cần tìm ra sản phẩm lợi thế, từ đó đầu tư công nghệ để tạo thương hiệu cho vùng. Tất nhiên, cơ chế chính sách hợp lý, dễ tiếp cận là người bạn đồng hành của người nông dân trong cuộc cách mạng này.

Can Lộc là địa phương luôn đi đầu trong việc mở rộng cơ chế, kích thích đầu tư. Vụ đông 2011, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện trích ngân sách 1,1 tỷ đồng đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi vụ đông. Ông Ngô Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp Can Lộc cho biết: “Thế mạnh của Can Lộc là khoai và rau màu các loại, vì vậy bằng cách tăng cường tối đã chính sách hỗ trợ, huyện huy động bà con mở rộng diện tích, đặc biệt là phát triển vườn nhà, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một mặt, đầu tư công nghệ, mở rộng mô hình trồng khoai sọ, khoai tây. Đồng thời, mời gọi các hộ gia đình chăn nuôi lớn tiến tới xây dựng mô hình chăn nuôi lợn tập trung, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Khác với các địa phương ở vùng xuôi, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ là những địa phương có nhiều lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất vụ đông. Riêng cây ngô, loại cây trồng chủ đạo của vụ đông, có đến 85% diện tích và sản lượng tập trung ở các huyện này.

Ông Phan Xuân Yên, Trưởng phòng Nông nghiệp Hương Sơn cho biết: “So với mọi năm, mũi nhọn của chúng tôi năm nay là đầu tư vào kỹ thuật sản xuất, trong đó tập trung cho cây ngô, loại cây cho nguồn lợi lớn nhất trong vụ này. Với 2.400 ha ngô, huyện đang tiến hành quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung, đồng thời hướng dẫn bà con phương pháp kỹ thuật nhằm tăng khả năng thâm canh và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Chúng tôi rất mong sớm nhận được nguồn giống hỗ trợ của tỉnh để bà con yên tâm ổn định sản xuất”.

Với mục tiêu tạo chuyển biến mang tính bước ngoặt trong sản xuất vụ đông, các địa phương đã hình thành được chiến lược riêng cho mình. Hơn lúc nào hết, người nông dân cần lắm những ưu tiên trong cơ chế chính sách, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, nhằm tiến tới một nền sản xuất nông sản sạch, công nghệ cao, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast