Thêm một vụ đông xuân thắng lợi toàn diện!

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã cơ bản thu hoạch gọn lúa đông - xuân. Với năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 50,6 tạ/ha (tăng 0,38 tạ/ha so với cùng kỳ) và sản lượng đạt 27,1 vạn tấn (tăng gần 1 ngàn tấn so với cùng kỳ), vụ đông xuân 2009 - 2010, tiếp tục là vụ mùa bội thu...

Biểu tổng hợp năng suất của Sở NN&PTNT cho thấy, ngoài ba gương mặt khá quen thuộc trong tốp đầu về năng suất của tỉnh bấy lâu là Đức Thọ (59,5 tạ/ha), thị xã Hồng Lĩnh (57,7 tạ/ha) và Can Lộc (55 tạ/ha), vụ đông xuân vừa qua còn đánh dấu sự bứt phá ngoạn mục của Vũ Quang khi từ 45,3 tạ/ha của đông xuân 2008 - 2009 đã nhảy lên 55 tạ/ha trong vụ đông xuân 2009 - 2010.

Bà con nông dân huyện Hương Sơn thu hoạch lúa đông xuân
Bà con nông dân huyện Hương Sơn thu hoạch lúa đông xuân

Không ngờ, chính nhờ vào sự vượt trội của Vũ Quang đã góp phần kéo năng suất bình quân toàn tỉnh cao hơn cùng kỳ, bởi vụ đông xuân vừa qua, tỉnh ta có đến 7 địa phương bị sụt giảm năng suất gồm: thành phố Hà Tĩnh (giảm 2,93 tạ/ha), Nghi Xuân (giảm 2,76 tạ/ha), Hương Sơn (giảm 0,05 tạ/ha), Thạch Hà (giảm 1,73 tạ/ha), Cẩm Xuyên (giảm 1,19 tạ/ha), Kỳ Anh (giảm 0,65 tạ/ha), Lộc Hà (giảm 0,5 tạ/ha).

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết, tuy năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ tăng 0,38 tạ/ha so với đông xuân năm ngoái nhưng đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu (biểu hiện rõ nét nhất chính là nước biển dâng gây nên tình trạng xâm nhập mặn tại các cống ngăn mặn giữ ngọt), giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp còn tăng cao (Kali) thì việc giành được những chỉ số năng suất, sản lượng như trên trong vụ đông xuân vừa qua rất đáng trân trọng.

Dưới cái nhìn của nhà kỹ thuật, kỹ sư Hà nhấn mạnh việc cần đánh giá, phân tích vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Trước hết, về khách quan, ngoại trừ giai đoạn lúa trổ bông, tiết trời có phần âm u (nhưng nhờ nền nhiệt độ cao nên không tác động đến năng suất), song, tổng quan thì thời tiết đa phần thuận lợi, nhất là các giai đoạn bắc mạ và cấy, nhờ nhiệt độ cao nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt; dĩ nhiên, giao thoa giữa những ngày nắng nóng gay gắt là những ngày thời tiết mát mẻ đã làm xuất hiện một số đối tượng sâu, bệnh hại nhưng chỉ mang tính cục bộ và đều được xử lý dứt điểm.

Mùa vàng. Ảnh: Đình Thông

Ở góc độ chủ quan, trên quan điểm tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời lấy hiệu quả trên đơn vị diện tích làm tư tưởng chủ đạo, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu tỉnh chỉ đạo các địa phương từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống bấy lâu bằng việc giảm mạnh trà lúa xuân sớm (tập trung vào giống IR1820 và các giống có thời gian sinh trưởng tương đương), tăng trà lúa xuân trung (tập trung các giống chủ lực như: Xi23, NX30, P6) và xuân muộn (sử dụng nhóm giống lúa thuần và lúa lai).

Cùng với cơ cấu giống, ngành đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), chương trình "3 giảm, 3 tăng".

Điều mừng hơn cả trong vụ đông xuân vừa qua là quá trình chỉ đạo của các địa phương, cơ sở đã phát huy tác dụng tích cực, từ việc sớm chủ động triển khai đề án, tuân thủ lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lẫn quá trình thu hoạch.

Nói vậy không có nghĩa, trong vụ đông xuân 2009 - 2010, chúng ta đã đẩy lùi được những hạn chế nhất định, đó là, dù đã được ngành chuyên môn phổ biến nhưng một số địa phương vẫn để nhân dân cấy sớm (đã thành tập quán cấy xong trà xuân sớm thì cấy luôn trà xuân trung); một số vùng gieo thẳng vẫn còn hiện tượng gieo dày; nhiều hộ dân, do giá Kali khá cao nên không mạnh dạn đầu tư vào giai đoạn lúa làm đòng trổ bông.

Góp phần vào việc tăng năng suất, sản lượng vụ đông xuân vừa qua, không thể không nói đến vai trò của cơ giới hóa sản xuất trong các khâu, từ làm đất, gieo mạ cho đến thu hoạch.

Ông Nguyễn Trọng Hòa - Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết thêm, tận dụng lợi thế sau chuyển đổi ruộng đất lần 2, nhất là tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách kích cầu của Chính phủ, nhiều địa phương đã vận động nhân dân đầu tư máy cày để vừa rút ngắn thời gian, đảm bảo lịch thời vụ sản xuất, đồng thời chuyển một bộ phận chuyên làm nông nghiệp sang làm nghề khác thu nhập cao hơn.

Cùng với cơ giới hóa khâu làm đất, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã tăng cường chuyển giao tiến bộ sản xuất gieo mạ bằng công cụ sạ hàng đã giúp bà con giảm thiểu công gieo, giảm lượng giống gieo, giảm thời gian tỉa dặm, giảm sâu bệnh nhưng lại giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển đều.

Đầu tháng 5, các xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh), Khánh Lộc (Can Lộc) còn làm nên những bất ngờ lớn khi đã hỗ trợ nhân dân đầu tư máy gắt đập liên hợp để tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian thu hoạch lúa và đảm bảo thời vụ gieo trồng hè thu.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc thường trực Sở NN&PTNT, thắng lợi của vụ đông xuân vừa qua đang là nguồn động viên lớn cả về vật chất lẫn tinh thần để bàn con nông dân tập trung cấy đủ chỉ tiêu diện tích vụ hè thu, phấn đấu giành thêm một vụ mùa thắng lợi toàn diện.

Để đảm bảo khung lịch thời vụ mà Sở NN&PTNT đặt ra, các địa phương cần chỉ đạo bà con thu hoạch đông xuân đến đâu thì triển khai sản xuất hè thu đến đó. Trong quá trình gieo mạ cần theo dõi để kịp thời phun phòng các loại sâu hại. Với các địa phương có tập quán gieo thẳng, cần tuyệt đối tuân thủ quy trình thâm canh lúa gieo, ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast